Cùng dự có các Ủy viên Trung ương Đảng: Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Huỳnh Thành Đạt; Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh; Đại diện Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cá nhân, tổ chức, mạng lưới uy tín hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước, quốc tế.
Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam phát triển mạnh mẽ
Đây là sự kiện thường niên lớn nhất hội tụ các cá nhân, tổ chức, mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong nước, quốc tế dành cho cộng đồng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo do Bộ KH&CN phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức.
Đồng thời, đây là dịp quảng bá hình ảnh hệ sinh thái khởi nghiệp Việt năng động, sẵn sàng chào đón sự hợp tác cùng phát triển khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo từ các đối tác trong nước, quốc tế.
Năm nay, có gần 300 gian hàng của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tiêu biểu, 40 hoạt động hội nghị, hội thảo diễn ra tại TECHFEST 2020. Bên cạnh các hoạt động trọng tâm là kết nối đầu tư và cuộc thi "Tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia" để chọn ra đại diện xuất sắc nhất của Việt Nam tham dự cuộc thi toàn cầu Startup Worldcup.
Năm 2020, mặc dù đối mặt với khủng hoảng Covid-19, tổng giá trị đầu tư cho khởi nghiệp ước đạt hơn 310 triệu đô la, Việt Nam cũng ghi nhận kỳ lân thứ hai là VNPAY. Nhiều chỉ đạo của Đảng, Nhà nước đã được Chính phủ cụ thể hoá bằng các Chương trình hỗ trợ chuyên sâu, như: Chỉ thị về hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển doanh nghiệp công nghệ số, chương trình quốc gia phát triển thương mại điện tử, chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030...
Nhiều địa phương đã đưa đổi mới sáng tạo thành một mục tiêu phát triển, đặc biệt tại Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh. Trước ngày hội chính thức của TECHFEST quốc gia, các sự kiện Techfest Vùng Đồng bằng Sông Hồng tại Hải Phòng từ 25-27/9, vùng Duyên hải Nam Trung Bộ tại Phú Yên vào ngày 1/10 và Đà Nẵng vào 9/10, vùng Đồng bằng Sông Cửu Long diễn ra tại Bến Tre ngày 21-22/11 và Techfest vùng Đông Nam Bộ diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh từ ngày 24/11.
Các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp gia tăng về mặt số lượng và dần hình thành mô hình kết nối giữa Nhà nước - Nhà trường và doanh nghiệp để tận dụng các cơ sở hạ tầng sẵn có hình thành không gian đổi mới sáng tạo, khu dịch vụ tập trung cho khởi nghiệp.
Cần đổi mới từ cách làm tới tư duy để có hệ sinh thái khởi nghiệp
Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho rằng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo hiện nay đã bước vào giai đoạn mới, giai đoạn trọng yếu để phát triển. Do đó, để phát triển hệ sinh thái một cách bứt phá, cần có sự nỗ lực và phối hợp từ các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp khởi nghiệp đến các chủ thể trong hệ sinh thái khác.
Để thích ứng và chuyển đổi bứt phá, Bộ trưởng cho rằng cần cùng nhau chung tay hợp tác, đổi mới sáng tạo từ cách làm đến tư duy, phát triển nguồn nhân lực, và tạo ra môi trường cạnh tranh phù hợp. Lấy các doanh nghiệp khởi nghiệp làm trung tâm của sự phát triển, nhưng chính bản thân các doanh nghiệp khởi nghiệp cần có sự chủ động trong việc đổi mới, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tạo ra nhiều giá trị hơn nữa.
Hiện Việt Nam có 2 doanh nghiệp khởi nghiệp được định giá 1 tỉ USD và nhiều doanh nghiệp được định giá trên 100 triệu USD, do đó Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt kỳ vọng trong thời gian tới sẽ có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp hơn nữa.
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt đánh giá, qua 5 mùa TECHFEST, điểm lại những kết quả đạt được cho thấy các chủ thể trong hệ sinh thái đã làm tương đối tốt vai trò của mình. Đó là việc liên kết các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo; khai thác cơ sở hạ tầng kỹ thuật, phòng thí nghiệm, khu thử nghiệm, sẵn có của các cơ sở đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, để hình thành các khu hỗ trợ kỹ thuật cho khởi nghiệp sáng tạo và lấy trí tuệ, con người làm giá trị cốt lõi để đổi mới sáng tạo; nhanh chóng hình thành và liên kết chặt chẽ Mạng lưới kết nối khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, liên kết mạnh mẽ với cộng đồng quốc tế.
Theo Bộ trưởng, trong giai đoạn vừa qua, từng bước, chúng ta đã hình thành và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia. Hành lang pháp lý đã dần được hoàn thiện, gần đây nhất là sự thay đổi về triết lý tiếp cận của Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp 2020, hướng tới tạo điều kiện hơn nữa, khuyến khích hơn nữa các nguồn đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo.
Sự lan tỏa, tác động từ Đề án 844 ngày càng rõ nét và cộng hưởng, với 53 tỉnh, thành phố cùng triển khai các hoạt động, cùng với sự tham gia đồng hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Trung ương Đoàn TNCS HCM, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam...
Đây là nền tảng rất vững chắc để phát triển mạng lưới kết nối quốc gia.
