Vũ khí "đo ni đóng giày" cho pháo binh Việt Nam
Năm 1965, lãnh đạo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã gửi đến Liên Xô với một yêu cầu đặc biệt đó là: Quân Giải phóng (QGP) cần một loại hỏa lực có sức công phá lớn, dễ điều khiển, phù hợp địa hình rừng núi và chiến thuật du kích ở miền nam Việt Nam.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô đã nhiệt tình ủng hộ yêu cầu của Việt Nam và giao nhiệm vụ phát triển biến thể pháo phản lực hạng nhẹ, trên cơ sở ống phóng và đạn pháo phản lực phóng loạt 9K51 Grad (BM-21) cho Viện nghiên cứu NII-147 (nay là NPO Splav).
Vũ khí mới có ký hiệu 9P132 (ký hiệu NATO: Grad-P); Việt Nam gọi là ĐKB (Đại bác không giật giành cho chiến trường B).
Vào tháng 7/1965, bệ phóng và đạn pháo đã được bắn thử nghiệm thành công và được khuyến nghị sản xuất hàng loạt.
Không những vậy, Bộ Quốc phòng Liên Xô còn khuyến nghị rằng 9P132 không chỉ sản xuất để viện trợ cho Việt Nam mà còn đưa vào trang bị của lực lượng đặc nhiệm.
Tới cuối năm 1965, việc sản xuất hàng loạt 9P132 đã được tiến hành.
Cho tới đầu năm 1966, 20 hệ thống và đạn đã được hoàn thiện. Trong những tháng tiếp theo, 180 hệ thống khác đã được lắp ráp. Đến cuối mùa xuân năm 1967, chúng được viện trợ cho QGP Miền Nam Việt Nam.
Tính đến hết năm 1967, 300 hệ thống 9P132 đã được sản xuất, vừa để viện trợ cho QPG, vừa được đưa vào dự trữ; những năm tiếp theo, việc sản xuất giảm dần và kết thúc vào năm 1972.
Thử nghiệm vũ khí Grad-P ở Viện nghiên cứu NII-147 (Nguồn: Ru-artillery.livejournal.com).
Thao tác, sử dụng đơn giản
Khi thiết kế loại hỏa lực "đo ni đóng giày" cho chiến trường Việt Nam, các kỹ sư Liên Xô đã phải tính toán để giảm kích thước và trọng lượng của vũ khí nhưng vẫn bảo đảm các tính năng kỹ chiến thuật.
Thành phần chính của hệ thống là ống phóng đạn cỡ nòng 122 mm với rãnh xoắn ốc hình chữ U. Trên thực tế, đây là ống phóng của pháo phản lực BM-21, được "cắt ngắn" còn 2,5 m.
Ống phóng được cố định trên giá đỡ 3 chân cùng máy ngắm được thiết kế đơn giản, dễ thao tác, tháo rời và di chuyển trên những địa hình hiểm trở bằng sức của người lính bộ binh.
Xạ giới tầm của hệ thống từ +10° đến +40°;,xạ giới hướng là 14°; ngoài ra có một lẫy chuyển hướng nhanh, đảm bảo cho việc chuyển hướng 360º. Pháo sử dụng kính ngắm RVO-2 có độ phóng đại 4x.
Hệ thống được khai hỏa bằng điện, được thực hiện từ xa bằng bảng điều khiển, kết nối với pháo bằng dây điện dài 20 m, để đảm bảo an toàn cho pháo thủ.
Toàn bộ hệ thống pháo có trọng lượng khá nhẹ, trong đó ống phóng là 25 kg, giá 3 chân là 28 kg.
Với kíp pháo thủ 5 người, để mang vác nòng pháo, giá 3 chân và phụ tùng theo pháo, thời gian chuyển trạng thái từ hành quân sang chiến đấu và ngược lại của Grad-P chỉ từ 2 đến 2,5 phút
Một xạ thủ chuẩn bị khai hỏa ĐKB.
Có bao nhiêu loại đạn phản lực cho ĐKB?
Loại đạn đầu tiên cho ĐKB / Grad-P là 9M22M, được phát triển trên cơ sở đạn M-21OF của BM-21. Đạn 9M22M có chiều dài 1,95 m và được chia thành 2 phần có thể tháo rời khi hành quân. Trong khi đầu đạn tương đồng với đạn M-21OF, khoang động cơ đã được rút ngắn lại.
Đạn 9M22M nặng 46 kg, mang theo 6,4 kg chất nổ TNT và có tầm bắn tối đa lên tới 10,8 km.
Năm 1968, Viện NII-147 và các cơ sở khác đã cải tiến nâng tầm bắn cho Grad-P bằng đạn tăng tầm 9M22MD.
Về hình dạng đạn không có gì thay đổi, tuy nhiên với việc thay thế thuốc phóng và cải tiến vòi phun của động cơ, tầm bắn của đạn 9M22MD được tăng lên đến 15 km.
Nhưng việc sử dụng Grad-P với loại đạn mới bắt buộc phải có những thay đổi, đó là sử dụng một vật nặng (thường là bao đất hoặc cát), có trọng lượng tối thiểu 50 kg để chèn vào chân trước của pháo, do lực giật của đạn mới lớn hơn.
