" Quái vật " được đặt tên là Kylinxia zhaingi, là một động vật chân đốt đã tuyệt chủng, được khai quật ở hệ tầng Yu'anshan ở Vân Nam, Trung Quốc. Nó có hình thù kỳ dị với lớp vỏ kéo dài từ đầu đến hết thân mình và 5 mắt kép có cuống, bao gồm 2 mắt lớn hướng về phía trước như những con tôm ngày nay và 3 mắt sau.
Cận cảnh sinh vật giống tôm quái dị ở "vùng biển quái vật" kỷ Cambri - Ảnh: DIYING HUANG
Theo tiến sĩ Han Zeng từ Viện Địa chất và cổ sinh Nam Kinh (Trung Quốc), hóa thạch "quái vật" này đặc biệt vô cùng quý giá. Bởi nó chính là sinh vật chuyển tiếp giữa tổ tiên Anomalocaris của loài chân đốt - những sinh vật khổng lồ đáng sợ, thống trị chuỗi thức ăn biển khơi - và loài chân đốt ngày nay, ví dụ những con tôm.
Trước đây, giới khoa học vẫn cho rằng Anomalocaris khổng lồ và động vật chân đốt ngày nay có liên hệ, nhưng chừa tìm ra cách "bắc cầu" giữa 2 nhóm sinh vật này. "Quái vật" ở Vân Nam chính là liên kết còn thiếu đó.
Hóa thạch được khai quật tại Vân Nam - Ảnh: HANG ZENG
"Quái vật" mới này nhỏ hơn loài thủy quái sơ khai và thể hiện rõ những bước tiến hóa nhằm thích nghi với các môi trường sống đa dạng và phát triển giống loài.
Với niên đại 518 triệu tuổi, nó sống vào kỷ Cambri, giai đoạn "bùng nổ" của sinh vật Trái Đất. Bản thân loài này đã bị những cuộc đại tuyệt chủng thảm khốc xóa sổ, như hầu hết sinh vật thời kỳ đó.
Nhưng chúng đã kịp phân nhánh và tiến hóa thành những loài khác phù hợp hơn với điều kiện mới khắc nghiệt. Vì vậy sinh vật thời kỳ Cambri vẫn được coi là một nền tảng quan trọng cho cây sự sống Trái Đất.