Các nhà khoa học tại Đại học Quốc gia Australia (ANU) phát hiện lỗ đen QSO SMSS J215728.21-360215.1 có tốc độ phát triển nhanh nhất từng được biết đến trong vũ trụ, cách chúng ta khoảng 12 tỷ năm ánh sáng. Kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí arXiv.org.
Lỗ đen này ước tính có khối lượng gấp 20 tỷ lần Mặt Trời. Nó hút lượng vật chất tương đương với khối lượng của Mặt Trời hai ngày một lần, tạo ra tốc độ tăng trưởng 1% sau một triệu năm.
"Lỗ đen đang phát triển nhanh đến mức khiến nó sáng hơn hàng nghìn lần so với toàn bộ một thiên hà. Nguyên nhân là do tất cả khí gas mà lỗ đen hút vào gây ra rất nhiều ma sát và nhiệt", Christian Wolf, thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết.
Theo Wolf, nếu lỗ đen này nằm ở trung tâm của dải Ngân hà, hay thiên hà Milky Way, nó sẽ xuất hiện sáng hơn khoảng 10 lần so với trăng tròn. Nó sẽ giống như một ngôi sao siêu sáng trên bầu trời đêm, lấn át gần như tất cả ánh sáng của các ngôi sao khác.
Wolf và các đồng nghiệp nghiên cứu lỗ đen khổng lồ QSO SMSS J215728.21-360215.1 với sự trợ giúp của kính thiện văn hồng ngoại SkyMapper tại Đài quan sát Siding Spring của ANU.
Bởi vì siêu lỗ đen khổng lồ ở rất xa, quang phổ ánh sáng của nó bị dịch chuyển sang màu đỏ khi chiếu đến Trái Đất.
Khi vũ trụ giãn nở, không gian mở rộng làm kéo dài sóng ánh sáng dẫn đến sự thay đổi màu sắc của nó, Wolf nhận định.
"Chúng tôi không biết làm thế nào để một lỗ đen có thể phát triển khổng lồ và nhanh chóng trong những ngày đầu của vũ trụ. Chúng tôi hiện nay đang tiến hành săn lùng các lỗ đen có tốc độ phát triển nhanh hơn", Wolf nói.