Khám phá kho tên lửa tối tân của Trung Quốc: Không giống bất kỳ mối đe dọa nào Mỹ từng thấy

Hữu Hiển |

Mỹ tin rằng Lực lượng tên lửa của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã tăng gấp đôi kho dự trữ nhiều tên lửa của mình trong những năm gần đây.

Tờ Business Insider (BI) mới đây đưa tin, cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) tại Thái Bình Dương hồi cuối tháng 9 là một phần của lực lượng tên lửa quy mô và hiện đại mà Trung Quốc đang xây dựng để cảnh báo các đối thủ, và xóa bỏ ưu thế của quân đội Mỹ trên không và trên biển.

Mặc dù Trung Quốc chưa tiết lộ quy mô kho vũ khí hạt nhân của mình, nhưng Mỹ tin rằng kho vũ khí hạt nhân của nước này đang phát triển nhanh hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Một báo cáo của Lầu Năm Góc ước tính rằng kho vũ khí của Trung Quốc có hơn 500 đầu đạn hạt nhân sẵn sàng hoạt động, với hơn một nửa trong số đó là ICBM.

Báo cáo cũng dự đoán rằng Trung Quốc sẽ có hơn 1.000 đầu đạn hạt nhân vào năm 2030, có khả năng triển khai cùng số lượng ICBM như Mỹ.

BI đã liệt kê những loại tên lửa chính được biết đến trong kho vũ khí của Trung Quốc mà nước này đang tích trữ trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

"Sát thủ tàu sân bay"

Một mối đe dọa đáng gờm đối với hạm đội tàu sân bay được đánh giá cao của Hải quân Mỹ đó là tên lửa chống hạm Dong Feng 21 (DF-21) của Trung Quốc, được đặt biệt danh là "Sát thủ tàu sân bay".

Khám phá kho tên lửa tối tân của Trung Quốc: Không giống bất kỳ mối đe dọa nào Mỹ từng thấy - Ảnh 1.

Một mô hình tên lửa đạn đạo DF-21D đang được trưng bày tại một triển lãm ở Trung Quốc. Ảnh: Getty

Lần đầu tiên được đưa vào sử dụng năm 1991, DF-21 là tên lửa đạn đạo tầm trung với một số phiên bản, bao gồm một biến thể chống hạm thông thường mới hơn có thể gây ra mối đe dọa cho tàu sân bay cách bờ hơn 1.600 km.

Theo Tạp chí Không quân (Mỹ), với kích thước bằng một chiếc xe buýt, loại tên lửa tốc độ cao này có đầu đạn tự dẫn đường, chính xác trong phạm vi khoảng 20 mét so với mục tiêu, đủ mạnh để ít nhất là gây hư hại cho tàu sân bay, vô hiệu hóa các hoạt động bay.

Loại tên lửa này gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với hạm đội của Hải quân Mỹ, nhưng các máy bay chiến đấu của Hải quân Mỹ như F/A-18 Super Hornet và F-35C Lighting cũng có thể chống lại nó.

"Hàng chuyển phát nhanh tới Guam"

BI đưa tin, tên lửa DF-21 của Trung Quốc không phải là loại vũ khí chống hạm duy nhất có khả năng đe dọa hạm đội hải quân Mỹ. Lực lượng Tên lửa PLA có một kho dự trữ tên lửa đạn đạo tầm trung Dong Feng 26 (DF-26) ngày càng nhiều.

Khám phá kho tên lửa tối tân của Trung Quốc: Không giống bất kỳ mối đe dọa nào Mỹ từng thấy - Ảnh 2.

Đám đông tụ tập để xem cuộc diễu hành quân sự có sự góp mặt của tên lửa đạn đạo DF-26. Ảnh: Getty Images

DF-26 có thể được trang bị đầu đạn hạt nhân hoặc thông thường, tấn công các mục tiêu cả trên đất liền và trên biển. Tầm bắn lên tới 3000 km cho phép loại tên lửa đạn đạo này tấn công các căn cứ của Mỹ tại đảo Guam, được đặt biệt danh là "Hàng chuyển phát nhanh tới Guam".

