Du khách này phản ánh với báo Thanh niên, ông rời khách sạn trên đường Tôn Đức Thắng (gần đường Nguyễn Huệ, thuộc phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM) vào khoảng 6 giờ sáng 3/8. Khi đó, một người đàn ông lái xích lô đi xe theo, nói vài câu trao đổi bằng tiếng Anh, rồi tới gần chợ Bến Thành thì lái xích lô muốn chở cụ về khách sạn. Quãng đường đi chỉ chừng 5 phút.
Theo lời kể của du khách Nhật này với tờ Thanh niên, do cảm kích trước lòng tốt của lái xe xích lô nên ông định khi tới nơi sẽ đưa 500 ngàn đồng cảm ơn. Song, khi lái xe dừng ở vị trí gần khách sạn, cụ rút tờ 500 ngàn đồng đưa thì lái xích lô muốn đòi thêm tiền.
Cụ ông thuật lại với nguồn trên, khi bị đòi thêm, cụ đồng ý song chưa kịp rút tiền thì "người chạy xích lô thò tay vào bóp lấy hết 5 tờ 500.000 và 2 tờ 200.000 rồi bỏ đi".
Đáng nói, theo tờ Thanh niên, trước sự việc này, nam du khách Nhật vẫn nhận lỗi về mình vì "không hỏi giá trước khi lên xe".
Sáng nay, 5/8, Đại tá Lê Hoàng Châu, Trưởng Công an Quận 1 thông tin trên VTC News, đơn vị đã chỉ đạo lực lượng điều tra làm rõ theo phản ánh của du khách Nhật Bản.
Đại tá Châu cho hay: "Công an chưa nhận được đơn trình báo của nạn nhận, mới nắm bắt được thông tin từ báo chí nhưng công an quận đã chỉ đạo Công an phường Bến Nghé vào cuộc điều tra, xác định vụ việc. Hiện Công an phường Bến Nghé đang liên hệ mời nạn nhân, và người lái xe xích lô đến làm việc".
Liên quan vụ việc, bà Nguyễn Thị Khánh, PCT Hiệp hội Du lịch TPHCM khi trao đổi trên Dân trí nói đã nắm được thông tin, đồng thời bày tỏ đây là sự việc xấu xí, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới hình ảnh điểm đến Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Bà nói bản thân và các đơn vị hoạt động trong ngành du lịch cũng đang rất bức xúc.
Cũng theo Dân trí, PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch bày tỏ, mỗi lần tiếp nhận tin du khách nước ngoài bị chặt chém, chèo kéo ở trong nước, ông thấy rất xấu hổ và buồn.
Theo ông, việc lái xích lô lấy của khách 2,9 triệu đồng cần bị xử lý nghiêm.
"Những người bán hàng thường lợi dụng tâm lý chủ quan, ngại hỏi giá trước của khách để tính thêm tiền, thổi giá sản phẩm cao gấp nhiều lần so với thực tế. Trong đó, những vị khách ngoại quốc thường là đối tượng dễ bị “chặt chém” nhiều nhất.
Đây thực sự là những câu chuyện buồn không chỉ với khách nước ngoài mà với cả phần lớn người dân Việt Nam, những người luôn mong muốn và hy vọng hình ảnh đất nước trở nên đẹp đẽ, ấn tượng trong mắt bạn bè thế giới", Dân trí dẫn lời ông Lương.
(Tổng hợp)