Bộ Quốc phòng nước này rao bán đấu giá công khai duy nhất một gói sản phẩm gồm 19 chiếc máy bay (nhiều chiếc không còn hoạt động và cần phải đại tu), 20 động cơ và 293 vật dụng khác như phụ tùng và vũ khí. Mức giá khởi điểm – vỏn vẹn 10 triệu USD.
Sau đó hai ngày, tờ báo The Economic Times đưa tin rằng, Không quân Ấn Độ đang tiến hành đàm phán với Moscow về việc mua gấp gáp 21 chiếc MiG-29.
Theo thông tin của tờ báo này, các bên từ tháng trước đã thảo luận về những điều khoản bàn giao những máy bay MiG. Giá thành của một chiếc tiêm kích là 40,2 triệu USD, tổng giá trị hợp đồng là 846,6 triệu USD, bao gồm chi phí huấn luyện nhân sự và phi công.
Điều thú vị: Hai sự kiện này có thể liên quan tới nhau?
Hãy thử đánh giá xem. Hungary, về lý thuyết, không thể bán MiG cho ai mà mình muốn. Sau khi tìm được người mua, hợp đồng sẽ phải được Moscow chấp thuận. Nhưng vấn đề là ở chỗ các máy bay MiG đã bị tháo dỡ từng phần không ai có nhu cầu mua.
Các nước từng thuộc khối Xã hội chủ nghĩa hầu hết đều gia nhập phe NATO, và hiện giờ đang sử dụng các máy bay tiêm kích F-16 do Mỹ chế tạo.
Tiêm kích MiG-29 của Không quân Hungary.
Những máy bay này về lý thuyết có thể được Ukraine mua lại, nhưng Điện Kremlin không bao giờ gật đầu chấp thuận bản hợp đồng này. Chỉ còn lại Syria, nhưng quốc gia này không có khả năng tự làm cho các máy bay MiG có thể cất cánh chiến đấu.
Như vậy, chỉ Nga có thể mua lại các máy bay này. Nga cũng không cần những máy bay đã lỗi thời. Nhưng có thể nâng cấp chúng và đem bán. Lấy ví dụ, cho chính những người Ấn Độ mà tự nhiên lại khát khao muốn mua một phi đội MiG.
Thoạt nhìn thì phương án này trông có vẻ không thực tế. Đúng, các máy bay MiG của Hungari không còn trẻ trung gì – Nga cung cấp cho họ vào năm 1993 để trừ một phần nợ cũ của Liên Xô.
Nhưng điều khiến người ta chú ý: Nguồn tin của tờ Kommersant (Nga) khi chia sẻ về kế hoạch bán cho Ấn Độ đã chỉ rõ rằng, "tất cả các máy bay được bán sẽ là phiên bản MiG-29UPG".
Vậy phiên bản bí hiểm UPG là gì? Vào tháng 3/2008, tập đoàn MiG và Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã ký hợp đồng nâng cấp các máy bay MiG cho Không quân Ấn Độ.
Bản hợp đồng quy định những điều khoản về sửa chữa các máy bay, hoàn thiện kết cấu để đạt 3.500 giờ bay trước khi phải sửa chữa và tăng tuổi thọ của chúng lên 40 năm. Chính phiên bản nâng cấp này được đặt tên là MiG-29UPG.
Chuyến bay đầu tiên của MiG-29UPG diễn ra vào ngày 4/2/2011 tại sân bay dã chiến của Viện Nghiên cứu Không quân Gromov (Nga).
MiG-29UPG sau nâng cấp.
Có thông tin cho biết rằng phiên bản nâng cấp này được trang bị radar Zuk-ME hoặc Zuk-M2E hiện đại, ghế phóng thoát hiểm K-36D-3.5, máy tính BTZVM-90/BTZVM-486-2, trạm định vị-quang học/hồng ngoại COLS, hệ thống chỉ dẫn mục tiêu trên mũ phi công Sh-3UM-1.
Những máy bay được nâng cấp do chính các phi công Ấn Độ lái thử nghiệm ở sân bay của thành phố Zukovsky (ngoại ô Moscow).
Như vậy, không có gì ngăn cản Nga mua lại của Hungary 19 máy bay tiêm kích với giá 10 triệu USD, nâng cấp chúng lên phiên bản MiG-29UG, và bán lại cho Ấn Độ với giá 40 triệu USD/chiếc.
Vậy cùng tìm hiểu xem bản hợp đồng này có thực sự như vậy hay không?
Theo ý kiến của chuyên gia quân sự Victor Mukharovsky (Nga), câu chuyện liên quan tới việc mua lại các máy bay MiG của Hungary, nâng cấp chúng thành MiG-29UPG, và bán cho Ấn Độ nghe có vẻ hơi bị cường điệu.
Trước tiên, bởi vì Nga có đủ máy bay MiG-29 đang trong kho bảo quản – có nghĩa là không thuộc còn thành phần của quân đội, và có thể nhanh chóng được nâng cấp và bàn giao cho Ấn Độ.