Trong một hội thảo vào tháng 7, Trung tướng Robert Rasch - Giám đốc Văn phòng Công nghệ quan trọng và Khả năng nhanh của Quân đội Mỹ - cho biết, mối đe dọa tên lửa ngày càng gia tăng của Trung Quốc "đòi hỏi chúng ta [Mỹ] phải suy nghĩ khác".

"Chúng ta đang xem xét mối đe dọa đang gia tăng của Trung Quốc về khả năng tấn công, không giống bất kỳ mối đe dọa nào mà chúng ta từng thấy", tướng Rasch nói.

Phương tiện lướt siêu thanh

Theo BI, Trung Quốc đang dẫn trước Nga và Mỹ trong cuộc đua phát triển vũ khí siêu thanh.

Hệ thống phòng không dự đoán đường bay của tên lửa tấn công và phóng tên lửa đánh chặn để ngăn chặn tên lửa tấn công trên đường bay đó. Nhưng có một loại vũ khí mới được thiết kế để đánh bại tên lửa đánh chặn bằng cách bay theo đường bay bất thường sau khi quay trở lại bầu khí quyển Trái đất.

Một nhà phân tích quốc phòng cấp cao của Mỹ cho biết, Trung Quốc có "kho vũ khí siêu thanh hàng đầu thế giới", bao gồm tên lửa đạn đạo tầm trung Dong Feng 17 (DF-17) được trang bị phương tiện lướt siêu thanh.

Khám phá kho tên lửa tối tân của Trung Quốc: Không giống bất kỳ mối đe dọa nào Mỹ từng thấy - Ảnh 3.

Các phương tiện quân sự chở tên lửa DF-17 trong một cuộc diễu binh tại Trung Quốc. Ảnh: Getty

Được đưa vào sử dụng từ năm 2019, loại tên lửa cơ động trên đường bộ này có thể được trang bị đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân. Tình báo Mỹ ước tính rằng, khi được trang bị đầu đạn siêu thanh, DF-17 có thể đạt tốc độ từ Mach 5 đến Mach 10 (từ 6.174 đến 10.000 km/h) và có tầm bắn lên tới 2.500 km.

Loại tên lửa này đóng vai trò then chốt trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm ngăn chặn sự can thiệp của Mỹ vào khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, và Bắc Kinh tuyên bố rằng một biến thể chống hạm đang được phát triển.

Trong khi đó, Mỹ vẫn đang nỗ lực đưa tên lửa siêu thanh của riêng mình vào hoạt động, khi tiến hành thử nghiệm vũ khí siêu thanh đầu tiên với tên lửa hành trình siêu thanh ở Thái Bình Dương vào đầu năm nay.

Craig Singleton - thành viên cấp cao tại tổ chức tư vấn Quỹ Bảo vệ Dân chủ (FDD) có trụ sở tại Washington - nói với CNN rằng: "Tất nhiên, một cuộc thử nghiệm của Mỹ sẽ không thay đổi được quỹ đạo siêu thanh của Trung Quốc, cũng không giải quyết được những lo ngại nghiêm trọng liên quan đến lợi thế siêu thanh được cho là của Trung Quốc.”

“Nhưng điều này khẳng định lại rằng Mỹ không chỉ là một người quan sát trong lĩnh vực siêu thanh, mà còn là một đối thủ đáng gờm và cam kết theo kịp tốc độ của Trung Quốc và Nga", Singleton nói.

Mỹ cũng hợp tác với đồng minh quan trọng ở Thái Bình Dương là Nhật Bản để phát triển một hệ thống phòng thủ nhằm chống lại vũ khí siêu thanh của Trung Quốc.

Mối đe dọa đối với đảo Đài Loan (Trung Quốc)

Kho vũ khí tên lửa của Trung Quốc gây ra mối đe dọa lớn đối với các đối thủ của nước này do những loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn như DF-15.

Khám phá kho tên lửa tối tân của Trung Quốc: Không giống bất kỳ mối đe dọa nào Mỹ từng thấy - Ảnh 4.

Tên lửa đạn đạo DF-15B trên nóc xe quân sự ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: Getty

Loại tên lửa tầm ngắn cơ động trên đường bộ này có tầm bắn tối đa khoảng 900 km, có khả năng tấn công đảo Đài Loan (Trung Quốc) bằng đầu đạn thông thường và đầu đạn nổ tương đối dễ dàng.

