Tàu vận tải Bạch Đằng SG-8981lật úp trên biển Mũi Né. (Ảnh chụp vào trưa 16-3)
Ngày 16-3, đại diện chủ tàu vận tải Bạch Đằng phối hợp với lực lượng Biên phòng khẩn trương khảo sát hiện trường, xác minh vụ tàu vận tải Bạch Đằng SG-8981 chở 1.500 tấn tro bay (bụi xỉ than nhiệt điện) bị chìm trên vùng biển Mũi Né (tỉnh Bình Thuận).
Trước đó, ngày 14-3, tàu vận tải Bạch Đằng SG-8981 gồm 7 thuyền viên chở 1.500 tấn tro bay xuất phát từ cảng quốc tế Vĩnh Tân (tỉnh Bình Thuận) đi cảng Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) khi đến khu vực biển Mũi Né cách bờ khoảng 0,5 hải lý, tàu bất ngờ bị chìm.
Sau khi nhận được thông tin, Đồn Biên phòng Mũi Né sử dụng ca-nô cùng tàu cá ngư dân tổ chức cứu nạn, đưa 7 thuyền viên vào bờ an toàn. Theo đại diện Đồn Biên phòng Mũi Né, thời tiết tại khu vực tàu lúc đó có gió cấp 4, cấp 5; sóng cao từ 1,5 - 1,7 m, có thể phủ nước vào bên trong, làm chìm con tàu.
Một ngày sau sự cố, UBND tỉnh Bình Thuận đã có công văn hỏa tốc triển khai phương án ứng phó sự cố tràn dầu và tro xỉ rò rỉ. Trong sáng 16-3, một đoàn thợ lặn gồm 6 người do chủ tàu thuê ra hiện trường với sự hỗ trợ của Đồn Biên phòng Mũi Né.
Cùng ngày, UBND tỉnh Bình Thuận tiếp tục có công văn giao Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai phương án ứng phó sự cố tràn dầu, phòng ngừa ô nhiễm môi trường trong khu vực.
UBND tỉnh cũng giao cho Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận hướng dẫn chủ tàu xây dựng phương án, nhanh chóng trục vớt tàu bị nạn.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận, hiện toàn bộ số tro xỉ đang nằm trong thùng chuyên dụng và đã khóa kín tuyệt đối.
Riêng số dầu DO trên tàu thực tế còn khoảng 2.000 lít (khi làm thủ tục rời cảng Vĩnh Tân, thuyền trưởng khai báo lượng dầu là 8.000 lít - PV). Thời điểm này thì số tro xỉ và dầu được kiểm soát an toàn.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động trong chiều 16-3, đại diện lãnh đạo Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận cho biết đơn vị chưa nhận được báo cáo phương án trục vớt từ đơn vị chủ tàu, trước mắt tạo điều kiện cho chủ tàu khắc phục sự cố, ưu tiên cho việc trục vớt tàu.
Thời hạn điều tra tai nạn đường thủy là 60 ngày kể từ ngày ra quyết định điều tra và thẩm quyền thực hiện thuộc cảng vụ.
Đại diện chủ tàu vận tải Bạch Đằng cho biết đã khảo sát hiện trường, dự kiến trong hôm nay (17-3), đơn vị sẽ trình phương án trục vớt tàu đi kèm với các giải pháp không để xảy ra sự cố ảnh hưởng môi trường biển.
Ông Nguyễn Hùng Tân, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Thuận, cho biết: "Lượng tro xỉ đã được bỏ trong các khoang tàu và đóng kín trong thùng.
Tuy nhiên, hiện có nhiều thùng bị thấm nước, cần có phương án hút nước cho nhẹ tàu để tàu nổi lên mới có thể đưa vào bờ". Về việc có nhiều luồng thông tin nghi vấn sự cố tàu chìm là do cố ý nhấn chìm, theo ông Tân, phải chờ kết quả xác minh.
Để tránh nguy cơ thiệt hại có thể xảy ra, trong tối 15-3, Phó Giám đốc Sở TN-MT tỉnh Bình Thuận Đỗ Văn Thái ký công văn khẩn đề nghị chủ tàu sử dụng thiết bị chuyên dùng chủ động bơm hút dầu ra khỏi tàu trước khi tổ chức trục vớt.
Theo đó, lượng dầu bơm hút phải được đưa đến khu vực bảo quản an toàn theo quy định. Quá trình bơm hút cần được giám sát chặt chẽ và sẵn sàng các phương án ứng phó nếu có sự cố tràn dầu xảy ra. Phương án trục vớt, bơm hút dầu phải được thông qua Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận, Sở TN-MT tỉnh Bình Thuận và các cơ quan liên quan.
Cũng theo Sở TN-MT tỉnh Bình Thuận, dù lượng dầu trên tàu không quá nhiều và đã được khóa kín nhưng vẫn có khả năng gây ra sự cố tràn dầu.
Trong tình hình thời tiết hiện nay, nếu xảy ra sự cố tràn dầu, lượng dầu thoát ra bên ngoài có khả năng tấp vào bờ biển khu vực bãi sau Mũi Né, nơi tập trung rất nhiều cơ sở du lịch cao cấp và các hoạt động dân sinh khác.