Hiện nay, 3 di sản tư liệu của chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang được trưng bày ở trụ sở Ban Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Trường Lưu (xã Kim Song Trường).
Đình được dựng bằng gỗ mít, đến nay đã mối mọt theo dòng chảy thời gian. Các cột gỗ được chạm trổ rồng phượng và hoa văn cầu kì, chính giữa là bàn thờ phục vụ các lễ giỗ. Trong đình có đặt tấm bia ghi danh 22 vị tiến sĩ dưới triều Hậu Lê và triều Nguyễn. Năm 2008, đình được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh.
Trong 14 nhà thờ các dòng họ, đình làng, tư gia có các bức hoành phi, trướng, gia phả,…được khắc bằng chữ Nôm, tất cả gồm 173 tài liệu.
Mộc bản Trường học Phúc Giang là bộ ván khắc dùng để in sách phục vụ cho việc dạy và học, được hình thành trong quá trình hoạt động của dòng họ Nguyễn Huy từ thế kỷ XVIII đến thế kỷ XX tại Trường học Phúc Giang, góp phần đào tạo hơn 30 vị tiến sĩ và nhiều hương cống, cử nhân.
Hoàng Hoa sứ trình đồ được công nhận là bản sao duy nhất của tập sách với phần bản đồ là chính. Trong đó ghi chép nhiều hình ảnh, thông tin phong phú, quý hiếm về hành trình đi sứ của sứ thần Đại Việt thế kỷ XVIII do Nguyễn Huy Oánh biên tập, hiệu đính và chú thích trong năm 1765 từ các tài liệu của nhiều thế hệ đi sứ trước để làm cẩm nang cho chuyến đi năm 1766-1767 do ông làm Chánh sứ.
Bộ sưu tập văn bản Hán Nôm gồm 173 tài liệu tại 14 nhà thờ các dòng họ, đình làng và 8 tư gia của làng Trường Lưu (từ cuối thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XX). Đây là khối tài liệu hình thành trong quá trình hoạt động văn hóa, giáo dục của làng bao gồm: sắc phong và văn bản hành chính, hoành phi, câu đối, trướng, bia, gia phả, văn cúng và sách cổ. Đặc biệt, trong phần sách cổ có "Quảng Thuận Đạo sử tập" do Nguyễn Huy Quýnh soạn khoảng năm 1775-1785, có tư liệu về chủ quyền của Việt Nam về Hoàng Sa, Trường Sa.