Ngày 28/3/1963, quân đội Liên Xô nhận những tổ hợp pháo phản lực BM-21 Grad đầu tiên, loại vũ khí được đánh giá là đơn giản, đáng tin cậy và rất nguy hiểm. Mỗi tổ hợp BM-21 mang theo 40 viên đạn pháo thuốc nổ mạnh 122 mm đủ khả năng san phẳng khu vực rộng 2,5 hecta chỉ trong vài chục giây.
Tổ hợp pháo phản lực BM-21 là một trong những loại vũ khí được sản xuất nhiều nhất trong lịch sử hiện đại, với tổng cộng khoảng 80.000 tổ hợp được sản xuất, chưa tính đến các tổ hợp được chế tạo dựa theo nguyên mẫu của Liên Xô.
Ngay từ khi còn ở trong giai đoạn thiết kế, các kỹ sư nhận ra tổ hợp pháo phản lực BM-21 là loại vũ khí sẽ được dùng rộng rãi trong tương lai. Hiệu suất chiến đấu của BM-21 vượt xa so với mẫu pháo phản lực BM-14, ra đời vào đầu những năm 1950 – tầm bắn tăng từ 9,8 lên 20,4 km, số lượng đạn pháo trên mỗi tổ hợp tăng từ 16 đến 40 viên.
Các cuộc thử nghiệm cho thấy 1 tổ hợp BM-21 có khả năng tiêu diệt toàn bộ sinh lực địch trong khu vực rộng khoảng 2,5 hecta chỉ trong vòng 20 giây. Pháo phản lực LARS-1 của Đức được chế tạo vài năm sau đó có trọng lượng nặng hơn tương đối so với BM-21 trong khi chỉ mang theo được 36 viên đạn với tầm bắn tối đa 15 km.
Những đặc điểm ấn tượng của tổ hợp pháo phản lực BM-21 Grad do đạn pháo 122 mm M-21OF mới với hệ thống ổn định kép mang lại, loại đạn này do 3 phòng thiết kế của Liên Xô hợp tác phát triển. Trong quá trình bay, viên đạn xoay theo trục dọc và nhờ vào hỗn hợp nhiên liệu mới, đạn pháo M-21OF có thể bay với tốc độ 690m/s.
Tổ hợp pháo phản lực BM-21 không chỉ được tăng cường về hỏa lực mà còn được tăng cường cả tính cơ động. Tổ hợp này được đặt trên khung xe tải Ural-375D có vận tốc tối đa là 75 km/h.
Lần đầu tiên tổ hợp pháo phản lực BM-21 tham gia chiến đấu là vào ngày 15/3/1969, trong vụ xung đột biên giới giữa Liên Xô và Trung Quốc. Liên Xô triển khai 1 khẩu đội gồm 12 tổ hợp Grad tới khu vực này, mặc dù Trung Quốc không công bố cụ thể về thương vong song những khẩu đội Grad buộc quân đội Trung Quốc phải rút lui.
Trong Chiến tranh Afghanistan, các tổ hợp pháo phản lực Grad đảm nhận nhiệm vụ khó khăn nhất. “Các tổ hợp Grad của chúng tôi tới gần căn cứ của phiến quân.
Sau loạt đạn nhằm vào những căn cứ ấy, cả khu vực biến thành cát bụi và hiệu ứng tâm lý tác động lên phiến quân rất lớn”, RIA Novosti dẫn lời Trung tá Vladimir Nikolayev, thuộc trung đoàn pháo binh của Quân đoàn 40, quân đội Liên Xô.
Tuy nhiên theo trung tá Nikolayev, cuộc chiến tại Afghanistan cũng làm lộ rõ điểm yếu của tổ hợp pháo phản lực BM-21. Động cơ của xe tải Ural mang tổ hợp BM-21 đốt cháy đến 1 lít xăng/1 km. Điều kiện khí hậu quá nóng của Afghanistan khiến động cơ xe tải bị quá nhiệt, hiệu suất làm việc thấp và xảy ra tình trạng thiếu nhiên liệu khi hành quân.
Video: Pháo phản lực BM-21 Grad khai hỏa
“Do nâng tầm bắn lên tối đa, tổ hợp Grad không quá hiệu quả ở khu vực đồng bằng còn ở khu vực vùng núi, khả năng gây thiệt hại của tổ hợp này bị giảm xuống nhiều. Gần như không thể phá hủy được mục tiêu với BM-21 Grad như với pháo truyền thống.
Theo ý kiến của tôi, việc sử dụng rộng rãi Grad ở Afghanistan không được chứng minh là có hiệu quả, có nhiều vũ khí giải quyết vấn đề ở đây tốt hơn”, trung tá Nikolayev nhận xét.
Tuy nhiên, Grad vẫn có mặt trong biên chế quân đội nhiều quốc gia ngoài Liên Xô, đầu những năm 1990, hơn 50 quốc gia đưa tổ hợp pháo phản lực này vào biên chế trong lực lượng vũ trang của mình. Tính từ những năm 1960, Liên Xô xuất khẩu khoảng 2.000 tổ hợp BM-21 cùng hàng triệu viên đạn.
Một trong những lần triển khai hiệu quả nhất của pháo phản lực BM-21 là vào năm 1975 trong Nội chiến Angola, khi 4 tổ hợp pháo phản lực BM-21 Grad do các sỹ quan pháo binh Cuba vận hành tiêu diệt hơn 400 tay súng FNLA và khiến 2.000 tay súng khác phải trốn vào rừng.
“Tổ hợp Grad, cũng như súng trường tấn công AK, chứa đựng đầy đủ các phẩm chất cơ bản của những loại vũ khí tốt nhất của nước Nga: đơn giản, hiệu quả, có độ tin cậy cao và tương đối rẻ.
Có thể các hệ thống của phương Tây sở hữu nhiều công nghệ tiên tiến hơn nhưng chúng đòi hỏi quy mô hậu cần và nhân lực khác biệt hoàn toàn.
Còn Grad có thể hoạt động tốt ở bất cứ nơi nào tại châu Phi hay châu Á, thậm chí 1 người nông dân cũng có thể vận hành tổ hợp này”, chuyên gia Konstantin Makienko nhận xét.
Tổ hợp BM-21 Grad cuối cùng được lắp ráp vào năm 1998, sau đó tổ hợp pháo phản lực huyền thoại này được thay thế bằng tổ hợp Tornado-G. Tổ hợp pháo phản lực mới dùng đạn pháo cỡ 122 mm với đầu đạn tách rời, loại đạn mới này có thể mang đầu đạn có điều khiển.