Ngoài ra, hệ thống Grad-P có thể sử dụng đạn của hệ thống pháo phản lực bắn loạt BM-21, nhưng mức chính xác không cao, do vậy hiếm khi được sử dụng.
Grad-P được khai hỏa trong cuộc xung đột tại Ukraine.
Những đề nghị sửa đổi từ chiến trường Miền Nam Việt Nam
Những hệ thống ĐKB / Grad-P đầu tiên đã tới miền nam Việt Nam vào cuối năm 1966, chỉ trong vài tháng, QGP đã làm chủ khí tài này và đến mùa hè năm 1967, đã có những đề xuất cho việc hiện đại hóa và hoàn thiện hơn nữa thiết kế.
Yêu cầu đầu tiên của QGP là tiếp tục giảm khối lượng và kích thước của hệ thống. Thứ hai là tăng cự ly bắn. Đề xuất này đã được phía Liên Xô thực hiện trong dự án cải tiến đạn tăng tầm 9M22MD.
Cùng với đó là yêu cầu nâng cao độ tin cậy của hệ thống khai hỏa. Phía Việt Nam cũng đề xuất chế tạo một hệ thống có từ 3 đến 4 ống phóng, để giảm "độ trễ" giữa các lần phóng, tăng mật độ đạn và giảm sai số trong tính toán.
Cuối cùng, ống phóng của 9P132 đã được rút ngắn xuống còn 2 mét và khiến trọng lượng giảm đi 2,8 kg. Quan trọng hơn, việc giảm chiều dài và trọng lượng như vậy không ảnh hưởng tới độ chính xác và tầm bắn của đạn,
Liên Xô cũng đã chế tạo các biến thể ĐKB 2 và 4 nòng. Tuy nhiên theo kết quả của các thử nghiệm, hệ thống được cho là vận hành phức tạp và trở nên nặng nề. Đồng thời cũng phát sinh các hạn chế về góc bắn và điều này làm tăng thời gian tính toán của pháo thủ.
Cuối cùng, những biến thể này không được đưa vào sản xuất và ĐKB / Grad-P chỉ có duy nhất biến thể 1 ống phóng.
Phiên bản cải tiến 4 nòng của Grad-P, nhưng thiết kế này không phù hợp (Nguồn: Ru-artillery.livejournal.com).
Sử dụng trong chiến đấu
Liên Xô đã cung cấp cho phía Việt Nam 950 tổ hợp và hàng chục nghìn đạn phản lực ĐKB / Grad-P. Ngay khi được triển khai ở chiến trường nam Việt Nam, chúng đã gần như ngay lập tức phát huy hiệu quả.
Pháo binh QGP cũng đã tỏ ra linh hoạt trong việc sử dụng loại đạn cơ bản (9M22M) và đạn tăng tầm 9M22MD theo từng mục tiêu cụ thể.
Grad-P đã thường xuyên được sử dụng để tiến công vào các mục tiêu của đối phương như các sở chỉ huy, kho tàng, căn cứ và nhất là các sân bay quân sự, gây cho địch nhiều tổn thất.
Với ưu thế có thể nhanh chóng tháo rời và vận chuyển bằng sức người, các hệ thống ĐKB thường được chuyển đến vị trí trận địa bí mật và gây bất ngờ cho đối phương.
Không chỉ viện trợ cho Việt Nam, các hệ thống Grad-P còn được cung cấp cho một số quốc gia "thân thiện" của Liên Xô và cũng đã tham chiến trên các chiến trường khác nhau.
Quân đội Cuba đã trở thành một trong những quốc gia sử dụng nhiều Grad-P trong khi thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại Angola.
Tại Trung Đông, Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) đã thường xuyên vận hành Grad-P, ngoài ra nó còn được các lực lượng vũ trang Iran sử dụng trong cuộc chiến tranh Iran - Iraq (1980 - 1988).
Theo nhiều nguồn tin, Grad-P đã được trang bị trong một số lực lượng đặc nhiệm của Hồng quân Liên Xô, tuy nhiên nó không được sử dụng rộng rãi do Liên Xô có những vũ khí có tính năng tương tự nhưng hiện đại hơn.
Bản sao Grad-P của Iran (Nguồn: Missilery.info).
Ra đời trong "hoàn cảnh đặc biệt", Grad-P vẫn tiếp tục được tin dùng trong thế kỷ 21?
Mặc dù khó có thể so sánh với các hệ thống pháo phản lực phóng loạt tiêu chuẩn như BM-21, tuy nhiên Grad-P tỏ ra rất hữu dụng trong các cuộc xung đột cục bộ.
Cho tới thời điểm hiện tại, Grad-P đã bị loại khỏi biên chế của quân đội một số quốc gia trước kia từng trang bị, nhưng nó vẫn tiếp tục có mặt trong một số cuộc xung đột trên thế giới như ở Donbass năm 2014 hay chiến tranh Syria, Yemen.
Có lẽ QGP cũng không thể nghĩ rằng, những ý tưởng rất sáng tạo của họ khi yêu cầu giúp đỡ của Liên Xô sẽ dẫn đến sự hình thành một loại vũ khí rất hữu ích trong một số điều kiện chiến tranh nhất định.
Một khẩu Grad-P của lực lượng vũ trang Palestinebị bị Israel thu giữ (Nguồn: Wikimedia Commons).