Nền ẩm thực đa dạng và phong phú là một trong những yếu tố giúp thu hút đông đảo du khách nước ngoài đến với Việt Nam. Tại mỗi tỉnh thành, địa phương hay vùng miền lại có nhiều món đặc sản khác nhau. Trong vô vàn những món đặc sản như thế, có những món chính người Việt hay những vị khách nước ngoài đã ở Việt Nam lâu năm phải thừa nhận, họ chưa hề nghe đến tên trước đây và rất bất ngờ bởi hương vị của nó.
Món đặc sản sau đây là một ví dụ như thế. Nó được Max McFarlin - chàng du khách đã du lịch 3 năm ở Việt Nam, nhắc đến trong một video của mình trong chuyến thăm về "đất mũi" Cà Mau. Đó là món bánh tầm cay.
Món đặc sản miền Tây với hương vị đặc biệt
Trong video của mình, Max gọi bánh tầm cay là một món mì. Bởi xét về phần hình thức, thành phần chính của món ăn này bao gồm những sợi bột gạo to, mập, trắng. Thực tế, những người bản địa gọi đây là những sợi bánh. Cũng bởi những đặc điểm về ngoại hình mà người dân gọi đây là món bánh tầm hay bánh tằm bởi trông những sợi bánh như những con tằm.
Dù chỉ là một món bình dân, giá rẻ, song những công đoạn để làm nên một phần bánh tầm cay không hề đơn giản và hoàn toàn thủ công. Song chính cách làm thủ công mới đem lại được hương vị dẻo thơm chuẩn nhất của từng sợi bánh tằm.
Theo chia sẻ của những người bán hàng, bước đầu tiên cần thực hiện đó là chọn loại gạo ngon để tạo nên bánh tầm. Gạo sẽ được ngâm qua đêm rồi hôm sau xay thành bột sao cho cho ra thành quả là bột gạo mịn. Bột gạo tiếp tục được đem đi hoà với nước rồi đun trên bếp với lửa liu riu để phục vụ cho công đoạn se sợi.
Một lớp bột khô sẽ được rắc lên chiếc mâm lớn, hoặc mặt phẳng lớn chống dính. Những người đàn ông có bàn tay khoẻ sẽ dùng dùng tay để tách bột thành từng gợi to bằng khoảng nửa ngón tay út. Vậy là đã hoàn thành các bước làm ra bánh tầm. Để món ăn được hoàn chỉnh, người đầu bếp sẽ thêm vào các gia vị, đồ ăn ăn kèm như xíu mại, thịt nướng, thịt gà, rau thơm, hành, giá đỗ,...
Chữ "cay" trong tên gọi "bánh tầm cay" đã thể hiện hương vị của nó. Bên cạnh bánh tầm cay, ẩm thực "đất mũi" Cà Mau còn có những món đặc sản khác từ bánh tầm như bánh tầm bì, bánh tầm ngọt hay bánh tầm xíu mại. Song phiên bản với hương vị cay cay vẫn được ưa chuộng hơn cả. Để tạo nên hương vị này, người ta thường làm nước sốt từ các nguyên liệu như đinh hương, đại hồi, bột nghệ, quế chi, hạt mùi khô, ớt khô. Tất cả được đem rang thơm rồi nghiền thật mịn rồi đun với chút nước trong chiếc nồi lớn, trên bếp lửa.
Nhiều người bản địa cho biết, vị cay của nước sốt hoà với vị ngọt, béo bùi của thịt ăn kèm, kết hợp với sợi bánh tầm dẻo, thơm và các loại đồ ăn ăn kèm, tạo nên một tổng thể hoàn hảo. Nó thể hiện cái hồn của ẩm thực đất mũi Cà Mau nói riêng hay miền Tây nói chung.
Thưởng thức bánh tầm cay lần đầu tiên, Max McFarlin không giấu được sự thích thú với hương vị của món ăn. Anh chàng có vẻ thích tất cả các thành phần của món ăn, từ phần bánh tầm, nước sốt, thịt cho đến đồ ăn kèm. "2 năm rưỡi, 3 năm ở Việt Nam, đây là lần đầu tiên mình nghe tên và thấy món ăn này. Thịt béo, đậm và ngậy. Sợi bánh thì không hẳn như sợi mì, ăn như bánh canh mà cũng dai dai như mì gạo. Thịt gà thì đúng ý mình luôn. Đồ ăn kèm và nước sốt cũng rất ngon", Max nhận xét.
Những món đặc sản bình dân của đất mũi Cà Mau
Không chỉ có bánh tầm với nhiều phiên khác nhau, mảnh đất mũi Cà Mau còn sở hữu nền ẩm thực vô cùng đa dạng và phong phú với nhiều món ăn bình dân, dân dã song lại mang hương vị thơm ngon khác nữa.
Đầu tiên chắc chắn phải kể tới là mắm Cà Mau - một trong những nét ẩm thực đặc trưng "không lẫn đi đâu được" của vùng đất mũi. Mắm được được làm từ các loại cá biển hoặc tôm tươi ngon, ướp với muối và lên men tự nhiên. Qua thời gian, mắm sẽ có hương vị đậm đà, thấm đượm nét văn hoá ẩm thực của người dân nơi đây. Mắm có thể dùng để chấm trực tiếp hoặc làm gia vị cho nhiều món ăn khác, mang lại hương vị khó quên. Mắm Cà Mau cũng thường được nhiều du khách lựa chọn làm quà mang về cho bạn bè và người thân sau chuyến du lịch.
Bánh xèo mực nhồi thịt cũng là cái tên không thể bỏ lỡ khi đến với đất mũi, được cả người dân bản địa và du khách yêu thích. Món ăn là sự kết hợp tinh tế giữa hải sản và thịt heo. Mực được làm sạch, nhồi với hỗn hợp thịt và gia vị rồi đem đi chiên giòn. Khi ăn, vị ngọt của mực và vị đậm đà của thịt hòa quyện, cùng với lớp vỏ bánh xèo giòn rụm, tạo nên trải nghiệm ẩm thực độc đáo.
Thứ 3 là món cua đồng rang me - một món ăn dân giã nhưng chứa đựng hương vị chua chua, ngọt ngọt, mặn mặn, kích thích vị giác. Cua đồng sau khi được làm sạch, sẽ được rang cùng với me và các loại gia vị khác. Các nguyên liệu hoà với nhau từ đó tạo nên sự cân bằng hương vị. Không chỉ ngon miệng, món ăn này còn được đánh giá là giàu chất dinh dưỡng, tốt cho sức khoẻ.
Bánh xèo và cua đồng rang me cũng là những món ngon của ẩm thực Cà Mau (Ảnh Bách hoá Xanh)
Tất cả những món ăn kể trên đều là món ăn bình dân tại Cà Mau. Du khách không cần vào nhà hàng sang trọng mà chỉ cần tìm và thưởng thức ở những sạp hàng, xe đẩy nhỏ ven đường.