Khám phá chiến đấu cơ siêu thanh đầu tiên của Không quân Mỹ

Vy Lam |

F-100 ghi dấu ấn trong lịch sử là máy bay chiến đấu phản lực đầu tiên của Mỹ có khả năng bay siêu thanh, nhưng điều khiến người ta nhớ đến nó nhiều nhất lại không phải như vậy.

Bối cảnh ra đời

Ngày 14/10/1947, chiếc Bell X-1 màu cam do phi công Chuck Yeager điều khiển đã trở thành máy bay đầu tiên phá vỡ tường âm thanh. Mặc dù X-1 là thiết kế thử nghiệm nhưng dựa vào kết quả thu được, người Mỹ thấy rằng cải tiến công nghệ động cơ phản lực sẽ khiến việc chế tạo máy bay chiến đấu siêu thanh trở nên khả thi.

Theo trang mạng 19fortyfive, công ty North American đã có một bước đột phá trong công cuộc cải tiến F-86 Sabre – máy bay chiến đấu hàng đầu của Mỹ trong Chiến tranh Triều Tiên – thành một thiết kế siêu thanh. Kết quả cho ra đời mẫu F-100 ‘Super’ Sabre.

F-100 Super Sabre đã thực hiện chuyến bay đầu tiên vào ngày 25/5/1953 – chỉ 2 tháng trước khi Hiệp định đình chiến Triều Tiên khiến cuộc xung đột liên Triều tạm dừng.

Khám phá chiến đấu cơ siêu thanh đầu tiên của Không quân Mỹ - Ảnh 1.

F-100 là chiếc máy bay chiến đấu phản lực đầu tiên của Mỹ có khả năng bay siêu thanh. Ảnh: Historynet.com

Các vấn đề phát sinh

Không quân Mỹ đã mua lại thiết kế và đưa mẫu F-100A vào trang bị trong tháng 10/1954. Tuy nhiên, mẫu máy bay này đã gặp rất nhiều tai nạn, trong đó có một vụ nổ giữa không trung khiến phi công ACE George Welch thiệt mạng. Toàn bộ phi đội F-100A đã bị đình bay một thời gian.

‘Thủ phạm’ gây ra những vụ tai nạn này được xác định là chiếc đuôi quá khổ, không ổn định và có thể gây ra hiện tượng bay chệch không kiểm soát.

Mặc dù trục trặc đã được khắc phục sau đó nhưng F-100A lại phát sinh thêm vấn đề mới. Máy bay có tốc độ cao và được trang bị 4 khẩu pháo M-39 cỡ 20mm rất mạnh mẽ nhưng lại là sản phẩm của mô hình tác chiến đường không thế hệ cũ. Nó không có tên lửa không-đối-không, radar tìm kiếm tầm xa, và phải dựa vào các thùng dầu phụ để bù đắp phạm vi hoạt động hạn chế. Những chiếc F-100A dễ gặp tai nạn đã dần bị loại bỏ vào năm 1958.

Biến thể trinh sát tốc độ cao RF-100A, với 4 camera và trang bị các thùng dầu phụ, đã thành công hơn phiên bản F-100A trong một thời gian ngắn. Sau khi được Mỹ triển khai tới Đức và Nhật Bản, RF-100A đã thực hiện các nhiệm vụ do thám ở độ cao 15.000m trên bầu trời Đông Âu, và một số khu vực khác ở châu Á.

Những chiếc máy bay này tỏ ra rất hiệu quả trong việc chụp ảnh các phi cơ đánh chặn ở độ cao thấp hơn, tuy nhiên, chúng vẫn sớm bị thay thế bởi máy bay trinh sát U-2 vào năm 1956.

Phiên bản ném bom kế nhiệm F-100C (với 476 chiếc được chế tạo) có đôi cánh kéo dài và được trang bị động cơ J-57-P21 mạnh mẽ hơn, giúp tăng tốc độ tối đa lên 965 km/h và cho phép mang được 2,7 tấn vũ khí trên 6 giá treo. Nó cũng có sức chứa nhiên liệu gấp đôi và một đầu dò tiếp nhiên liệu được gắn trên cánh.

