Thực trạng thiếu thốn tác động đến hầu hết mọi lĩnh vực trong cuộc sống hàng ngày tại Sri Lanka. Ảnh: AFP
Theo hãng tin AFP, đảo quốc Nam Á này đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ khi giành được độc lập năm 1948 khi phải cắt điện luân phiên và thiếu hụt các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, ga nấu ăn.
Giới chức ngày 22/3 cho biết quân đội đã được điều động sau khi người dân tập trung biểu tình tại một tuyến phố đông đúc ở Colombo, gây ra tình trạng ách tắc giao thông trong nhiều giờ vì họ không thể mua được dầu hỏa.
“Cơn tức giận dâng trào khi dòng người xếp hàng ngày một dài hơn. Quyết định huy động quân đội để hỗ trợ cảnh sát được đưa ra vào tối qua. Động thái này nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra bất ổn”, một quan chức quốc phòng cấp cao giấu tên tiết lộ.
Trong một đoạn video đăng tải ngày 21/3, người biểu tình giận dữ vì không mua được dầu hỏa đã chặn một xe buýt chở khách.
Trước đó, một vụ ẩu đả đã xảy ra giữa hai người đang đợi đổ xăng, khiến một người thiệt mạng. Ba người cao tuổi khác cũng đã tử vong sau hàng giờ xếp hàng mua nhiên liệu. Cảnh sát cho hay nhiều người đã xếp hàng qua đêm để mua xăng dầu.
Quan chức quân đội thông báo binh sĩ sẽ được điều động tới các trạm xăng thuộc sở hữu của Tập đoàn dầu khí nhà nước Ceylon. Tập đoàn này phụ trách 2/3 chuỗi bán lẻ nhiên liệu tại quốc gia 22 triệu dân.
Sri Lanka đang thiếu đồng USD để thanh toán cho các lô nhập khẩu nhiên liệu ngày càng đắt đỏ. Hồi tháng 2, dự trữ ngoại tệ của nước này giảm xuống 2,31 tỷ USD.
Cũng trong tháng 2, lạm phát của Sri Lanka đạt 15,1% - một trong những tỷ lệ cao nhất ở châu Á. Lạm phát lương thực tăng vọt lên 25,7%. Thực trạng thiếu thốn tác động đến hầu hết mọi lĩnh vực trong cuộc sống hàng ngày. Tuần trước, giới chức nước này cũng đã hoãn các bài kiểm tra học kỳ cho hàng triệu học sinh vì thiếu giấy và mực in.
Đầu tháng 3, Ngân hàng Trung ương Sri Lanka thả nổi đồng rupee khiến đồng tiền này giảm mạnh hơn 30% và giao dịch ở mức khoảng 275 rupee/USD.