Chưa biết doanh nhân Hoàng Khải (Khải Silk) phát biểu trên báo rằng "cúi đầu xin lỗi" là lời chân thành hay chỉ là cách xử lý khủng hoảng trên truyền thông, nhưng có một điều là công chúng chưa thấy bức ảnh nào doanh nhân này "cúi đầu" thực sự trong bão scandal đang ngày càng lan rộng.
Trong bài viết dưới đây, nhân câu nói "cúi đầu xin lỗi" đang là một tâm điểm quan tâm của cộng đồng, chúng ta cùng tìm hiểu xem bản chất thực sự của hành động "cúi đầu xin lỗi"là gì, và được áp dụng ở những đâu trên thế giới?
Cúi đầu là một động tác mang rất nhiều ý nghĩa và còn phụ thuộc vào nền văn hóa của mỗi quốc gia, người Nhật hay Hàn... thường cúi đầu khi chào xã giao, cảm ơn, biết ơn hay xin lỗi và trở thành một nét văn hóa đặc biệt thể hiện chính con người mình.
Trong đó "Cúi đầu xin lỗi" là hành động thể hiện thái độ thừa nhận sai lầm, khuyết điểm của bản thân, trong đó người cúi nghiêng mình với góc lớn hơn như 45 độ ( thậm chí có thể tới 90 độ) và với thời gian lâu hơn kiểu cúi chào xã giao hay cảm ơn.
Việc cúi đầu càng lâu với góc nghiêng lớn càng thể hiện thái độ xin thứ lỗi của người cúi, thể hiện sự ăn năn, thừa nhận sai lầm, chịu trách nhiệm hay xấu hổ về chính sai lầm của bản thân.
Trong cuộc sống đa dạng thì cũng có muôn vàn cách thể hiện sự xin lỗi khác nhau do đó ở bài viết này chỉ đề cập tới cách xin lỗi của người nổi tiếng, một doanh nghiệp, cơ quan hay thậm chí là người đại diện cơ quan chính phủ bằng cúi đầu trong văn hóa một số quốc gia
Góc nghiêng hay thời gian cúi cũng nói lên ý nghĩa khác nhau. Ảnh Bbc.com.
Những quốc gia sử dụng cách cúi đầu để thể hiện sự xin lỗi
Khi nói về việc "cúi đầu xin lỗi" thì không thể không nói tới văn hóa cúi đầu của người Nhật, khác với nhiều quốc gia, trẻ em ở nước này được dạy các phương thức giao tiếp một cách kỹ lưỡng từ rất bé, tạo nên văn hóa giao tiếp đặc trưng mang đậm phong cách người Nhật.
Xem video:
Nguồn: Cúi đầu và muôn vàn ý nghĩa trong văn hóa Nhật. Youtube/Zbelini2.
Có thể kể tới một số vụ việc nổi tiếng như vụ bê bối về túi khí Takata, sau đó tới sự gian lận của Mitsubishi và Suzuki, Nissan hay gần đây là việc đại sứ Nhật bản tới tận nhà và cúi đầu xin lỗi gia đình em bé Việt bị sát hại ở Nhật.
Ngay cả thủ tướng Nhật cũng không ngoại lệ nếu mắc sai lầm, năm 2015 thủ tướng Shinzo Abe đã cúi đầu xin lỗi một nghị sĩ đảng Đối lập Kiyomi Tsujimoto vì ông đã lớn tiếng tại một phiên họp trước đó.
Các cầu thủ xin lỗi cổ động viên sau thất bại. Ảnh Baomoi.vn.
Hình ảnh các cầu thủ, ban huấn luyện Nhật Bản cúi đầu xin lỗi trước khán đài đầy ắp khán giả Nhật Bản đang thất vọng về kết quả khi Nhật Bản bị loại khỏi World Cup 2014 cũng thể hiện văn hóa của họ khi bước ra trường quốc tế.