Khởi nghiệp sáng tạo bùng nổ nhờ chính sách
Anh Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư thứ nhất Trung ương đoàn, đánh giá, kể từ sau Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp năm 2018, nhiều chính sách đã được các Bộ, ngành tiếp thu và điều chỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Bên cạnh đó là hàng loạt các chương trình của Chính phủ và các Bộ, ngành thông qua các đề án quốc gia nhằm hỗ trợ thúc đẩy khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Ban Chấp hành Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cũng ban hành Đề án "Thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2019 – 2022" nhằm kiến tạo môi trường, động lực mạnh mẽ để các lực lượng thanh niên Việt Nam khác nhau ra sức sáng tạo khởi nghiệp, chung tay đưa Việt Nam thật sự trở thành quốc gia khởi nghiệp.
Ngoài ra, các địa phương cũng tích cực ban hành các quyết định, kế hoạch, chương trình hành động nhằm hỗ trợ khởi nghiệp nói chung và hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo nói riêng. Từ đó, năm 2019 đánh dấu sự phát triển mạnh mẽ của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam, với sự bùng nổ về số lượng các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và các thương vụ đầu tư mạo hiểm.
Với sự xuất hiện ngày càng nhiều các không gian làm việc chung, vườn ươm, chương trình tăng tốc và các cuộc thi dành riêng cho khởi nghiệp sáng tạo, cùng với sự ưu tiên hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trong chương trình nghị sự, Việt Nam đã và đang nhanh chóng trở thành một ngôi sao sáng trong bức tranh khởi nghiệp ở Đông Nam Á.
"Đây là tín hiệu tích cực cho thấy sự lan tỏa rộng rãi tinh thần khởi nghiệp sáng tạo, kích thích quyết tâm hành động của các chủ thể khởi sự kinh doanh trên nền tảng công nghệ trong cả nước", anh Nguyễn Anh Tuấn khẳng định.
Chính phủ cam kết hỗ trợ khởi nghiệp là ưu tiên hàng đầu
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay cách đây 2 năm khi dự ngày hội khởi nghiệp và tìm kiếm từ khóa "khởi nghiệp" có 13,4 triệu, thì nay chỉ trong 0,54 giây tìm kiếm đã có 20,7 triệu kết quả được tìm thấy.
"Điều này cho thấy tinh thần khởi nghiệp được lan tỏa mạnh mẽ, ở nhiều lứa tuổi, khởi nghiệp không có danh giới" - Thủ tướng nhận định.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định cần xem sáng tạo là tài nguyên mới cần khai thác, là tài nguyên vô tận của 100 triệu người dân Việt Nam trong nước và người Việt ở nước ngoài. Do đó, phải xem con người là trung tâm sáng tạo, bởi người Việt Nam có đầy đủ yếu tố bẩm sinh cho sáng tạo, nên cùng ươm mầm, ước mơ và hiện thực hóa khát vọng.
Nhắc lại câu hỏi quen thuộc: "Các bạn có sợ thất bại khi khởi nghiệp không?" - có thể câu trả lời là có, song Thủ tướng cho rằng cần phải nhìn khởi nghiệp như một sự trải nghiệm thú vị, xem thất bại là mẹ thành công, vấp ngã thì phải đứng dậy đi tiếp, "có công mài sắc có ngày nên kim". Do đó, thanh niên phải phát huy tính sáng tạo để khởi nghiệp, "học học nữa học mãi".
"Những lúc khó khăn thì lửa thử vàng gian nan thử sức", Thủ tướng nói với những nút thắt và khó khăn hiện nay, Chính phủ sẽ quan tâm tháo gỡ các vướng mắc này. Với các đề nghị mà thanh niên trẻ đưa ra, Chính phủ cam kết sẽ bảo hộ tối đa quyền sở hữu trí tuệ, sáng kiến khởi nghiệp của doanh nghiệp. Chính phủ ưu tiên đầu tư hạ tầng công nghệ, thông tin viễn thông, tạo nền tảng cần thiết.
"Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ khởi nghiệp, doanh nghiệp là ưu tiên hàng đầu, có phương án hỗ trợ thiết thực. Đề nghị các bộ ngành thường xuyên đối thoại thường xuyên, tăng cường truyền thông phổ biến và đẩy mạnh phối hợp trung tâm đổi mới sáng tạo, để xây dựng cơ chế tài chính, phát huy vai trò qũy đầu tư tư nhân, nghiên cứu thành huy động vốn khởi nghiệp, các quỹ đầu tư, trong đó có quỹ đầu tư khởi nghiệp" - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Trong khuôn khổ Lễ khai mạc, đã diễn ra Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp “Cùng đất nước vượt qua thách thức”. Sự kiện do Bộ KH&CN và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức. Đây là nội dung quan trọng của TECHFEST Việt Nam 2020 quy tụ hơn 600 cá nhân, tổ chức uy tín trong hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2018 trong chuỗi sự kiện TECHFEST Việt Nam, do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phối hợp với các đơn vị tổ chức. Diễn đàn đã đề xuất, kiến nghị tới Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ, ngành nhiều giải pháp đột phát cho khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam.
Tại Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các bộ, ngành đã trực tiếp đối thoại với các nhà đầu tư, chuyên gia, thanh niên khởi nghiệp về 04 nhóm vấn đề gồm: Chính sách tài chính cho khởi nghiệp; Chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, cơ hội và vai trò của thanh niên khởi nghiệp; Nguồn nhân lực chất lượng cao – yếu tố then chốt để thanh niên khởi nghiệp đóng góp vào nền kinh tế; Hệ sinh thái cho thanh niên khởi nghiệp – thực trạng và giải pháp hoàn thiện.