Thêm nữa, theo thông tin của ông Mukharovsky, các đại diện phía Ấn Độ đã xem qua các máy bay này, và thấy hiện trạng của chúng hoàn toàn phù hợp. Nếu không thì bản hợp đồng đã không có tiến triển.
MiG-29UPG sau nâng cấp của Không quân Ấn Độ.
Liên quan tới Hungary, được biết có lệnh cấm được buôn bán vũ khí với Nga. Và thậm chí trong trường hợp Nga vẫn mua của Hungary các máy bay MiG, thì bản hợp đồng sẽ bị các nước châu Âu - thành viên NATO ngăn chặn.
Còn Mỹ sẽ coi Hungary như kẻ thù của chủ nghĩa dân chủ tự do, và đóng băng các tài khoản mà Nga sẽ chuyển vào đó tiền thanh toán hợp đồng.
Vấn đề cơ bản của Không quân Ấn Độ là đội máy bay đã lỗi thời. Nhưng việc mua một phi đội MiG không giải quyết được điều đó. Tại sao Dehli vẫn quyết định ký bản hợp đồng này?
Bởi vì người Ấn đang thiếu các máy bay sẵn sàng chiến đấu, và số lượng sản xuất trong nước cùng với kế hoạch mua thêm ở nước ngoài cũng không chấm dứt được tình trạng này.
Họ đã gặp phải câu chuyện liên quan tới hợp đồng mua tiêm kích Rafale từ Pháp (36 chiếc máy bay này đã ngốn của Ấn Độ số tiền không tưởng là 7,53 tỷ Euro, tương đương hơn 209 triệu Euro/chiếc) – chi rất nhiều tiền nhưng nhận được số phi đội ít hơn mong muốn.
Và hiện giờ người Ấn gặp phải những vấn đề nghiêm trọng sau một loạt những vụ tại nạn của các máy bay thế hệ trước như MiG-21 và MiG-27.
Và họ đang nghiên cứu làm cách nào để nhanh chóng gia tăng số lượng các phi đội sẵn sàng chiến đấu cho lực lượng Không quân. Việc mua các máy bay MiG-29 sẽ giúp vấn đề này giải quyết được một phần nào đó. Đây là phương án nhanh gọn.
Nhưng việc triển khai dây chuyền sản xuất các máy bay MiG-29 tại Ấn Độ giống như đã từng làm với Su-30MKI là phương án không khả thi.
Nếu người Ấn có thể trong vòng 2-3 năm triển khai dây chuyển sản xuất nó, và mua thêm khoảng 5-6 phi đội các máy bay này từ Nga thì có lẽ họ sẽ giải quyết được vấn đề trong vòng 10 năm tới.
Nhưng người Ấn không thể làm được. Kinh nghiệm trước đây cho thấy họ phải mất 8-10 năm để triển khai dây chuyền sản xuất. Bên cạnh đó, cần phải thừa nhận rằng tiêm kích MG-29 là thế hệ quá khứ. Luẩn quẩn trong dự án này là điều không cần thiết.
Như vậy việc bán cho Ấn Độ 21 chiếc tiêm kích là bản hợp đồng một lần và bằng cách này người Ấn sẽ giải quyết vấn đề hiện tại và chỉ dừng lại ở đó.
Tiêm kích MiG-29 của Không quân Ấn Độ.
Tuy nhiên, theo Thiếu tướng Vladimir Popov, phó tổng biên tập tạp chí "Aviapanorama" (Nga) cho biết rằng, về lý thuyết, việc mua máy bay MiG của Hungary rồi sau đó bán lại cho Ấn Độ là hoàn toàn có thể.
Hungary phải bán các máy bay của Nga không phải vì cần phải nâng cấp chúng, mà quốc gia này đang gặp phải những khó khăn về tài chính. Họ đang cắt giảm lực lượng không quân của mình mà lại chính là không quân tiêm kích.
Có thể nói rằng Hungary bán các máy bay đi trong trường hợp này là để chúng không bị bỏ phí. Và trong những tình huống tương tự, thông thường, ứng cử viên đầu tiên mua chúng sẽ là nhà máy sản xuất – chính xác hơn là quốc gia sản xuất khí tài hàng không.
Các máy bay MiG đúng là có thể nâng cấp sâu. Cần phải hiểu rằng, thứ quan trọng và đắt giá nhất trong chiếc máy bay là thân vỏ. Phần lõi, bao gồm động cơ, có thể lắp đặt mới – và chiếc máy bay không hề kém cạnh các sản phẩm vừa mới xuất xưởng.
Mức giá của chiếc máy bay được nâng cấp sẽ thấp hơn nhiều chiếc tương tự mới xuất xưởng. Nếu phương án này được áp dụng trong hợp đồng với Ấn Độ, thì người Ấn sẽ phải kiểm tra trước các máy bay của Hungary và nói: "Chúng tôi sẵn sàng mua chúng sau khi được nâng cấp với những điều kiện nào đó".
Nhưng không chắc rằng Nga sẽ mua các máy bay của Hungary, bất chấp trước đó đã có những lời đồn đoán về câu chuyện này.