Nhà máy bus Thaco bắt đầu được khởi công xây dựng vào tháng 9/2016 trên tổng diện tích 17 ha nằm trong khu phức hợp Chu Lai - Trường Hải (Quảng Nam). Nhà máy có tổng vốn đầu tư 7.000 tỷ đồng, công suất thiết kế 20.000 xe/năm, trong đó bao gồm 8.000 xe bus và 12.000 xe mini bus.
Một trong những hạng mục quan trọng nhất tại nhà máy là hệ thống xử lý nước thải công suất 20 m3/giờ. Hệ thống này được tự động hóa từ khâu quản lý đến vận hành, đảm bảo chất lượng nước thải đầu ra theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp.
Bên cạnh đó là hệ thống phòng cháy chữa cháy được thiết kế và lắp đặt đáp ứng tiêu chuẩn Việt Nam với đầy đủ 6 hệ thống chữa cháy chính.
Nhà máy trang bị các dây chuyền sản xuất hiện đại như máy gia công CNC, robot hàn tự động, hệ thống băng chuyền tự động. Dây chuyền lắp ráp hoàn thiện với hệ thống vận hành tự động và cấp phát vật tư bằng các robot tự hành.
Bên cạnh đó là đường thử xe chiều dài 2,4 km mô phỏng đầy đủ các địa hình như thực tế nhằm bảo đảm yêu cầu kỹ thuật để kiểm tra chất lượng của xe trước khi xuất xưởng.
Đặc biệt, nhà máy sở hữu dây chuyền sơn tĩnh điện gồm 10 bể được vận hành tự động, các bể đều có thể nhúng toàn bộ thân vỏ xe có chiều dài 13,7 mét. Đây là dây chuyền sơn tĩnh điện duy nhất tại khu vực Đông Nam Á và nằm trong số 22 dây chuyền sơn tĩnh điện đang có trên toàn cầu tính đến thời điểm này.
Ngay trong lễ khánh thành nhà máy, Thaco đã ký hợp đồng xuất khẩu 1.150 xe bus sang các thị trường Thái Lan, Đài Loan, Philippines và Campuchia.
Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco cho biết từ năm 2016, tập đoàn đã xây dựng kế hoạch đầu tư, xây dựng mới các nhà máy sản suất, lắp ráp ôtô và tổ hợp các nhà máy công nghiệp hỗ trợ theo hướng tự động hóa, các loại xe đạt tỷ lệ nội địa hóa tối thiểu 40% nhằm đảm bảo vị trí đứng đầu tại Việt Nam, đồng thời xuất khẩu sang các nước thuộc khối ASEAN.
Sau khi xe bus "mở đường", Thaco đặt mục tiêu sẽ tiếp tục xuất khẩu các loại xe du lịch ra thị trường Đông Nam Á, cụ thể là các loại xe mang thương hiệu Mazda và Kia.
Theo nội dung Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), thuế suất thuế nhập khẩu mặt hàng ôtô nguyên chiếc từ các nước nội khối sẽ giảm về 0% kể từ năm 2018. Mốc thời gian 2018 vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho ngành công nghiệp ôtô nội địa.
"Mặc dù thị trường trong nước còn nhỏ, ngành công nghiệp ôtô còn non trẻ nhưng chúng ta vẫn có thể cạnh tranh được ở thị trường khu vực. Nếu đạt tỷ lệ nội địa hóa cao và sản lượng xuất khẩu khá thì chúng ta sẽ tự chống được nhập siêu và cân bằng cán cân thương mại trong ngành sản xuất, kinh doanh ôtô tại Việt Nam", ông Trần Bá Dương nói.