Ảnh vệ tinh của Mỹ chụp các thiết bị tác chiến điện tử của Trung Quốc ở Căn cứ Mộc Miên, Hải Nam (Ảnh: CSIS).
Theo Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức) ngày 18/12, tổ chức tư vấn Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Mỹ hôm thứ Sáu (17/12) đã đưa ra một báo cáo nói Trung Quốc đã đạt được tiến triển rất lớn trong các hoạt động nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng tác chiến điện tử, thông tin liên lạc và thu thập thông tin tình báo ở gần Biển Đông.
Các hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy Trung Quốc nhanh chóng mở rộng các cơ sở liên quan trong khu vực "Căn cứ Mộc Miên" (Mumian facility) ở đảo Hải Nam để có thể cung cấp cho Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) sự hỗ trợ kỹ thuật mạnh mẽ hơn để theo dõi và ứng phó với các lực lượng quân sự nước ngoài ở Biển Đông.
Bài viết của CSIS chỉ ra rằng tại "căn cứ Mộc Miên" này đã triển khai hệ thống liên lạc và định vị vệ tinh (SATCOM), dường như có các hệ thống thiết bị có thể sử dụng cho tác chiến điện tử, dự đoán cũng đóng một vai trò nhất định trong hệ thống tình báo tín hiệu (SIGINT).
Rất nhiều thiết bị gần cơ sở này có thể chuyên dùng cho việc thu thập tình báo thông tin (COMINT).
Bài báo mới nhất này chỉ ra rằng, dựa trên các hình ảnh vệ tinh được chụp vào tháng 11/2021, việc xây dựng căn cứ Mộc Miên ở Hải Nam đã được bắt đầu ít nhất từ năm 2018, nhưng tiến độ gần đây đã được đẩy nhanh và một số công trình thiết bị quan trọng đã được hoàn thành, nom rất giống các thiết bị được sử dụng cho chiến tranh điện tử.
Theo CSIS, các cơ sở nói trên nằm cách Căn cứ Hải quân Du Lâm của PLA 135 km và là một phần của mạng lưới các cơ sở quân sự giúp PLA thể hiện sức mạnh của họ ở Biển Đông.
Căn cứ Hải quân Du Lâm là cảng mẹ của các tàu ngầm tên lửa chạy bằng năng lượng hạt nhân của Trung Quốc và là bến đậu cho các hạm tàu mặt nước quan trọng, trong đó có cả tàu sân bay Sơn Đông.
Sơ đồ mạng lưới tác chiến điện tử hải, lục, không (Ảnh: Toutiao). |
Báo cáo của CSIS kết luận rằng các công trình mở rộng của Trung Quốc trong các lĩnh vực liên quan và các hệ thống điện tử mới phù hợp với chiến lược hiện đại hóa tổng thể của PLA.
Dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, Trung Quốc không chỉ dốc sức cải thiện khả năng tác chiến điện tử của quân đội mà còn tập trung vào việc đảm bảo rằng PLA có thể đối phó với tác chiến điện tử và chiến tranh mạng với các cường quốc quân sự như Mỹ.
Các trung tâm tư vấn (think tank) dự đoán rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục đầu tư mạnh vào các lĩnh vực liên quan để giúp PLA thích ứng với môi trường không gian mạng phức tạp trong tương lai.
Trước đó, trang Tin hàng đầu mỗi ngày (kknews.cc) của Trung Quốc hôm 14/12 cũng đã đăng bài nhan đề "Thực lực Chiến tranh điện tử của Trung Quốc tăng trưởng nhanh, tự hào về sự hùng mạnh của Tổ quốc" nói về chiến tranh điện tử của nước này.
Máy bay trinh sát điện tử Gaoxin-4 của Trung Quốc (Ảnh: Sina). |
Bài báo viết, chiến tranh điện tử là cuộc đấu tranh giữa hai phe thù địch trong thế kỷ mới về việc giành quyền sử dụng phổ điện từ và khống chế điện tử. Nó bao gồm các lĩnh vực do thám điện tử, gây nhiễu điện tử, đánh lừa điện tử, che giấu điện tử, và phá hoại điện tử.
Sự phát triển nhanh chóng của thiết bị tác chiến điện tử của Trung Quốc đã khiến Mỹ, cường quốc khoa học công nghệ hàng đầu thế giới, rất lo lắng. Việc Trung Quốc có thể sử dụng máy bay Y-8 nhiều lần bay qua Nhật Bản tới Chuỗi đảo Thứ nhất cho thấy thành công của Trung Quốc trong lĩnh vực tác chiến điện tử.
Phó Đô đốc Hải quân Mỹ sau khi tìm hiểu về sự phát triển của trang bị điện tử của Trung Quốc đã nói rằng sự phát triển chiến tranh điện tử của Trung Quốc thật đáng kinh ngạc.
Máy bay trinh sát điện tử Gaoxin-8 của Trung Quốc (Ảnh: Sina). |
Bài báo của Tin hàng đầu mỗi ngày viết, sự phát triển thiết bị tác chiến điện tử của Trung Quốc là một quá trình lâu dài và khó khăn, Mỹ đã phô diễn thiết bị tác chiến điện tử trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất khiến quân đội Iraq chỉ trong vài giờ đã bị tê liệt toàn bộ, sức phá hoại lớn như vậy đã khiến Trung Quốc chú ý.
