Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cuối năm 2023. Quy hoạch tỉnh mới được thông qua nên chưa có bản thiết kế chi tiết. Dưới đây là viễn cảnh phát triển đô thị tương lai của Quảng Ninh đến năm 2050 được ứng dụng AI ChatGPT sáng tạo ra.
Theo Quy hoạch, đến năm 2030, tỉnh Quảng Ninh có 12 đơn vị hành chính với 13 đô thị, trở thành thành phố trực thuộc trung ương trên cơ sở hình thành khu vực nội thành bao gồm 7 thành phố: Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí, Móng Cái - Hải Hà, Đông Triều, Quảng Yên, Vân Đồn và tái lập thị xã Tiên Yên. 3 huyện sẽ lên thành phố là Đông Triều, Quảng Yên và Vân Đồn. Quảng Ninh sẽ trở thành địa phương có nhiều thành phố trực thuộc tỉnh nhất Việt Nam.
Dự kiến thành phố Móng Cái hiện nay được quy hoạch sáp nhập với huyện Hải Hà để trở thành một thành phố mới. Phấn đấu đến năm 2030, Quảng Ninh có 4 thành phố đạt đô thị loại I là Hạ Long, Uông Bí, Cẩm Phả, Móng Cái.
Quảng Ninh định hướng mở rộng không gian phát triển đô thị của thành phố Hạ Long, lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối phát triển đô thị theo mô hình đa cực, mở rộng đô thị lên phía Bắc. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thành phố Hạ Long đồng bộ, hiện đại, giữ vững tiêu chí đô thị loại I.
Tuyến hành lang phía Tây tập trung phát triển đô thị từ Hạ Long đến Đông Triều, phát triển chuỗi đô thị - công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, công nghệ cao và du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh nhằm hướng đến khu vực phát triển của Đồng bằng sông Hồng và Thủ đô Hà Nội. Trong đó, khu kinh tế ven biển Quảng Yên là hạt nhân, phát triển theo mô hình “Thành phố thông minh” với các khu công nghiệp - dịch vụ - đô thị - cảng biển thông minh, hiện đại, trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao.
Tuyến hành lang phía Đông tập trung phát triển đô thị từ Hạ Long đến Móng Cái theo hướng phát triển chuỗi đô thị sinh thái - dịch vụ, thương mại, du lịch tổng hợp cao cấp, nông nghiệp sạch - công nghệ cao và kinh tế biển, lấy phát triển công nghiệp để dẫn dắt nông nghiệp, phát triển khu kinh tế Vân Đồn và khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái là hai mũi đột phá.
Về giao thông, Quảng Ninh sẽ có hai tuyến cao tốc quy hoạch mới là cao tốc Nội Bài - Bắc Ninh - Hạ Long và cao tốc Tiên Yên - Lạng Sơn - Cao Bằng. Theo lộ trình giai đoạn 2021 - 2030, cao tốc Nội Bài - Bắc Ninh - Hạ Long sẽ triển khai xây dựng đoạn tuyến qua địa bàn tỉnh Quảng Ninh đạt tốc độ thiết kế 100-120 km/h, quy mô 4 làn xe. Giai đoạn sau năm 2030 phát triển theo nhu cầu thực tế.
Trong tương lai, Quảng Ninh sẽ xây dựng các công trình như: cầu Rừng; cầu Lại Xuân; cầu và đường kết nối Uông Bí với Thủy Nguyên (Hải Phòng); cầu/hầm nối từ khu vực Tiền Phong (Quảng Yên) với Lạch Huyện, Hải Phòng; đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến Đông Triều; đầu tư mở rộng quốc lộ 279 kết nối liên thông với đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả; cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 342 từ Hạ Long qua Ba Chẽ đến giáp ranh địa phận tỉnh Lạng Sơn; cao tốc Tiên Yên - Lạng Sơn, quốc lộ 4B,...
Theo quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt, tỉnh Quảng Ninh được xây dựng mới 3 tuyến đường sắt đô thị có tổng chiều dài 293,8 km. Trong đó, tuyến Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân dài 129 km, lộ trình đầu tư đến năm 2030; tuyến Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh dài 101 km, đầu tư sau năm 2030; tuyến Hạ Long - Móng Cái dài 150 km, đầu tư sau năm 2030.
Từ năm 2030, tỉnh Quảng Ninh còn tập trung đầu tư vào hệ thống giao thông đường sắt tốc độ cao, tàu điện trên cao từ Đông Triều đến Móng Cái.
Theo hồ sơ quy hoạch, Quảng Ninh định hướng quy hoạch mới sân bay chuyên dùng Cô Tô giai đoạn 2030 - 2050 với diện tích trên 130 ha phục vụ tiềm năng phát triển du lịch với lượng khách tới tham quan, vui chơi, nghỉ dưỡng với lượng du khách không ngừng tăng trong những năm qua.
Quảng Ninh dự kiến xây dựng vùng nước dành cho thủy phi cơ, trực thăng tại Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Cô Tô, Đông Triều, Uông Bí và tại những khu vực có tiềm năng về du lịch.
Bờ biển ở Quảng Ninh có chiều dài 250km, nhiều khu vực nước sâu, kín gió, thuận lợi cho việc xây dựng, phát triển hệ thống cảng biển. Cảng biển Quảng Ninh bao gồm nhiều cảng và bến như Cái Lân, Cửa Ông, Vạn Gia, Mũi Chùa, khu bến Yên Hưng. Những cảng này có năng lực bốc xếp cho tàu hàng vạn tấn và tiếp tục được đầu tư phát triển trong tương lai.
Nhằm phát triển hợp lý, bền vững ngành công nghiệp khai khoáng, trọng điểm là ngành than góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia theo quy hoạch; giai đoạn 2021 - 2030, sản lượng khai thác than của Quảng Ninh cơ bản ổn định và tăng trưởng với tốc độ bình quân khoảng 1,2%/năm; đến năm 2030, sản lượng khai thác đạt trên 49 triệu tấn.
Quảng Ninh xác định tập trung phát triển công nghiệp năng lượng thân thiện với môi trường; tiếp tục duy trì là một trung tâm năng lượng của quốc gia (một trong những trung tâm điện gió, điện khí LNG của miền Bắc), chuyển dần sang phát triển năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; phát triển mạng lưới điện tỉnh, phát triển nguồn điện gió trên bờ, gần bờ và ngoài khơi với tổng công suất bước đầu khoảng 2.500MW.
Quảng Ninh phấn đầu tiếp tục là đầu tàu du lịch quốc gia, trung tâm du lịch quốc tế với nhiều khu du lịch nổi tiếng, trong đó có vịnh Hạ Long - di sản thiên nhiên thế giới.