Theo Huanqiu, Quân đội Iran hôm 11/1 đã nhận trách nhiệm trong việc máy bay chở khách của Ukraine “vô tình” bị bắn hạ ở Tehran gây chấn động thế giới. Hệ thống tên lửa phòng không tầm ngắn Tor-M1 của Iran được nhập khẩu từ Nga đã bắn hạ máy bay Ukraine.
Hiện trường "không còn gì nát hơn" của máy bay chở khách Ukraine "vô tình" bị Iran bắn hạ. Nguồn: Huanqiu.
Trước khi Iran thừa nhận “vô tình” bắn hạ máy bay chở khách Ukraine, Mỹ đã đưa ra khẳng định chắc chắn rằng, cùng ngày Iran phóng hàng loạt tên lửa vào căn cứ Mỹ ở Iraq, Tehran cũng đã bắn hạ một máy bay dân sự. Tại sao Mỹ lại có thể tự tin khẳng định như vậy?
Theo báo cáo của CBS hôm 11/1, để có thể đưa ra khẳng định trên, các cơ quan phân tích thông tin tình báo của Mỹ đã phải kết hợp nhiều nguồn thông tin để nhanh chóng đưa ra phán đoán chính xác.
Các cơ quan tình báo Mỹ đã thu được tín hiệu điện tử từ radar quân sự Iran, đồng thời vệ tinh Mỹ đã phát hiện hai tên lửa đất đối không được phóng gần đó, ngay trước khi máy bay của Ukraine bị bắn hạ và sau đó có dấu hiệu nổ.
Vệ tinh Mỹ đã phát hiện hai tên lửa đất đối không được phóng gần đó, ngay trước khi máy bay của Ukraine bị bắn hạ. Nguồn: Huanqiu.
Vệ tinh Mỹ thậm chí còn phát hiện ra rằng chính máy bay chở khách đã bốc cháy. Được biết, vệ tinh được các quan chức Mỹ đề cập ở đây chính là Hệ thống hồng ngoại không gian của Không quân Mỹ, hệ thống này là một trong những mắt xích quan trọng trong Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo mới của Mỹ.
Theo đánh giá của các chuyên gia Trung Quốc, so với vệ tinh cảnh báo sớm trong Kế hoạch hỗ trợ quốc phòng trước đây của Mỹ thì Hệ thống hồng ngoại không gian có độ nhạy cao hơn, nó không chỉ có thể phát hiện tên lửa đạn đạo khi vừa ra khỏi bệ phóng, mà còn có thể thăm dò được tên lửa đạn đạo đang trong quá trình phi hành.
Hệ thống hồng ngoại không gian được coi là "mắt thần" của Mỹ trên không gian. Nguồn: Huanqiu.
So với phương pháp quét cơ học được sử dụng bởi các vệ tinh trong Kế hoạch hỗ trợ quốc phòng, thì Hệ thống hồng ngoại không gian sử dụng hệ thống chụp ảnh phẳng cho phép phát hiện nhanh hơn. Hơn nữa, do căng thẳng trong khu vực, nên không phận Iran chính là trọng tâm theo dõi của Hệ thống hồng ngoại không gian.
Ngoài ra, các vệ tinh trinh sát điện tử của Mỹ và máy bay trinh sát điện tử gần đó cũng có thể phát hiện tín hiệu radar từ các hệ thống tên lửa phòng không của Iran.
Trong quá trình tác chiến, hệ thống Tor-M1 sử dụng radar băng tần X với công suất thấp và radar thăm dò với công suất lớn hơn, bước sóng cũng dài hơn. Nếu Mỹ có máy bay trinh sát điện tử gần đó, có khả năng cả hai loại tín hiệu sẽ được phát hiện.
Đồng thời, các vệ tinh chụp ảnh quang học và radar của Mỹ cũng có thể định vị các vị trí tên lửa phòng không của Iran gần vị trí gặp nạn, và sau đó kết hợp cùng việc chặn thu thông tin vô tuyến điện để có thể đưa ra phán đoán chính xác về việc Iran bắn hạ máy bay Ukraine.