Khi doanh nghiệp, công ty mắc lỗi với khách hàng họ thường cúi đầu kiểu Saikeirei trước giới truyền thông cũng lời xin lỗi trịnh trọng và có phần nặng nề, ít khi sử dụng trong cuộc sống hằng ngày đó là "Moushi wake arimasen".
3 kiểu cúi chào cơ bản của người Nhật. Ảnh Ngoại Ngữ Hà Nội.
Ghi chú:
Ở Nhật có 4 kiểu cúi chào cơ bản, trong đó Dogeza (quỳ rạp người, hai tay đặt phía trước) là "cấp cao nhất" thể hiện lòng biết ơn, niềm kính trọng tới các đấng tối cao và thiêng liêng như Thần, Phật, Chúa Trời, quốc kỳ, bậc sinh thành và cũng là hình thức xin lỗi thể hiện thành ý nhất.
Người Hàn Quốc cũng có cách xin lỗi cúi đầu như người Nhật bản
Hàn Quốc có nền công nghiệp giải trí thuộc top hàng đầu thế giới, văn hóa của Hàn Quốc cũng đã trở nên rất quen thuộc với chúng ta qua phim ảnh, âm nhạc, chương trình truyền hình giải trí, truyền hình thực tế.
Bạn có thể thấy cảnh cầu xin hay xin lỗi thông thường ở Hàn Quốc là xoa hai tay vào nhau cũng lời xin lỗi trong nhiều bộ phim hay chương trình thực tế, còn trang trọng hơn người Hàn cũng sử dụng cách cúi đầu có phần giống với người Nhật Bản.
Cách xin lỗi dogeza quỳ rạp của người Nhật Bản cũng tương tự với cách xin lỗi chân thành nhất của Hàn Quốc. Ảnh Pinterest.
Thậm chí người Hàn Quốc còn quỳ xuống và đặt hai tay về phía trước để thể hiện sự xin lỗi ở "cấp độ" cao nhất, thành khẩn nhất.
Đây là trường hợp Giáo sư Roh Hwa Wook - Chủ tịch Ủy ban Xúc tiến thành lập Quỹ Hòa bình Hàn - Việt quỳ rạp trước người dân Bình Định vì vụ thảm sát Bình An 50 năm trước:
Giáo sư Roh Hwa Wook cúi đầu xin lỗi người dân Bình Định. Ảnh Báo Mới.
Năm ngoái, tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye cũng cúi đầu xin lỗi toàn bộ người dân trước truyền thông sau vụ chìm phà Sewol hay mới nhất là sai lầm nghiêm trọng của mình khiến tài liệu mật bị rò ri.
Những người nổi tiếng cũng thể hiện cách cúi đầu để tạ lỗi trước công chúng, fan hâm mộ của mình, các doang nghiệp tập đoàn lớn cũng tương tự, ví dụ: phó chủ tịch Hãng Samsung Electronics là Jay Y. Lee cúi đầu trước họp báo nhằm xin lỗi người nhà bệnh nhân sau đại dịch MERS.
Tổng thống Hàn Quốc xin lỗi người dân. Ảnh eEnglish.chosun.com.
Ngoài Nhật Bản và Hàn Quốc thì Thái Lan, Ấn Độ, Lào hay Trung Quốc, Việt Nam... cũng có cách cúi đầu xin lỗi tương tự. Sự cúi đầu không chỉ thể hiện sự nhận lỗi của bản thân, điều này còn thể hiện lòng tự trọng, sự khiêm nhường và dám chịu trách nhiệm của bản thân.
Người có thể nhận ra sai lầm của bản thân, dám chịu trách nhiệm về sai lầm đó chứ không tìm cách chống chế, đổ lỗi cho người khác hay hoàn cảnh thì mới có thể sửa chữa bản thân và tiến bộ trong tương lai.
"Một lời xin lỗi vụng về vẫn tốt hơn im lặng" - Stephen Gosson.
* Tham khảo từ các nguồn: Time, Akira, Bbc