Những cải tiến này cho phép 3 chiếc F-100C lập kỷ lục bay từ Los Angeles đến London trong vòng 14 giờ đồng hồ vào ngày 13/5/1957.

Phi đội nhào lộn nổi tiếng Thunderbird đã bay trên những chiếc F-100C vào năm 1956 và sử dụng chúng để tạo ra các ‘tiếng nổ siêu thanh’ (xảy ra khi máy bay vượt tường âm thanh) trong quá trình biểu diễn, cho tới khi Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) ban hành điều lệ cấm liên quan tới máy bay siêu thanh.

Super Sabre một lần nữa được cải tiến trong phiên bản cuối cùng mang tên F-100D (với 1.274 chiếc được chế tạo), với phần đuôi và phần cánh được mở rộng. Máy bay còn trang bị một bộ thu cảnh báo radar, giá treo thứ 7 dưới bụng và khả năng tương thích với tên lửa không-đối-không tầm nhiệt AIM-9B.

Khám phá chiến đấu cơ siêu thanh đầu tiên của Không quân Mỹ - Ảnh 2.

F-100 gặp nhiều vấn đề phát sinh, bị đánh giá là 'không an toàn'. Ảnh: Historynet.com

Cả hai phiên bản C và D của F-100 đều có thể mang theo nhiều loại vũ khí khác nhau, từ tên lửa Zuni, bom chùm, cho tới tên lửa dẫn đường không-đối-đất AGM-45 Bullpup và AGM-83. Các phi đội F-100 của NATO cũng sẵn sàng triển khai 4 loại bom hạt nhân chiến thuật.

Không quân Mỹ sau đó tiếp tục thử nghiệm phiên bản F-100 ZEL, có khả năng được triển khai từ phía sau xe tải. Lý do cho phát minh này xuất phát từ nỗi lo sợ rằng các căn cứ không quân NATO có thể bị xóa sổ bởi vũ khí hạt nhân Liên Xô. Tuy nhiên, bất chấp việc có nhiều thử nghiệm thành công, ZEL chưa bao giờ được triển khai hoạt động.

Ngày 16/4/1961, F-100 trở thành máy bay phản lực chiến đấu đầu tiên của Không quân Mỹ tham gia Chiến tranh Việt Nam, triển khai từ Căn cứ Không quân Clark ở Philippines đến Căn cứ Không quân Don Muang ở Thái Lan.

Suốt quãng thời gian F-100 phục vụ trong Không quân Mỹ, đã có 889 chiếc trong tổng số hơn 2.000 chiếc gặp tai nạn, khiến 324 phi công thiệt mạng. Thậm chí, năm 1958 ghi nhận tới 116 vụ tai nạn của F-100, khiến 47 phi công thiệt mạng. Điều đó cho thấy F-100 không an toàn như thế nào.

Khám phá chiến đấu cơ siêu thanh đầu tiên của Không quân Mỹ - Ảnh 3.

Tính trung bình, mỗi chiếc F-100 của Mỹ sẽ có 21 tai nạn trên tổng số 100.000 giờ bay - tỷ lệ lớn nhất từng được ghi nhận trong thời đại máy bay phản lực chiến đấu. Nguồn ảnh: Historynet.com

Không quân Mỹ và lực lượng Vệ binh quốc gia Mỹ đã cho ‘nghỉ hưu’ loại máy bay này lần lượt vào năm 1971 và 1979 nhưng chúng vẫn phục vụ trong Không quân Hoàng gia Đan Mạch và Không quân Thổ Nhĩ Kỳ cho tới năm 1982.

Hơn 30 máy bay F-100 vẫn còn tồn tại đến ngày nay nhưng chỉ có 4 chiếc trong số chúng có khả năng bay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại