Vũ trụ và khoảng không gian vô tận bên ngoài Trái đất luôn có sức hút đặc biệt với nhân loại. Những thành tựu của ngành thiên văn Xô viết và sau này là của nước Nga gắn liền với việc xây dựng và phát triển các đài thiên văn .
Có một đài quan sát vật lý thiên văn đặc biệt của Nga nằm ở sườn núi thuộc dãy Kavkaz. Đài quan sát thiên văn đặc biệt được xây dựng vào năm 1966, ở độ cao hơn 2000 mét so với mực nước biển. Đã có ít nhất 16 cuộc khảo sát được tổ chức ở nhiều vùng núi của Liên Xô khi đó để tìm kiếm và lựa chọn địa điểm làng Arkhyz.
Thiết bị đặc biệt nhất của đài thiên văn này là kính viễn vọng phương vị cỡ lớn được chế tạo từ những năm 60 của thế kỷ trước. Nhờ vào kính viễn vọng này, các nhà khoa học có thể quan sát các vật thể trong hệ mặt trời, các ngôi sao và thiên hà nằm ở khoảng cách từ 6 đến 8 tỷ năm ánh sáng.
Kính viễn vọng có đường kính gương là 6 mét, nặng 42 tấn. Riêng việc vận chuyển chiếc gương nguyên khối khổng lồ trên những xe tải từ nhà máy sản xuất ở ngoại ô Moscow đến Arkhyz khi đó đã cần đến một cuộc diễn tập. Kính thiên văn đã hoạt động hàng đêm kể từ năm 1976 trong điều kiện thời tiết tốt, và trong nhiều năm đây là kính thiên văn phản xạ quang học lớn nhất trên thế giới.
Bà EkaTerina Philippova - Trưởng phòng thông tin đối ngoại, Đài thiên văn đặc biệt - Viện hàn lâm khoa học Nga cho biết: "Trước kia các nhà thiên văn đã phải tuyệt đối ngồi yên trước ống kính viễn vọng này trong cả đêm lạnh, chỉ cần một di chuyển nhỏ thì kính viễn vọng sẽ lắc lư khiến hình ảnh thu nhận được bị rung mờ. Bởi vậy bắt buộc phải ngồi yên, và có lúc phải ngồi đến 7 tiếng đồng hồ".
Ngày nay, nhờ vào sự phát triển của công nghệ và các tổ hợp quan sát không gian hiện đại, từ đài thiên văn này, những vị khách vũ trụ không chỉ được nhìn thấy mà còn ngay lập tức được nghiên cứu chỉ sau vài giây phát hiện. Tại đây, có hệ thống robot tiến hành giám sát theo chương trình điện toán đặc biệt.
"Kính thiên văn vẫn vậy, nhưng các thiết bị thu nhận được thay đổi và ngày càng hoàn thiện hơn. Năm ngoái, chúng tôi đưa vào sử dụng máy đo quang phổ, các thiết bị tương tự trên thế giới nếu có chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Thiết bị này giúp quan sát các vật thể không gian với độ phân giải rất lớn", bà EkaTerina Philippova cho biết thêm.