Trong một tuyên bố mới đây, Bộ Du lịch và Cổ vật Ai Cập cho biết, tàn tích ngôi đền thờ được tìm thấy tại khu khảo cổ Tell el-Farma nằm ở phía tây bắc Bán đảo Sinai, Ai Cập.
Khu khảo cổ Tell el-Farma, còn được biết đến với tên gọi ‘cổ hơn’ là Pelusium, đã có từ cuối thời kỳ các vị vua Pharaoh, và cũng đồng thời được sử dụng trong thời kỳ Hy Lạp-La Mã và Đế quốc Đông La Mã. Ngoài ra còn có những di tích cổ với niên đại từ thời kỳ Cơ đốc giáo và Hồi giáo sơ khai.
Ông Mostafa Waziri, Tổng thư ký Hội đồng Cổ vật Tối cao Ai Cập nêu rõ, các nhà khảo cổ đã khai quật thành công tàn tích cổng vào của ngôi đền, nơi có thể nhìn thấy hai cột đá granit khổng lồ bị đổ sập. Ông tin rằng, cánh cổng này đã bị phá hủy trong một trận động đất mạnh thời cổ đại.
Waziri cho biết tàn tích được tìm thấy giữa Pháo đài Pelusium và một nhà thờ tưởng niệm tại địa điểm này. Các nhà khảo cổ học đã tìm thấy một tập hợp các khối đá granit có lẽ được sử dụng để xây cầu thang cho những người thờ phụng bước vào ngôi đền.
Các cuộc khai quật tại khu vực khảo cổ này bắt đầu từ đầu những năm 1900, khi nhà Ai Cập học người Pháp Jean Clédat tìm thấy những dòng chữ Hy Lạp cổ đại cho thấy sự tồn tại của ngôi đền Zeus-Kasios nhưng đã không khai quật.
Zeus-Kasios là sự kết hợp của Zeus, vị thần của bầu trời trong thần thoại Hy Lạp cổ đại, và núi Kasios ở Syria, nơi Zeus từng được tôn thờ.
Ông Hisham Hussein, Giám đốc địa điểm khảo cổ Sinai cho biết, các chữ khắc được tìm thấy trong khu vực cho thấy Hoàng đế La Mã Hadrian (117-138) đã từng cải tạo lại ngôi đền.
Các chuyên gia sẽ nghiên cứu các khối đá được khai quật và thực hiện khảo sát đo quang để giúp xác định thiết kế kiến trúc của ngôi đền.
Di tích đền thờ thần Zeus là di tích mới nhất trong một loạt các khám phá cổ đại mà Ai Cập đã tuyên bố trước thế giới trong vài năm qua, với hy vọng thu hút nhiều khách du lịch hơn sau đại dịch Covid-19 và trước vô số cuộc xung đột căng thẳng trên khắp thế giới.