Buffalo chính là chiếc xe lớn nhất trong dòng sản phẩm của Force Protection, theo sau nó là Cougar MRAP và xe tuần tra bọc thép Ocelot (Light Protected Patrol Vehicle/ LPPV).
Xe bọc thép chống mìn Buffalo
Buffalo được thiết kế dựa trên nguyên mẫu xe bọc thép chống mìn phục kích bánh hơi Casspir của Nam Phi. Tuy nhiên trong khi Casspir sử dụng cấu hình 4x4 thì ở Buffalo lại là 6x6. Cả hai đều có một cánh tay robot lớn dùng để thăm dò, loại bỏ hoặc đặt thuốc nổ vô hiệu hóa mìn cài dưới đất.
Buffalo có kết cấu khung gầm nguyên khối hình chữ V nhằm hướng lực tác động của vụ nổ ra xa kíp chiến đấu, nó chịu được khối lượng thuốc nổ 21 kg TNT dưới bánh, hoặc 14 kg TNT dưới gầm xe.
Cánh tay robot khiến cho Buffalo có hình dáng khá kỳ dị
Chiếc MRAP này còn được bổ sung giáp lồng LROD của BAE Systems để phòng tránh đạn chống tăng RPG-7. Những tấm kính cường lực chống đạn và chịu sức ép từ vụ nổ của xe có độ dày lên đến hơn 15 cm.
Lốp xe là loại Run-flat (một loại lốp có tác dụng khắc phục tình trạng xe không thể tiếp tục di chuyển do bị bắn thủng). Buffalo còn có giáp bảo vệ đạn đạo kết hợp chịu sức ép từ vụ nổ, nó "miễn nhiễm" hoàn toàn đạn xuyên cỡ 7,62 mm.
Giáp lồng lắp trên Buffalo
Trợ giúp cho cánh tay robot là một camera ngày/đêm. Kíp điều khiển có thể thao tác an toàn khi kiểm tra mọi thứ trong phạm vi mà cánh tay máy tiếp cận được.
Cánh tay robot lắp trên Buffalo có tác dụng rất lớn trong việc vô hiệu hóa mìn quân dụng cũng như phương tiện nổ tự chế (IED)
Xe MRAP này có kíp điều khiển 2 người và cung cấp chỗ ngồi cho 4 kỹ sư đi kèm, họ ra vào thông qua cửa sau hoặc cửa sập bố trí trên nóc xe.
Nội thất bên trong xe thiết giáp chống mìn Buffalo
Mặc dù có nguồn gốc Nam Phi nhưng thiết bị trên Buffalo lại do Mỹ chế tạo. Nó lắp đặt động cơ diesel Mack, cho công suất 450 mã lực. Động cơ này cũng có thể chạy trên nhiên liệu hàng không, tuy nhiên hiệu suất sẽ bị giảm. Xe dễ dàng được vận chuyển bằng máy bay vận tải C-17.
Buffalo di chuyển vào trong khoang chứa hàng của máy bay vận tải C-17 Globemaster III
Năm 2009, Force Protection bắt đầu công việc chế tạo phiên bản A2, với thay đổi lớn ở trục sau Axle Tech, động cơ Cat C13, bộ truyền động Cat CX31 và hệ thống treo, cùng với những nâng cấp bổ sung cho hệ thống HVAC, mui xe và cản trước.
Cách dễ nhất để xác định phiên bản A1 hay A2 là cản trước của A2 lớn hơn. Chiếc Buffalo A2 đầu tiên được hoàn thành vào tháng 6/2014.
Xe bọc thép chống mìn Buffalo A2
Hiện tại có 6 quốc gia đang trang bị xe thiết giáp chống mìn Buffalo cho quân đội mình, đó là Mỹ, Canada, Pháp, Anh, Ý và Pakistan.
Buffalo trong lực lượng quân đội Ý
Thông số kỹ thuật cơ bản:
Kíp hoạt động: 2 + 4 người.
Trọng lượng rỗng: 20,5 tấn; Trọng lượng tối đa: 36 tấn.
Chiều dài: 8,2 m; Chiều rộng: 2,6 m; Chiều cao: 4 m.
Khoảng cách từ mặt đất đến gầm xe: 410 mm.
Động cơ: diesel 6 xy lanh thẳng hàng Mack ASET AI-400, công suất 450 mã lực; Bộ truyền động: Allison HD-4560P với hộp số tự động.
Tốc độ tối đa: 105 km/h; Tầm hoạt động: 485 km; Leo dốc nghiêng 60%; Vượt vật cản cao 0,5 m; Vượt hào rộng: 1 m; Lội nước sâu 0,9 m.
Tính năng ưu việt của xe bọc thép kháng mìn Buffalo