Câu chuyện dở khóc dở cười này xảy ra tại một quán bún chả khá nổi tiếng ở Hà Nội vào trưa ngày 16/6 và được khách hàng đưa lên mạng xã hội. Khi bị khách hàng phàn nàn về chất lượng miếng chả, nhân viên quán đã đưa ra một câu trả lời không thể bá đạo hơn.
Cụ thể, khi nhân viên đem 6 suất bún chả ra, thực khách ngay lập tức nhận thấy các miếng chả băm nướng trong bát của mình trắng nhởn - không có màu sắc cháy vàng của chả nướng.
Thậm chí cắn thử thì thấy miếng chả rất mềm, không có mùi thơm đặc trưng và không đạt đủ độ khô như khi được nướng đủ thời gian.
Do đó, họ đã gọi nhân viên ra để phàn nàn, nhưng vượt xa cả tượng tượng, cô nhân viên nữ đã giải thích tỉnh bơ: "Do miếng chả anh chị cho vào nước chấm thì màu sẽ bị bợt đi".
Quá ngạc nhiên vì cách giải thích vô lí và không hề thiện chí này, khách đã phải cao giọng đòi gặp chủ quan thì khi đó, cô nhân viên mới vùng vằng bảo họ gắp các miếng chả băm ra đĩa để đi đổi cho chả mới.
5 phút sau, một đĩa chả nướng cháy vàng được đưa vào. Mà khi để cạnh để so sánh với nhau, thì cái sự "nướng ẩu" và sự vô lí của lời giải thích lại càng không chối cãi được.
Miếng chả bên trái ảnh đã được cô nhân viên giải thích là do "thả vào nước chấm nên bị bợt".
Cận cảnh miếng chả có màu trắng nhởn so với những miếng khác.
Điều này đã khiến nhóm thực khách đưa ra quyết định, từ nay sẽ không bao giờ bước chân đến quán này nữa dù đây là quán bún chả hiện đang rất nổi tiếng ở Hà Nội. Và dù trước đó họ cũng đã từng đi ăn ở chỗ này nhiều lần.
Ở đây, khoan nói đến chất lượng bữa ăn cũng chưa bàn chuyện món ngon hay không ngon mà chính cách xử lý khó hiểu của nhân viên khi tiếp nhận phản ánh của thực khách mới là điều đáng bàn.
Cũng là một câu nói nhưng nếu người nhân viên khéo léo đưa ra lời xin lỗi và không giải thích một cách kì cục, vô lý theo kiểu nói cho có như vậy thì có lẽ mọi chuyện đã đi theo một hướng khác.
Thực tế, việc để mất khách kiểu này cũng là điều xảy ra như cơm bữa với các hàng quán nổi tiếng ở Việt Nam, khi mà họ vẫn giữ cách thức kinh doanh kiểu cũ - không để tâm tới cảm giác của khách hàng.
Nói khách khác, quán bún chả mà chúng tôi đề cập ở trên đang đi vào lối mòn của một công thức xấu trong kinh doanh: Nổi tiếng - Đông khách - Nảy sinh tâm lý: phục vụ kiểu nào cũng có khách -
Cuối cùng là họ tiếp đón với một thái độ không còn hết mình vì khách như thời điểm đầu, khi mà họ đang còn cần "được đông". Đó là còn chưa kể đến, ngay cả việc chế biến món ăn cũng không còn được chú trọng kĩ càng để có chất lượng đồng đều, ổn định.
Dường như, sự nổi tiếng khiến họ quên mất mình đang làm dịch vụ, luôn phải coi khách hàng là thượng đế, vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi chứ không phải cứ tìm cách né tránh hay trả lời cho xong ngay cả khi biết rõ mình mắc lỗi.