Vì sao siêu vượt âm được chú ý
Các chuyên gia cho biết, trong những năm gần đây, hàng loạt quốc gia lớn đang tập trung phát triển vũ khí siêu vượt âm. Điều này đang đặt ra những câu hỏi lớn về uy lực của thứ vũ khí này.
Đánh giá này được đưa ra trong bối cảnh một số quốc gia, bao gồm Mỹ, Trung Quốc và Nga, đang phát triển loại vũ khí có sức công phá lớn, với tốc độ cao và hoạt động tầm xa, khó để ngăn chặn.
Trong vai trò chống hạm hoặc tấn công đất liền, vũ khí siêu vượt âm - có thể phóng đi với tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh -là một mối đe dọa đáng kể và mang lại lợi thế quyết định cho một bên nếu đối thủ thiếu khả năng hoặc phương tiện tương tự để tự vệ.
Cuộc thử nghiệm vũ khí siêu vượt âm của Trung Quốc "thu hút tất cả sự chú ý của chúng tôi", Tướng Mỹ Mark Milley nói
Các quốc gia phương Tây đang phát triển vũ khí siêu vượt âm để đuổi kịp theo sự phát triển nhanh chóng của các loại vũ khí này ở Trung Quốc và Nga, những nước được cho là đang dẫn đầu lĩnh vực.
Trung Quốc đã triển khai hoạt động phương tiện lướt siêu vượt âm DF-17 và chuẩn bị triển khai máy bay ném bom phóng tên lửa chống hạm, được đặt tên là CH-AS-X-13. Nước này cũng đã thử nghiệm một phương tiện bay siêu vượt âm quỹ đạo vào năm ngoái.
Nga cũng phát triển hệ thống của riêng mình. Kinzhal là tên lửa không đối đất có khả năng hạt nhân, có tầm bắn hơn 2.000 km với tốc độ gấp 12 lần tốc độ âm thanh. Kinzhal đi vào hoạt động vào tháng 12/2017.
Trong khi đó, Mỹ và các đồng minh dường như đã tụt lại phía sau, với việc Mỹ gần đây đã đánh dấu lần đầu tiên thử nghiệm thành công vũ khí siêu vượt âm phóng từ đường không.
Hồi tháng 4, Mỹ, Anh và Úc đã đồng ý hợp tác phát triển vũ khí "siêu vượt âm tiên tiến và chống siêu vượt âm" theo hiệp ước an ninh ba bên Aukus.
Ở bên kia, quân đội Nhật Bản đang xem xét phát triển tên lửa chống hạm siêu vượt âm với đầu đạn được thiết kế đặc biệt có khả năng xuyên phá tàu sân bay.
Timothy Heath, một nhà phân tích an ninh cấp cao của Tổ chức tư vấn Mỹ Rand, cho biết "các nước đều đang tập trung vào phát triển vũ khí siêu vượt âm, bởi đây là công nghệ mới và không có biện pháp phòng thủ nào chống lại nó".
Vũ khí cần cảnh giác
"Lý do chính mà các nước đang phát triển vũ khí siêu vượt âm là vì mục đích răn đe. Hiện tại không có biện pháp phòng thủ nào chống lại vũ khí này, vì vậy các quốc gia đang xây dựng khả năng của riêng mình", Heath nói.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cảnh báo về những căng thẳng tiềm ẩn khi các quốc gia tích trữ kho tên lửa siêu vượt âm của mình.
"Những tên lửa này di chuyển cực nhanh và không thể bị đánh bại, vì vậy có nguy cơ là trong một cuộc khủng hoảng, một quốc gia có thể tính toán sai và phóng một trong các tên lửa, thúc đẩy các cuộc tấn công trả đũa", ông nhận định.
"Khi căng thẳng gia tăng, tất cả các bên sẽ càng phải tìm cách xoa dịu căng thẳng và cải thiện cơ chế quản lý khủng hoảng để giảm thiểu nguy cơ".
Malcolm Davis, một nhà phân tích cấp cao từ Viện Chính sách Chiến lược Úc, cũng đồng tình với nhận định của Heath.
Davis nói: "Tôi nghĩ chúng ta có khả năng đang nhìn thấy sự khởi đầu của một cuộc cạnh tranh tên lửa siêu vượt âm, khi nhiều quốc gia bắt đầu cảm nhận được tầm quan trọng của loại công nghệ này đối với các cuộc tấn công tầm xa nhằm vào các mục tiêu trên bộ và trên biển".
"Rõ ràng, có nhiều cách để giảm bớt mối đe dọa và tăng cường công nghệ phòng thủ tên lửa, nhưng với siêu vượt âm, nó thực sự có khả năng trở thành vũ khí quyết định cuộc chơi, khi ai khai hỏa đầu tiên sẽ là người thắng", Davis nói.
Ridzwan Rahmat, một nhà phân tích an ninh của Janes, cho biết sự phổ biến của vũ khí siêu vượt âm đã đẩy nhanh nhịp độ của các hoạt động tác chiến hiện đại.
"Các chiến thuật và học thuyết hiện đang thay đổi theo hướng để các đơn vị trên chiến trường phản ứng nhanh hơn với khả năng triển khai vũ khí siêu vượt âm. Ngoài ra, hiện có nhiều nỗ lực để phát triển các cảm biến tối tân hơn và công nghệ vệ tinh phù hợp có thể phát hiện tốt các loại vũ khí này", Rahmat nói.