Theo đó, văn kiện trên được ký kết giữa Công ty đóng tàu Larsen & Toubro (L&T) và Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam.
Mặc dù bài viết không nói rõ loại tàu tuần tra xa bờ nào sẽ được đóng cho Việt Nam, nhưng hiện nay Công ty L&T đang nhận hợp đồng thi công 7 chiếc OPV trị giá 215 triệu USD cho Lực lượng Tuần duyên Ấn Độ.
Trong danh mục sản phẩm quân sự được giới thiệu trên trang chủ của Larsen & Toubrochỉ có duy nhất một mẫu tàu tuần tra xa bờ, do vậy rất có thể đây sẽ là con tàu được đóng cho Việt Nam.
Loại tàu tuần tra xa bờ có thể được Ấn Độ đóng cho Việt Nam
Mẫu OPV này có nhiệm vụ tuần tra dài ngày ở vùng biển xa (kể cả các khu vực đảo), chống buôn lậu, cướp biển...
Các thông số kỹ thuật của tàu chưa được tiết lộ, nhưng nhìn hình dáng bên ngoài dễ nhận thấy nó dựa theo thiết kế tàu tuần tra xa bờ lớp Saryu hiện đang hoạt động trong Hải quân Ấn Độ. Tuy nhiên kích thước của con tàu nhiều khả năng sẽ không bằng lớp Saryu.
Nhà máy đóng tàu Goa trước đó cũng giới thiệu một phiên bản rút gọn của lớp Saryu dùng cho xuất khẩu, cho nên sản phẩm của Công ty L&T có thể sẽ dùng chung thiết kế của nhà máy Goa.
Thông số kỹ thuật cơ bản của tàu: Chiều dài 74,8 m; Chiều rộng: 11,5 m; Mớn nước: 3,6 m; Lượng giãn nước: 1.440 tấn; Biên chế: 12 sĩ quan và 52 thủy thủ.
Vũ khí trang bị theo như hình đồ họa bao gồm: 1 pháo hạm Oto Melara cỡ nòng 76 mm và 2 pháo bắn nhanh AK-630M cỡ 30 mm. Phía đuôi tàu có sàn đáp và nhà chứa cho trực thăng hạng nhẹ 5,5 tấn.
Mô hình tàu tuần tra xa bờ của nhà máy Goa
Theo hợp đồng ký kết với Lực lượng Tuần duyên Ấn Độ thì chiếc tàu tuần tra xa bờ đầu tiên sẽ được chuyển giao sau 36 tháng thi công. Nếu Việt Nam lựa chọn thiết kế này thì thời gian nhận tàu sẽ từ năm 2019 - 2020.