Qua quá trình nghiên cứu phát triển, hiện Trung Quốc đã có hệ thống thiết bị tác chiến điện tử phòng thủ-tấn công hoàn chỉnh, có sự tiến bộ và đột phá cả về các trang bị cấp chiến lược, chiến dịch và chiến thuật.
Trên cơ sở lấy loại Y-8 và Y-9 làm cốt lõi, Trung Quốc lần lượt phát triển các máy bay trinh sát GX-4 (Gaoxin-4) và GX-8 là loại máy bay trinh sát mới kết hợp tấn công điện tử và và phòng thủ điện tử, không có đối thủ ở Châu Á; đồng thời liên tiếp lắp đặt thiết bị tác chiến điện tử trên tiêm kích J-15 và J-16, thực hiện bao phủ vũ khí điện tử, đa chiều, vận dụng toàn diện, mọi phương vị, không có góc chết để hỗ trợ hàng không, bảo vệ an ninh chủ quyền quốc gia.
Truyền thông Trung Quốc gọi J-16D mới được trình làng tại Triển lãm Hàng không quốc tế Chu Hải 2021 là "chiếc máy bay tác chiến điện tử mạnh nhất thế giới" hiện nay.
Các chuyên gia quân sự cho rằng, J-16 và J-16D có thể được sử dụng cùng lúc trong tác chiến chống Đài Loan. J-16D sẽ sớm tham gia hoạt động tuần tra gần đảo Đài Loan và sẽ đóng vai trò trọng yếu trong hoạt động tác chiến chống Đài Loan.
Máy bay tác chiến điện tử J-16D được trưng bày tại Triển lãm Hàng không quốc tế Chu Hải (Ảnh: Đông Phương). |
Theo giới thiệu, chức năng chính của việc nghiên cứu và phát triển toàn diện hệ thống tác chiến điện tử của Trung Quốc là đạt được khả năng che dấu trong công nghệ điện tử, cũng tức là giống như máy bay tác chiến điện tử E/A-18G bắn rơi F-22, dùng biện pháp điện tử đạt được tính năng tàng hình chủ động bằng cách làm mù điện tử đối phương.
Nhưng điểm khác biệt đáng kể so với F-22 và các máy bay thế hệ thứ tư khác là họ thông qua hình dạng khí động học và vật liệu tàng hình làm giảm bề mặt phản xạ sóng radar để đạt được khả năng tàng hình.
Còn hệ thống tích hợp tác chiến điện tử do Trung Quốc tự phát triển không ai sánh kịp về khả năng tác chiến cơ điện đơn lẻ, đồng thời, nó cũng tăng cường toàn bộ năng lực thông qua việc sử dụng toàn bộ hệ thống.
Hầu hết các hệ thống tác chiến điện tử hiện nay đều sử dụng bộ nhớ tần số vô tuyến kỹ thuật số, có thể bảo vệ bản thân trước các cuộc tấn công, đồng thời có thể kết nối hải, lục, không để tạo thành mạng tác chiến điện tử.
Khi bất kỳ một mục tiêu nào bị tấn công, tất cả các hệ thống trong mạng sẽ hỗ trợ tạo ra tín hiệu giả để gây nhiễu và làm rối loạn hệ thống radar của đối phương. Hiệu quả tác chiến điện tử của hệ thống này mạnh hơn nhiều so với kiểu tác chiến đơn lẻ của hệ thống Khibiny của Nga và máy bay chiến đấu điện tử E/A-18 của Mỹ.
Với sự hỗ trợ của hệ thống này, trong tương lai các máy bay thế hệ thứ 3 của Trung Quốc cũng có thể dễ dàng giành chiến thắng sau khi đã "làm mù" F-22.
Máy bay tác chiến điện tử E/A-18G của Mỹ (Ảnh: Sina). |
Bài báo cảnh báo, đồng thời, cũng cần lưu ý rằng Trung Quốc tuy phát triển nhanh về lĩnh vực tác chiến điện tử nhưng cũng bị các nước láng giềng thèm muốn.
Mấy năm gần đây các cơ quan tình báo nước ngoài đã tiến hành các hoạt động gián điệp chống lại các thiết bị tác chiến điện tử và các đơn vị tác chiến điện tử của Trung Quốc, liên tục hoạt động đánh cắp bí mật.
Đài CCTV đã tiết lộ chi tiết một số vụ án gián điệp bị Trung Quốc phanh phui từ năm 2011.
Nhân viên của một đơn vị liên quan đến bí mật đã liên tục cung cấp hàng chục ngàn tư liệu cho tổ chức gián điệp nước ngoài, trong đó có một số tư liệu tuyệt mật liên quan rộng và số lượng rò rỉ lớn đáng kinh ngạc, đồng thời đã gây ra những tổn thất to lớn cho lĩnh vực tác chiến điện tử của Trung Quốc, khiến những thành quả dày công nghiên cứu của nước ta bị mất mát và cũng gây ra những tổn thất khôn lường cho sự phát triển của đất nước.