Nhắc tới những điểm đến du lịch nước ngoài hấp dẫn đối với riêng du khách Việt, không thể bỏ qua Trung Quốc. "Quốc gia tỷ dân" không chỉ sở hữu phong cảnh đẹp mà còn có nền văn hoá đa dạng và phong phú, đem đến nhiều trải nghiệm cho du khách. Tuy nhiên, nhiều du khách cũng chia sẻ rằng khi đến du lịch Trung Quốc, họ đã gặp phải những "cú sốc văn hoá". Câu chuyện sau đây của nhóm du khách 4 người trong chuyến du lịch Trung Quốc hồi cuối tháng 3 là một ví dụ như thế.
Cụ thể, nó xảy ra trong 1 lần cả 4 ghé thăm một cửa hàng tiện lợi để mua thực phẩm và một số đồ dùng. Sau khi đã chọn xong những món đồ cần thiết, họ tiến tới quầy thanh toán như thường lệ nhưng... không có một nhân viên hay bất cứ ai ở đây cả. Lúc đó đã là vào khoảng 11 giờ đêm (theo giờ địa phương). Nhóm du khách nghĩ có lẽ nhân viên bận chạy ra ngoài trong khoảng vài phút, nhưng họ đợi mãi vẫn không có ai trở về và phục vụ họ.
Sau một hồi nhìn xung quanh và tìm hiểu, nhóm du khách mới bất ngờ nhận ra cửa hàng tiện lợi này vốn... không hề có nhân viên. Việc thanh toán của khách hàng sẽ được thực hiện hoàn toàn dựa trên hệ thống máy điện tử và mã QR.
Khách hàng sau khi chọn xong những món đồ cần mua sẽ mang toàn bộ chúng đến quầy thanh toán, scan (quét) mã vạch sản phẩm thông qua 1-2 chiếc máy đã được trang bị sẵn. Cuối cùng, sẽ có 1 hoá đơn tự động được in ra và khách hàng sẽ quét mã QR được in sẵn trên hoá đơn này để thanh toán, tương tự như việc quét QR để trả tiền trên nhiều dịch vụ khác ở Trung Quốc.
Ngoài sử dụng mã QR "toàn năng", khách hàng cũng có thể tuỳ chọn các hình thức thanh toán khác dựa trên điều kiện cá nhân như thẻ ngân hàng hay tiền mặt. Cách thay đổi chỉ bằng nút ấm thông qua màn hình. Được biết, kiểu cửa hàng tiện lợi như thế này không chỉ phổ biến ở Trung Quốc mà còn được bắt gặp tại nhiều quốc gia khác hiện đại khác như Nhật Bản với cách vận hành tương tự.
Sau khi biết được sự thật về những cửa hàng tiện lợi "không nhân viên", các vị du khách Việt vô cùng bất ngờ. Một trong số họ thắc mắc: "Nếu không có cả nhân viên như vậy, chẳng lẽ họ không sợ sẽ có kẻ xấu đột nhập và trộm, đánh cắp, thậm chí là vét sạch cửa hàng đi hay sao".
Ở Nhật Bản cũng có kiểu những siêu thị, cửa hàng thanh toán tự động giống như Trung Quốc mà khách hàng có thể tuỳ chọn hình thức thanh toán (Ảnh Japan Learn)
Vì sao các cửa hàng "không nhân viên" ở Trung Quốc không sợ mất trộm?
Không chỉ ở cửa hàng tiện lợi lần này mà nhóm 4 du khách Việt gặp, mà hiện nay tại các thành phố lớn của Trung Quốc, đa phần những cửa hàng tiện lợi đều sử dụng các loại máy thông minh để khách hàng tự động thanh toán, và đều không có nhân viên. Băn khoăn chung của các du khách khi lần đầu tới những cửa hàng này cũng giống như nhóm du khách Việt: "Liệu họ không sợ trộm hay sao?". Câu trả lời là không, bởi từ trong đến ngoài cửa hàng đều có sự giám sát từ xa của hệ thống camera an ninh dày đặc.
Tờ BBC thông tin rằng, Trung Quốc đã và đang xây dựng hệ thống camera giám sát lớn và phức tạp nhất thế giới. Báo cáo của TelecomDaily cho thấy, tính đến cuối năm ngoái năm 2023, dọc khắp lãnh thổ của quốc gia tỷ dân đã có tới hơn 200 triệu thiết bị camera. Con số này cao gấp 4 lần so với Mỹ - đất nước đang đứng thứ 2 về hệ thống giám sát với 50 triệu camera.
Các camera được lắp đặt ở mọi vị trí từ những con phố lớn hay những con ngõ, hẻm nhỏ. Mục đích chính của chúng là giám sát tình trạng giao thông, quản lý trật tự an ninh xã hội. Hiện nay, thành phố có số lượng camera giám sát nhiều nhất ở Trung Quốc là thành phố Thái Nguyên, thuộc tỉnh Sơn Tây. Cứ 1000 cư dân sẽ có 120 camera giám sát.
Chính quyền các thành phố lớn Trung Quốc cho hay, việc lắp đặt hệ thống camera dày đặc tại mọi nơi trên đất nước của họ giúp bảo vệ an toàn tài sản, giám sát và ngăn chặn tội phạm kịp thời. Từ đó suy trì trật tự, cùng với luật giao thông cơ bản, hỗ trợ thực thi pháp luật trong trường hợp cần thiết.
Không chỉ dày đặc, hệ thống camera ở Trung Quốc còn được trang bị những tính năng hiện đại bậc nhất. Có thể kể tới như nhận diện khuôn mặt, kết hợp trí tuệ nhân tạo (AI) hay thậm phí là phân tích, nhận dạng theo màu sắc da tại thời gian thực...
Nói về hệ thống giám sát tại nước mình, mọi người Trung Quốc đều cảm thấy đây là một việc làm đúng đắn, giúp bảo vệ cuộc sống của họ tốt hơn. Ví dụ như tại Trùng Khánh, thành phố được mệnh danh là được giám sát chặt chẽ nhất thế giới, một người tài xế taxi chia sẻ: "Chúng mang lại cảm giác an toàn, vì thế sẽ có ít tội phạm hơn". Một người khác đồng tình nói thêm: "Mạng lưới camera giúp ngăn chặn việc vi phạm giao thông, từ đó ngăn chặn tai nạn và có thể giúp những người tài xế như chúng tôi tránh khỏi những vị khách ngang ngược hay có hành vi xấu".
Đến nay, có thể thấy hệ thống camera giám sát dày đặc đã trở thành một thứ không thể thiếu trong cuộc sống của người dân tại Trung Quốc. Nhiều người còn gọi vui rằng, đó chính là "con mắt bảo vệ quốc gia".