ICBM đầu tiên của Trung Quốc

Kho vũ khí tên lửa của Trung Quốc cũng bao gồm một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) thế hệ cũ, Dong Feng 5 (DF-5), có khả năng mang đầu đạn hạt nhân để tấn công xa tới tận lục địa Mỹ và Tây Âu.

Khám phá kho tên lửa tối tân của Trung Quốc: Không giống bất kỳ mối đe dọa nào Mỹ từng thấy - Ảnh 5.

Các phương tiện quân sự mang tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-5B đã được giới thiệu trong một cuộc diễu binh tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh. Ảnh: Getty

Với tầm bắn 13.000 km, ICBM đặt trong hầm chứa có thể được trang bị tới 10 đầu đạn có khả năng bắn trúng các mục tiêu khác nhau.

Năm 1980, PLA đã phóng thử tên lửa DF-5 vào Nam Thái Bình Dương — một sự kiện hiếm hoi vì Trung Quốc thường phóng thử tên lửa đạn đạo ở Biển Bột Hải hoặc vùng tây bắc xa xôi của Tân Cương của nước này.

Tên lửa vượt địa hình

Một ICBM khác trong kho vũ khí tên lửa của Trung Quốc là Dong Feng 31 (DF-31) — một loại tên lửa ba tầng, sử dụng nhiên liệu rắn với bệ phóng trên xe đầu kéo, có thể di chuyển vượt địa hình, mở rộng phạm vi phóng tiềm năng và cải thiện khả năng tồn tại của vũ khí.

Khám phá kho tên lửa tối tân của Trung Quốc: Không giống bất kỳ mối đe dọa nào Mỹ từng thấy - Ảnh 6.

Đội hình xe quân sự chở tên lửa DF-31A xuất hiện trong một cuộc diễu binh tại Trung Quốc. Ảnh: Getty

Loại tên lửa này có thể được trang bị một đầu đạn duy nhất, có khả năng bắn trúng mục tiêu với độ chính xác từ 150 đến 300 mét.

Theo Dự án Phòng thủ Tên lửa thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington, tính đến nay, Lực lượng Tên lửa của PLA chỉ vận hành một lữ đoàn DF-31 gồm sáu bệ phóng có căn cứ tại tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc.

ICBM tiên tiến nhất của Trung Quốc

Tên lửa xuyên lục địa tiên tiến nhất trong kho vũ khí của Trung Quốc là ICBM Dong Feng 41 (DF-41), có khả năng vươn tới Mỹ và được thiết kế để răn đe hạt nhân.

Khám phá kho tên lửa tối tân của Trung Quốc: Không giống bất kỳ mối đe dọa nào Mỹ từng thấy - Ảnh 7.

Binh sĩ Trung Quốc đứng gần các xe quân sự chở tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-41. Ảnh: Getty

DF-41 có tầm bắn lên tới 15.000 km, trở thành tên lửa có tầm bắn xa nhất của Trung Quốc và được cho là có khả năng mang nhiều đầu đạn có thể tấn công các mục tiêu khác nhau.

Tướng Không quân Mỹ Anthony Cotton từng nói với các nhà lập pháp nước này vào tháng 2/2023 rằng, tính đến tháng 10/2022, PLA có nhiều bệ phóng ICBM hơn Mỹ, mặc dù ông lưu ý rằng quân đội Mỹ vẫn nắm giữ thế thượng phong về năng lượng hạt nhân.

Theo BI, lần đầu tiên sau hơn bốn thập kỷ, Trung Quốc đã thử nghiệm một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mang theo đầu đạn giả phóng vào Thái Bình Dương hôm 25/9/2024.

Mặc dù không rõ PLA đang thử nghiệm biến thể tên lửa nào, nhưng theo các chuyên gia, vụ phóng có thể là một màn phô trương sức mạnh với Mỹ và các đồng minh của nước này và là một cuộc trình diễn về năng lực tên lửa đang tiến bộ của Trung Quốc.

Ông Zelensky đề xuất nếu thắng Nga: Thay quân Mỹ ở tiền đồn châu Âu bằng lính Ukraine đầy kinh nghiệm

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại