An ninh tối đa
Vài tháng gần đây, tình hình bán đảo Triều Tiên đã có bước tiến triển rõ rệt. Những lời đe dọa như "lửa và cuồng nộ" đã được thay thế bởi những cái bắt tay và sự lạc quan của thế giới.
Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc Mỹ dừng hoàn toàn hoạt động tình báo an ninh.
Bộ Chỉ huy Phòng không Bắc Mỹ (NORAD) - một tổ chức được điều hành và quản lí chung giữa Mỹ và Canada - vẫn tiếp tục theo sát các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên ở mức độ cao như hồi cuộc khẩu chiến giữa Mỹ và Triều Tiên lên cao tới đỉnh điểm.
Chỉ huy Trung tâm Tư lệnh Bắc Mỹ và NORAD, đại tá Travis Morehen tiết lộ tổ chức này vẫn nhận từ 3 tới 4 báo cáo về chương trình hạt nhân của Triều Tiên mỗi ngày.
"Chúng tôi vẫn nâng cao cảnh giác như trước đây, đề phòng bất kì quốc gia nào đe dọa nền an ninh của Mỹ và Canada," ông nói.
Ông Morehen đã có mặt tại trụ sở của NORAD trong suốt 5 lần Triều Tiên thử tên lửa. Vị đại tá khẳng định những lời tuyên chiến chính trị không phải là thứ quyết định hành động của các bên, mà là "thông tin tình báo chính xác".
Chỉ huy Trung tâm Tư lệnh Bắc Mỹ và NORAD, đại tá Travis Morehen. Ảnh: CNN
"Chúng tôi phải tính toán các dữ liệu từng phút, từng giây. Lường trước ảnh hưởng của bất kì 'khối thép' nào bay về Bắc Mỹ là nhiệm vụ của chúng tôi."
Nhân dịp kỉ niệm 60 năm thành lập, trụ sở thứ hai của NORAD ở núi Chenyenne mời phóng viên của CNN tới tham quan khu vực. Cơ sở này nằm sâu gần 2 km trong ngọn núi, dưới 700 mét đá hoa cương.
Sở chỉ huy chính của NORAD được đặt gần căn cứ không quân Peterson. Trong trường hợp Mỹ phải đối phó với một mối đe dọa hạt nhân nghiêm trọng, hoạt động điều hành sẽ được chuyển sang căn cứ núi Cheyenne. Với "tầng tầng lớp lớp" các biện pháp an ninh tối tân, khu vực này đảm bảo an toàn cho những tướng lĩnh và binh sĩ bên trong ở mức cao nhất.
Với hai cửa chịu lực nổ nặng 23 tấn, căn cứ có thể đứng vững sau một cuộc tấn công hạt nhân, và có thể giữ liên lạc kể cả khi bị tấn công bằng bức xạ điện từ. Trong lịch sử, những cánh cửa này đã đóng chặt một lần khi xảy ra sự kiện Mỹ bị khủng bố ngày 11/9/2001.
Căn cứ không quân NORAD thuộc núi Cheyenne
Khu tổ hợp 15 công trình bên trong được xây dựng trên 1.300 đệm lò xo khổng lồ để chống chịu động đất và dư chấn từ tấn công hạt nhân. Bên trong trung tâm chỉ huy, các thiết bị công nghệ cao liên tục rà soát hoạt động tên lửa từ mọi nơi trên trái đất.
"Chúng tôi tin rằng đây là cơ sở an ninh tốt nhất thế giới," phó chỉ huy căn cứ NORAD ở núi Cheyenne nói.
Mối đe dọa từ Iran
Ban đầu, nơi này được xây dựng từ thời Chiến tranh Lạnh để đối phó với máy bay ném bom của Liên Xô. Hiện tại, căn cứ được sử dụng để theo dõi hoạt động tên lửa ở nước ngoài, và đánh giá mối đe dọa tiềm năng trên không cũng như dưới biển. Nếu tàu ngầm của Trung Quốc hoặc Nga tiến về Bắc Mỹ, thì NORAD sẽ là nơi đầu tiên biết chuyện đó.
Nếu Triều Tiên phóng tên lửa, các binh sĩ trong khu chỉ huy sẽ phản ứng ngay lập tức và tính toán liệu tên lửa có hướng tới Bắc Mỹ hay không. Sau vài phút, thông tin sẽ được gửi tới Washington và Ottawa, góp phần giúp chính quyền Mỹ đưa ra quyết định và phản hồi tương ứng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không còn gọi ông Kim Jong Un là "Người Tên lửa Bé nhỏ", và ông Kim không còn gọi ông Trump là "ông già lẩm cẩm".
Mối lo ngại hạt nhân lớn nhất của ông Trump tại thời điểm này là Iran. Từ khi ông Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân JCPOA kí kết năm 2015, tổng thống Iran Hassan Rouhani đã "úp mở" về chuyện xé bỏ cam kết này, đưa lò phản ứng hạt nhân của Tehran vào hoạt động trở lại.
Theo ông Morehen, thông tin tình báo ở NORAD cho thấy Iran chưa chắc đã thực hiện những lời tuyên bố của mình. Cho tới nay, tên lửa Iran vẫn chưa chứng tỏ có khả năng tấn công tới lãnh thổ Mỹ.
"Chúng tôi không dựa vào lời tuyên bố của Iran để đưa ra quyết định. Chúng tôi tập trung khai thác thông tin tình báo về tên lửa, tàu ngầm và máy bay ném bom," vị chỉ huy nói.
TT Trump tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran