Đây là chia sẻ của Ths. BS Đặng Thị Như Quỳnh, PGĐ BV Mắt Quốc tế DND với phóng viên bên lề hội thảo “Cập nhật các kỹ thuật triển khai tại bệnh viện” vào chiều muộn ngày 27/11.
Đeo kính cận nhưng thực chất là viễn
Theo thống kê của Bệnh viện Mắt Trung ương, tại Việt Nam có khoảng 3 triệu trẻ em độ tuổi từ 0 – 15 mắc các tật khúc xạ. Một nghiên cứu của trường Đại học Y Hà Nội khảo sát 250 bệnh nhân từ 5 – 18 tuổi cũng cho thấy, tỉ lệ xuất hiện tật cận thị cao nhất là ở học sinh tiểu học, chiếm 55,2%. Trong đó, trẻ thành thị bị cận thị cao hơn nông thôn, liên quan đến không gian sống ngày càng chật hẹp và trẻ thường xuyên phải nhìn gần.
Nếu không có thói quen khám mắt định kỳ để phát hiện và có kế hoạch quản lý khoa học, tật khúc xạ không chỉ đơn thuần làm suy giảm thị lực mà còn là một trong những nguy cơ hàng đầu gây khiếm thị và mù lòa bởi những tổn hại của nhãn cầu do tật khúc xạ gây ra (nhược thị, thoái hóa hắc võng mạc, bong võng mạc, đục thủy tinh thể, glocom góc mở…).
Tuy nhiên trên thực tế, hiện nay, diễn ra tình trạng cha mẹ quá bận hoặc thiếu hiểu biết, thường cho con đến cửa hàng kính thuốc để đo mắt, đeo kính. Họ lầm tưởng chỉ cần máy đo khúc xạ là có thể xác định được tình trạng khúc xạ của con. Tuy nhiên, đây là cách hiểu hết sức sai lầm gây những hệ luỵ khôn lường, bởi ở những nơi này thường không có bác sĩ chuyên khoa mắt.
Ths. BS Đặng Thị Như Quỳnh
Chia sẻ về vấn đề này, Ths. BS Đặng Thị Như Quỳnh cho biết, trong quá trình khám bản thân bà gặp nhiều trường hợp bị đeo kính sai số dù tỷ lệ này không còn nhiều như 3- 5 năm trước.
BV từng tiếp nhận những bệnh nhân ở Lạng Sơn, Lào Cai…phụ huynh phải đưa con về đây để khám và điều trị do từng đưa con đi cắt kính ở cửa hàng kính thuốc.
“Cá biệt đã gặp những cháu đến viện đang cận 2 độ, chúng tôi tiến hành kiểm tra lại bằng các phương pháp soi đồng tử, tra thuốc liệt điều tiết thì rất bất ngờ các cháu bị viễn thị chứ hoàn toàn không phải cận thị như đang phải mang kính”, Ths. BS Đặng Thị Như Quỳnh cho hay.
Giải thích về trường hợp này, theo BS Quỳnh, là do lực điều tiết ở trẻ rất lớn, khả năng có thể thay đổi biên độ điều tiết lên đến 5-7 đi ốp. Nên các con có thể chuyển từ trạng thái này sang trạng thái kia (từ cận sang viễn) nếu mà trung tâm kính không nắm được về kỹ thuật kiểm tra, đo kính thì rất dễ bị sai số.
Rất may, trường hợp bệnh nhân này đến viện sớm nên chưa để lại hậu quả gì nghiêm trọng nhưng cũng phải mất thời gian 2- 3 tháng để giúp trẻ được đeo kính đúng số, lấy lại thị lực.
“Tình trạng đeo kính cận chuyển sang thành viễn khá phổ biến. Vì ở trẻ con khả năng điều tiết lớn nên nếu quy trình khám ngắn không tra liệt điều tiết để kiểm tra số kính chính xác sẽ rất dễ xảy ra hiện tượng như vậy.
Đây cũng chính là lý do để khám và ra đơn kính cho một cháu khám tật khúc xạ mất rất nhiều thời gian mất cả tiếng đồng hồ, thậm chí tiếng rưỡi vì khoảng thời gian để tra thuốc liệt điều tiết đã rơi vào khoảng 45 phút-1h rồi. Chưa hết có những cháu phải đi tới vài lần mới xác định chính xác độ kính”, BS. Quỳnh cảnh báo.
Ngoài ra, cũng có tình trạng bệnh nhân bị tăng số quá,, có trường hợp lại bị non số, theo BS Quỳnh “cả hai trường hợp đó đều làm cho mắt bệnh nhân bị điều tiết nhiều và nếu để lâu kéo dài bệnh nhân sẽ bị nhược thị”.
Xác định chính xác cận thị phải qua những bước nào?
Theo các bác sĩ chuyên nhãn khoa, nếu người bệnh cắt kính chỉ đơn thuần dựa trên kết quả máy đo khúc xạ mà không được khám và đánh giá theo quy trình chuẩn, thì rất dễ bị đánh giá sai, dẫn tới tình trạng đeo kính sai số.
Do đó, khi đo độ cận hay loạn thị mà bệnh nhân chỉ đọc bảng chữ, kiểm tra bằng máy đo khúc xạ là chưa đủ.
Theo đúng quy trình người bệnh cần nhỏ thuốc liệt điều tiết mắt. Việc nhỏ thuốc mất thời gian chờ đợi nên nhiều cửa hàng bán kính bỏ qua công đoạn khám và đánh giá. Điều đó khiến cho nhiều trường hợp bị “cận thị giả” vẫn được kê đơn đeo kính.
Để ra được đơn kính chính xác cho trẻ cần phải có những quy trình chuẩn
“Sau khi có tác dụng của thuốc rồi người khám sẽ được kiểm tra lại và so sánh khúc xạ giữa trước khi tra và sau tra thuốc liệt điều tiết có sự khác biệt hay không? Nếu bệnh nhân có sự khác biệt nhiều, bác sĩ nhãn khoa phải kê một đơn thuốc liệt điều tiết cho bệnh nhân về nhà tra, một tuần sau đến đo lại…Do đó, Ths. BS Đặng Thị Như Quỳnh nhấn mạnh, người dân đi khám tật khúc xạ (đặc biệt đối với trẻ) phải được thực hiện đầy đủ các bước cụ thể sau: đầu tiên bác sĩ sẽ khám khúc xạ (chỉ chữ, đo máy khúc xạ, soi mắt…), sau đó tra thuốc liệt điều tiết và chờ theo dõi (thời gian khoảng 45- 1h).
Có những bệnh nhân mất 3-4 lần khám trong 2-3 tuần mới có thể quyết định ra được một đơn kính chính xác”, Ths. BS. Như Quỳnh nhấn mạnh.
Đáng lưu ý, việc đeo kính không đúng chỉ định trong thời gian ngắn cũng khiến bệnh nhân mỏi mắt, nhức đầu, buồn nôn, không tập trung, ảnh hưởng tới học tập và công việc... Nếu đeo kính cận sai số kéo dài, tình trạng này có thể tăng nặng hoặc dẫn đến bệnh khác nguy hiểm hơn như nhược thị, mất thị lực (mù mắt- PV).
Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, trẻ nhỏ và người lớn xuất hiện các biểu hiện như hay nheo mắt, chảy nước mắt khi nhìn, xem tivi hoặc đọc sách... cần đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa điều trị kịp thời. Người cận thị nên đi khám định kỳ 3-6 tháng/lần để kịp thời điều chỉnh số kính phù hợp.