Robot quân sự hiện nay chưa giống như những gì được các bộ phim khoa học viễn tưởng mô tả - có hình dáng giống con người, có trí tuệ nhân tạo (AI)…
Mặc dù hiện tại Mỹ đang dẫn đầu trong lĩnh vực robot quân sự với nhiều loại robot và máy bay không người lái (UAV), song trong những năm gần đây, Nga tập trung đầu tư vào phát triển những tổ hợp robot quân sự riêng của mình.
Trong vòng 5 năm trở lại đây, ngành công nghiệp quốc phòng của Nga giới thiệu nhiều mẫu robot quân sự khác nhau phục vụ các nhiệm vụ khác nhau trên chiến trường.
Tổ hợp Nerekhta được chế tạo bởi Nhà máy Degtyaryov và được quân đội Nga đưa vào biên chế vào cuối năm 2017, là tổ hợp có thiết kế dạng mô-đun với hệ thống bánh xích, chiều dài 2,6 m và chiều cao 0,9 m. Tổ hợp này có thể được lắp đặt các thiết bị khác nhau để phục vụ công tác chiến đấu, trinh sát và vận tải.
Các loại vũ khí mà tổ hợp Nerekhta có thể mang theo là súng máy dùng cỡ đạn 7,62 mm PKT, súng máy hạng nặng 12,7 mm Kord hoặc súng phóng lựu tự động 30 mm. Phiên bản trinh sát được trang bị các thiết bị điện tử và quang học phục vụ cho công tác chỉ thị mục tiêu cho pháo binh ở khoảng cách 5 km. Phiên bản vận tải có thể được trang bị cần cẩu phía trên.
Tổ hợp robot quân sự Uran-6 và Uran-9 lần đầu tiên xuất hiện trong lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng năm nay tại Quảng trường Đỏ, Matxcơva. Tổ hợp Uran-6 có hình dáng giống như 1 chiếc máy xúc, hiện đang được lực lượng công binh Nga sử dụng trong công tác tháo gỡ bom mìn mà các nhóm phiến quân cài tại những ngôi làng ở Syria.
Tổ hợp nặng 6 tấn này được trang bị nhiều loại công cụ khác nhau để phù hợp với các loại địa hình. Đồng thời lớp giáp phía trước của Uran-6 đủ dày để chống lại các vụ nổ của mìn hoặc đầu đạn khi thực hiện công tác tháo gỡ bom mìn.
Trong khi đó, tổ hợp Uran-9 hiện vẫn đang trong quá trình thử nghiệm, có hình dáng giống 1 chiếc xe tăng cỡ nhỏ. Tổ hợp này được trang bị súng máy 7,62 mm và pháo tự động 30 mm, ngoài ra có thể được trang bị thêm tên lửa phòng không hoặc tên lửa chống tăng.
Tổ hợp Uran-9 có nhiệm vụ hỗ trợ hỏa lực cho các nhóm bộ binh và hoàn toàn đủ khả năng tiêu diệt xe tăng lẫn các cứ điểm phòng thủ cỡ nhỏ của đối phương. Ngoài ra hệ thống tác chiến điện tử trên tổ hợp Uran-9 còn có khả năng phát hiện tia laser chỉ thị mục tiêu của đối phương và tạo màn khói ngụy trang. Dòng robot quân sự Uran là sản phẩm của công ty 766 UPTK.
Video: Tổ hợp robot quân sự Uran-9
Công việc thử nghiệm tổ hợp Soratnik (chiến binh đồng hành) của Tập đoàn Kalashnikov được hoàn tất vào năm 2017, đây là tổ hợp chiến đấu có trọng lượng 7 tấn với khả năng tự động chỉ thị, theo dõi và tấn công mục tiêu với các vũ khí mà tổ hợp này được trang bị.
Soratnik có thể mang theo nhiều loại vũ khí, trong đó có súng máy bộ binh và cả tên lửa chống tăng. Hệ thống điện tử trên tổ hợp Soratnik có thể liên kết với mạng lưới máy bay không người lái (UAV) làm nhiệm vụ trinh sát chiến trường.
Ngoài ra, Tập đoàn Kalashnikov còn giới thiệu nguyên mẫu thử nghiệm có tên Nakhlebnik, đây là bản thu nhỏ của tổ hợp của Soratnik, được trang bị súng máy bộ binh. Nakhlebnik được thiết kế để hỗ trợ hỏa lực cho tổ hợp Soratnik.
Tổ hợp robot chiến đấu hạng nặng nhất của Nga hiện tại là Vikhr (cơn lốc) với kích thước tương đương xe chiến đấu bộ binh (IFV) thông thường.
Với các thiết bị điện tử hiện đại, các quân nhân hoàn toàn có thể điều khiển được tổ hợp này từ xa với kíp lái 3 người, song thường chỉ cần 1 người vận hành chính. Ngoài ra, Vikhr có thể hoạt động như xe chiến đấu bộ binh thông thường với kíp lái 3 người bên trong.
Vikhr được trang bị súng máy 7,62 mm với tên lửa chống tăng, tổ hợp này sử dụng các camera mang theo cũng như có thể kết nối với mạng lưới UAV trinh sát để cung cấp thông tin thực địa. Khoảng cách điều khiển tối đa của Vikhr là 5 km, đây là sản phẩm của cơ quan nghiên cứu và phát triển của Bộ Quốc phòng Nga phối hợp với 2 cơ quan nghiên cứu khác của Nga.
Tham gia “thử lửa” trên chiến trường Syria còn có tổ hợp robot quân sự Platforma-M, tổ hợp này từng hỗ trợ các chiến dịch chống khủng bố do quân đội Nga phối hợp với quân đội chính phủ Syria triển khai vào năm 2016. Đây là sản phẩm do Viện Nghiên cứu và Công nghệ Tiến bộ của Nga chế tạo.
Tổ hợp Platforma-M có trọng lượng chưa đầy 1 tấn nhưng được đánh giá là một trong những cỗ máy chiến tranh mạnh nhất, được trang bị 4 ống phóng tên lửa chống tăng RPG-26 và súng máy 7,26 mm.
Việc điều khiển Platforma-M hết sức đơn giản với bộ điều khiển giống tay cầm của các máy chơi game phổ biến.
Mặc dù Platforma-M có hàng loạt điểm yếu như lớp giáp chỉ đủ khả năng chống lại hỏa lực của vũ khí cá nhân, tốc độ tối đa chỉ đạt 12 km/h và khoảng cách điều khiển chỉ 1,5 km, tuy nhiên tổ hợp này vẫn hoàn thành nhiệm vụ của mình và đạt hiệu quả kinh tế cao trong chiến đấu.