Khai thác bao nhiêu bán gần hết cho Trung Quốc bấy nhiêu: Một quốc gia suy nghĩ lại về thứ kim loại cả thế giới cần

An An |

Khoảng 53% nguồn cung cấp lithium của thế giới đến từ Úc và hầu hết chúng được xuất khẩu sang Trung Quốc.

Khai thác bao nhiêu bán gần hết cho Trung Quốc bấy nhiêu: Một quốc gia suy nghĩ lại về thứ kim loại cả thế giới cần - Ảnh 1.

Úc muốn giảm xuất khẩu lithium sang Trung Quốc

Nằm sâu trong vùng nông thôn phía Tây Úc, nhà máy chế biến khổng lồ của Công ty khai thác khoáng sản Pilbara sừng sững trên nền đất đỏ, rung chuyển khi hàng tấn bùn quặng lithium đi qua các đường ống.

Nhà máy biến quặng từ một mỏ đá gần đó thành spodumene, một loại bột kết tinh màu xanh lục chứa khoảng 6% lithium và được bán với giá khoảng 5.700 USD/tấn.

Từ đó, spodumene được vận chuyển đến Trung Quốc để tiếp tục tinh chế thành lithium vật liệu chìa khóa cho pin sạc.

Pin sử dụng lithium phổ biến trong các phương tiện chạy bằng điện như xe điện, điện thoại di động hay ứng dụng trong kỹ thuật ở các ngành quân đội, hàng không ở hầu hết các nước trên thế giới.

Theo New York Times (NYT-Mỹ), khoảng 53% nguồn cung cấp lithium của thế giới đến từ Úc và hầu hết chúng được xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng giờ đây Úc muốn phá vỡ sự phụ thuộc của thế giới vào Trung Quốc.

Pilbara Minerals, công ty khai thác lithium lớn nhất Úc là một trong những công ty đang khám phá mô hình mới để sản xuất vật liệu cho pin: Được thực hiện gần nơi khai thác lithium và bán cho các nước như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Khai thác bao nhiêu bán gần hết cho Trung Quốc bấy nhiêu: Một quốc gia suy nghĩ lại về thứ kim loại cả thế giới cần - Ảnh 2.

Úc là nhà cung cấp lithium lớn cho Trung Quốc. Ảnh: NYT

Tuy nhiên, Úc đang gặp nhiều khó khăn trước kế hoạch này.

Hiện nay, Trung Quốc đang ở vị trí dẫn đầu với nhiều năm kinh nghiệm và hàng trăm nhà máy tinh chế lithium, đồng thời ngày càng kiểm soát nhiều cơ sở sản xuất pin trên thế giới. Chưa kể giá thành của sản phẩm Made in China cũng cạnh tranh hơn.

Marina Zhang, nhà nghiên cứu tại Viện Quan hệ Úc-Trung tại Đại học Công nghệ Sydney, cho biết: " Người tiêu dùng sẽ bỏ phiếu bằng chân. Họ mua một chiếc ô tô điện hoặc các tấm pin mặt trời dựa trên giá cả ".

Úc đang có lợi thế quan trọng

Một báo cáo của chính phủ Úc năm ngoái dự đoán rằng, đến năm 2027, 20% hoạt động khai thác lithium toàn cầu có thể diễn ra ở Úc, tăng từ mức dưới 1% hiện nay.

" Tôi muốn đảm bảo rằng chúng tôi sử dụng lithium, niken và các sản phẩm khác mà chúng tôi có để sản xuất pin ở đây" , Thủ tướng Úc Anthony Albanese nói trong một bài phát biểu. " Đó là một phần trong tầm nhìn để bảo vệ nền kinh tế quốc gia trong tương lai".

Khai thác bao nhiêu bán gần hết cho Trung Quốc bấy nhiêu: Một quốc gia suy nghĩ lại về thứ kim loại cả thế giới cần - Ảnh 3.

Khoảng 53% sản lượng lithium của thế giới được khai thác ở Úc. Ảnh: NYT

Nhưng theo NYT, Úc sẽ phải tiến xa hơn nếu muốn bắt kịp Trung Quốc về năng lực tinh chế lithium.

Cho đến nay, Úc chỉ có hai cơ sở sản xuất lithium hydroxit được sử dụng để chế tạo cực âm, với cơ sở thứ ba đang được xây dựng. Nhưng quá trình xây dựng các cơ sở này luôn bị trì hoãn trước đó do liên quan đến tình trạng thiếu lao động, cũng như vượt chi phí.

Chi phí cũng là thách thức lớn của Úc trong cuộc chạy đua với Trung Quốc.

John Stover, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Tribeca Investment Partners, trích dẫn dữ liệu từ ngân hàng UBS, cho biết khoản đầu tư cần thiết để thành lập một nhà máy lithium hydroxit ở Úc cao hơn khoảng 2,5 lần so với ở Trung Quốc.

" Úc có một lịch sử lâu dài vận chuyển quặng chưa qua chế biến đến các nước khác để chế biến ", ông nói. " Tôi nghĩ tư duy này không dễ thay đổi đó ".

Joe Lowry, người sáng lập công ty tư vấn Global Lithium, cho biết bất chấp những rào cản, việc Úc kiểm soát nguyên liệu thô mang lại cho nước này cơ hội khẳng định ảnh hưởng sâu hơn trong chuỗi cung ứng.

" Ai sở hữu mỏ sẽ thắng", ông Lowry nói. " Và Úc có khoáng sản ".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại