Ẩm thực Việt luôn là một nét thú vị, thu hút đối với du khách, đặc biệt là với du khách nước ngoài. Bởi lẽ, có những món ở Việt Nam mà không nơi nào trên thế giới có thể chế biến giống được. Chúng mang hương vị và nét bản sắc rất riêng biệt, chỉ có thể đạt vị ngon nhất dưới bàn tay của đầu bếp người Việt.
Brandon Hurley hay còn có tên tiếng Việt là Phúc, chủ các trang mạng xã hội với cái tên Phúc Mập Vlog, là một người Mỹ đã sinh sống và làm việc ở Việt Nam được 8 năm. Trong suốt khoảng thời gian ấy, anh đã đi những vùng đất dọc dải đất hình chữ S và nếm thử hàng loạt những món ăn Việt.
Chàng vlogger người Mỹ đã sinh sống, làm việc ở Việt Nam được 8 năm và lấy tên tiếng Việt là Phúc. (Ảnh FB Phúc Mập Vlog)
Anh chàng từng xuất hiện trên nhiều chương trình truyền hình cùng các nghệ sỹ Việt nổi tiếng. (Ảnh FB Phúc Mập Vlog)
Trong một video được đăng tải trên Tiktok của mình, dựa trên trải nghiệm cá nhân, chàng trai Mỹ đã đưa ra danh sách 6 món ăn Việt nhất định phải thử. Danh sách bao gồm cả những món quen thuộc và cả những món không phải ai cũng có thể ăn được. Nó bao gồm: Cơm tấm, mắm tôm, bánh cuốn, đuông dừa sống, bánh căn và bún bò Huế.
1. CƠM TẤM
Cơm tấm là món ăn được chàng vlogger người Mỹ kể tên đầu tiên trong video của mình. Món ăn này hay còn được gọi với những cái tên gọi khác như cơm sườn hay cơm tấm sườn. Cái tên tấm xuất phát từ nguyên liệu tạo ra cơm. Không phải gạo thuông thường, nó là gạo tấm - những mảnh vụn bị vỡ của gạo trong quá trình sản xuất hoặc vận chuyển.
Khi kết thúc một chu trình sản xuất gạo, người ta sẽ cho vào máy hoặc dùng phương pháp thủ công để tách những hạt gạo tấm ra riêng, rồi phân loại theo kích thước để sử dụng vào những mục đích khác nhau.
Cơm tấm là món ăn được chàng vlogger người Mỹ nhắc tới đầu tiên trong video của mình. (Ảnh Tiktok Phúc Mập Vlog)
Chính bởi nguyên liệu làm nên vô cùng đặc biệt nên gạo tấm hay cơm tấm khó tìm được ở các quốc gia khác, ngoài các quốc gia ở Đông Nam Á như Việt Nam hay Thái Lan.
Ban đầu, cơm tấm là một món ăn phổ biến với những người nông dân, công nhân tại vùng đồng bằng sông Cửu Long bởi chi phí làm nên món ăn này thấp hơn so với cơm bằng gạo thông thường. Sau này, cơm tấm dần trở thành món ăn phổ biến ở hầu khắp các tỉnh Nam Bộ, nổi tiếng nhất có cơm tấm Sài Gòn.
Một đĩa cơm tấm truyền thống thường có thành phần nguyên liệu bao gồm cơm, nước mắm, mỡ hành, các món mặn như sườn heo được tẩm ướp gia vị chua ngọt rồi đem nướng, chả, trứng ốp la và bì - hỗn hợp thịt heo, da heo cắt sợi rồi trộn với thính và gia vị.
Một đĩa cơm tấm với các nguyên liệu cơ bản là cơm, sườn, trứng ốp, chả, bì... (Ảnh minh họa)
2. MẮM TÔM
Mắm tôm là loại mắm được làm chủ yếu từ tôm hoặc moi, cùng muối ăn, qua quá trình lên men để có được mùi vị và màu tím đặc trưng. Nó thường có 3 dạng là đặc, sệt và lỏng. Có được sự khác nhau giữa các dạng là ở tỉ lệ muối và quá trình phơi nắng mắm tôm.
Ở Việt Nam, mắm tôm có mặt trong nhiều món ăn dân dã, đặc biệt là ở Bắc Bộ. Nổi tiếng nhất có thể kể tới bún đậu mắm tôm, chả cá Lã Vọng, cà pháo dầm mắm tôm hay dùng trong nộm rau muống... Khi ăn, người ta thường pha thêm giấm, đường, nước cốt chanh, hay ớt, rồi quậy cho đến khi mắm tôm dậy mùi, sủi bọt. Việc làm này cũng giúp vị của mắm tôm bớt "gắt".
Mắm tôm nổi tiếng đi cùng với món bún đậu mắm tôm của người miền Bắc. (Ảnh minh họa)
Là một loại gia vị được sử dụng trong các món ăn ở nhiều nước Đông Nam Á hay miền Nam Trung Quốc, song không phải ai cũng ăn được mắm tôm, kể cả người Việt Nam. Trong một video khác cũng được đăng tải trên trang cá nhân, Phúc Mập chia sẻ, dù đã cố gắng thử rất nhiều lần nhưng anh vẫn không thể ăn được mắm tôm.
Song, cũng có những du khách nước ngoài khác rất yêu thích mắm tôm. Ví dụ như Max McFarlin, một blogger nổi tiếng người Mỹ khác. Trong một video của mình, anh chàng không ngại ngần thử tất cả các món bún, nem rán, đậu hũ và đều chấm với mắm tôm. "Sự kết hợp giữa vị của mắm tôm cùng bún rất ngon. Nó ngọt ngọt, mặn mặn, thơm mùi mắm đặc trưng và có chút béo ngậy của dầu ăn."
Max McFarlin một blogger nổi tiếng người Mỹ khác cho biết anh rất thích ăn mắm tôm. (Ảnh Youtube Max McFarlin)
3. BÁNH CUỐN
Bánh cuốn là một món ăn được làm từ bột gạo hấp tráng mỏng, cuộn tròn, nhân bên trong có rau hoặc thịt. Tùy theo vùng miền mà người Việt còn có những cái tên khác nhau dành cho bánh cuốn, như bánh mướt hay bánh ướt (chỉ bánh không có nhân).
Gạo làm nên bánh cuốn thường là gạo cũ, được xay mịn, hòa với nước. Sau đó, người ta sẽ đặt nồi hấp, căng vải mỏng trên miệng nồi, mỗi lần "tráng bánh" thì cho một muôi bột nhỏ, xoa đều trên bề mặt miếng vải để cho ra lớp bánh cuốn mỏng.
Bánh cuốn được làm từ bột, tráng một lớp mỏng rồi thêm nhân thịt vào bên trong. (Ảnh minh họa)
Bánh cuốn thường được ăn kèm với nước mắm tỏi ớt, hạt tiêu, rắc thêm hành khô phi thơm. Ở nhiều nơi, tùy vào sở thích hay khẩu vị của người ăn mà bánh cuốn sẽ kèm thêm cả chả quế hay trứng gà trần. Những địa điểm nổi tiếng với bánh cuốn ở nước ta có thể kể tới như bánh cuốn Thanh Trì, Hà Nội, bánh cuốn Phủ Lý, Hà Nam hay bánh cuốn Lạng Sơn.
4. ĐUÔNG DỪA SỐNG
Ở miền Tây Nam Bộ sông nước Việt Nam, đuông dừa là một món ăn từ lâu đã trở thành đặc sản nức tiếng. Được biết, đuông dừa còn có tên gọi khác là đuông chà là, mọt cọ đỏ, thường sinh sống trong thân cây dừa, hay cây cau, cây chà là, cọ Sago.
Một con đuông dừa thường có hình dạng giống con sâu non, thân mềm nhũn, màu trắng sữa hoặc vàng nhạt. Khi đuông dừa trưởng thành sẽ có kích thước bằng ngón tay trỏ hoặc lớn hơn, chiều dài từ 3 - 5cm.
Đuông dừa sống tắm mắm là một món ăn nổi tiếng của miền Tây Nam Bộ. (Ảnh minh họa)
Người ta quan niệm, trong đuông dừa có chứa nhiều protein và chất bổ dưỡng khác. Chính vì vậy, một loạt món ăn với đuông dừa ra đời và được ưa chuộng. Có thể kể đến như đuông dừa chiên, đuông dừa nướng, đuông dừa luộc hay nấu xôi... Tuy nhiên, nổi tiếng và có phần "kịch tính" nhất khi thưởng thức phải kể tới là đuông dừa chấm mắm ăn sống.
Cách ăn này được đánh giá là giữ lại hàm lượng dinh dưỡng cao nhất của đuông dừa. Thực khách sẽ gắp một con đuông dừa còn đang bò luậy nguậy rồi cho vào miệng, nhai vỡ một cách từ từ để cảm nhận được vị ngọt bùi, béo béo của món ăn này. Một lưu ý nữa khi ăn đuông dừa sống là ngay từ khi bắt đầu, cần ngắt phần đầu chúng vì trong một số trường hợp, đuông dừa sống có thể cắn vào lưỡi người ăn.
Đuông dừa tắm mắm rồi ăn sống là cách ăn "kịch tính" nhất khi ăn đuông dừa. (Ảnh Tiktok Phúc Mập Vlog)
5. BÁNH CĂN
Là một loại bánh phổ biến của Ninh Thuận, Bình Thuận, bánh căn sau này được phát triển và trở nên phổ biến hơn ở vùng Nam Trung Bộ, đặc biệt ở các tỉnh Khánh Hòa, Lâm Đồng và Bình Thuận.
Bánh căn cũng có hình tròn, nhỏ bằng lòng bàn tay giống bánh khọt, tuy nhiên cách làm ra hoàn toàn khác. Thay vì sử dụng bột gạo chiên như bánh khọt, người thợ làm bánh căn sử dụng loại bột gạo nướng. Sau đó, cho bột vào các khuôn làm bằng đất nung, trên khuôn có nhiều lỗ tròn. Ở giữa bánh có thể quét mỡ hành hoặc đổ trứng.
Ăn kèm với bánh căn sẽ là các loại xoài xanh, khế chua, dưa leo thái sợi, cùng nước mắm tỏi ớt pha loãng.
Bánh căn thường được ăn cùng xoài, khế hoặc dưa leo thái sợi. (Ảnh minh họa)
6. BÚN BÒ HUẾ
Món bún bò thường đi liền với tên địa danh Huế bởi Huế được coi là quê hương của nó. Tuy nhiên hiện tại, bún bò Huế không chỉ có ở Huế mà phổ biến trên mọi tỉnh thành dọc miền đất nước Việt Nam.
Nguyên liệu chính trong món ăn gồm có bún sợi to, thịt bắp bò, giò heo cùng nước dùng có màu đỏ đặc trưng và vị sả, ruốc. Ở một số nơi, tùy vào khẩu vị mà người ta cũng cho thêm chả cua, móng giò cùng các loại rau, giá hay bắp chuối cắt nhỏ.
Không chỉ được người Việt yêu thích, bún bò Huế cũng từng nhiều lần được vinh danh trên bản đồ ẩm thực thế giới. Có thể kể tới như lần trong chương trình Khám phá ẩm thực phát trên kênh truyền hình CNN, đầu bếp nổi tiếng người Mỹ Anthony Bourdain đã thốt lên: "Bún bò Huế là món 'súp' ngon nhất thế giới mà tôi từng thưởng thức"; hay tờ SCMP của Hong Kong (Trung Quốc) từng đưa bún bò Huế vào danh sách những món ăn sáng ngon nhất châu Á.
Bún bò Huế từng nhiều lần được vinh danh trên bản đồ ẩm thực thế giới. (Ảnh minh họa)
Có thể thấy, nền ẩm thực đa dạng và phong phú của Việt Nam đang trở thành một trong những yếu tố thu hút du khách hàng đầu tới với dải đất hình chữ S. Không chỉ mang lại sự ngon miệng, dinh dưỡng, mà mỗi món ăn lại mang bên trong giá trị văn hóa đặc sắc của người Việt nói riêng và người Á Đông nói chung.