Khám phá thế giới giò chả Việt: 3 món giò chả không thể thiếu trên mâm cỗ Tết của người miền Bắc

Đức Tuấn |

Từ lâu, giò chả đã là món ăn truyền thống quen thuộc trong mâm cỗ ngày Tết của mỗi gia đình Việt Nam. Nhân dịp Tết đến Xuân về, quý vị độc giả cùng chúng tôi tìm hiểu và khám phá những loại giò, chả trên khắp mọi miền Tổ quốc nhé!

Trong những ngày Tết, bất cứ gia đình Việt nào cũng luôn chăm chút cẩn thận, tỉ mỉ cho mâm cỗ cúng gia tiên với tấm lòng thành cùng các món ăn truyền thống. Đó là những món ăn không thể thiếu vào dịp lễ quan trọng này như: bánh chưng hay bánh tét, thịt gà luộc, thịt kho trứng, canh măng chân giò, giò lụa,... Mỗi một món ăn đều mang trong nó một hoặc nhiều ý nghĩa sâu xa gắn liền với những nét đặc sắc trong văn hóa Việt. Trong đó, có thể nói một món ăn truyền thống hầu như "bắt buộc" phải có là: GIÒ CHẢ.

Khám phá thế giới giò chả Việt: 3 món giò chả không thể thiếu trên mâm cỗ Tết của người miền Bắc - Ảnh 1.

Nguồn: Migo Travel

Trong văn học, giò được nhắc đến như một nét tinh hoa ẩm thực qua ngòi bút của nhà văn Nguyễn Tuân: "Không sợ là huênh hoang thiếu khiêm tốn, ta có thể nói rằng biết chế lợn ra thành cân giò lụa, đó là đỉnh cao của một dạng văn hóa dân tộc toàn cầu… Hình như giò lụa là một tiết mục độc đáo chỉ ta mới có, chỉ người Việt Nam ta mới nghĩ ra và làm ra" (trích tùy bút Giò lụa).

Khám phá thế giới giò chả Việt: 3 món giò chả không thể thiếu trên mâm cỗ Tết của người miền Bắc - Ảnh 2.

Nguồn: Chả lụa quê

Nhìn chung, mỗi vùng miền sẽ có những cách làm giò, chả khác nhau. Điều này tạo nên sự đa dạng trong văn hóa ẩm thực từ Bắc đến Nam. Đây cũng là món ăn tiêu biểu cho nét văn hóa Việt thể hiện qua cách chọn nguyên liệu tươi ngon, lấy tự nhiên làm gốc. Thông thường, giò, chả được làm từ thịt được giã mịn cùng các gia vị rồi đem gói vào lá chuối, sau đó hấp, luộc hoặc chiên. Cần đảm bảo rằng thịt phải tươi, đầy đủ gia vị như nước mắm, tiêu và phải gói bằng lá chuối để có được mùi thơm tự nhiên. Bằng sự tinh hoa của ẩm thực Việt, giò chả đã trở thành món ăn tuy dân dã, quen thuộc nhưng vẫn mang nét sang trọng có thể dùng để đãi khách.

CÁC LOẠI GIÒ CHẢ "TRỨ DANH" CỦA MIỀN BẮC

1. Giò lụa

Giò lụa (miền Nam gọi chả lụa) là món ăn rất quen thuộc đối với người dân Việt Nam. Nguyên liệu chính của món giò lụa là thịt heo giã nhuyễn, mịn kết hợp cùng các gia vị như nước mắm, tiêu,... bọc lá chuối bên ngoài và sau đó luộc hoặc hấp thật kỹ. Khi chín, giò có màu hồng nhạt hoặc màu trắng, mùi vị thơm ngon.

Khám phá thế giới giò chả Việt: 3 món giò chả không thể thiếu trên mâm cỗ Tết của người miền Bắc - Ảnh 3.

Nguồn: HN Foods

Bạn có thể thưởng thức một khoanh giò với muối tiêu chanh hay đồ chua như dưa góp, củ kiệu. Ngày Tết được ăn giò kèm một miếng bánh chưng thì quá "chuẩn bài".

Nói đến giò lụa, ở miền Bắc, người ta nghĩ tới ngay giò chả Ước Lễ của huyện Thanh Oai vô cùng nổi tiếng.

2. Chả quế

Thật thiếu sót nếu bỏ qua chả quế - món ăn luôn "sánh đôi" cùng với giò lụa trên mâm cỗ trong ngày Tết.

Khám phá thế giới giò chả Việt: 3 món giò chả không thể thiếu trên mâm cỗ Tết của người miền Bắc - Ảnh 4.

Nguồn: PK Vegan

Dù có chung nguyên liệu chính là thịt heo nhưng cách làm chả quế lại cầu kỳ hơn nhiều. Thịt sau khi giã nhuyễn và trộn với ít mỡ, tiêu, nước mắm, đặc biệt là bột quế thì được đưa vào lò nướng hoặc hấp với nhiệt độ cao.

Khi chín, bên ngoài chả có vỏ màu vàng đậm, bên trong vàng nhạt, thơm mùi thịt chiên và đặc điểm nhận dạng chính là mùi thơm từ quế. Cắn miếng chả quế để thấy sự dẻo dai, giòn mềm của miếng chả và hương vị đậm đà của các gia vị tuyệt hảo.

3. Giò thủ (giò xào)

Giò thủ hay còn gọi giò xào , cũng là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ Tết của người Việt, đặc biệt ở miền Bắc. Sự độc đáo của món ăn này xuất phát từ phần nguyên liệu bao gồm tai, lưỡi, mũi heo và nấm mèo, hành tỏi. Chính vì thế, khi ăn loại giò này, bất cứ ai cũng đều cảm nhận được vị thơm ngon, giòn dai sần sật rất hấp dẫn của nó.

Khám phá thế giới giò chả Việt: 3 món giò chả không thể thiếu trên mâm cỗ Tết của người miền Bắc - Ảnh 5.

Nguồn: Chả lụa Cô Sa

Sau khi ướp các nguyên liệu cùng gia vị tiêu, nước mắm thì đem xào qua đến khi thấy thịt hơi nhừa nhựa thì tắt bếp. Bước tiếp theo là cho vào khuôn và lấy lá chuối gói lại rồi hấp. Thành quả có được là món giò thủ cực kỳ bắt mắt, màu nâu và màu vàng hòa lẫn vào nhau. Giò thủ mà ăn với bánh chưng ngày Tết, kèm dưa hành thì ngon xuất sắc, quá chuẩn vị Tết!

Là món ăn truyền thống ngày Tết, giò chả vừa mang lại cảm giác thân quen, nét dung dị vừa là biểu tượng của sự sang trọng, phú quý; là món ngon để đãi khách đến nhà đầu năm. Thật tuyệt vời khi cùng nhau quây quần bên người thân và thưởng thức hương vị quen thuộc từ những khoanh giò miếng chả và cùng chúc nhau nhiều điều may mắn trong dịp năm mới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại