Báo Tuổi trẻ đưa tin, nam hành khách Masena Bokang Jon (sinh năm 1986, quốc tịch Zimbabwe) đã được xuất cảnh rời khỏi Việt Nam.
Cụ thể, vào 18h20 chiều 20/11, Công an cửa khẩu Tân Sơn Nhất đã phối hợp Cục Xuất nhập cảnh, Cảng vụ hàng không miền Nam, Hãng hàng không Turkish Airlines đưa hành khách Masena Bokang Jon rời sân bay Tân Sơn Nhất trên chuyến bay số hiệu TK 168 đi Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước đó, hành khách Masena Bokang Jon (tên tự khai) đi chuyến bay từ Jakarta, Indonesia đến Tân Sơn Nhất và nhập cảnh vào Việt Nam ngày 18/8/2018.
Đến ngày 2/9, hành khách này xuất cảnh Việt Nam và đi chuyển bay số hiệu FD651/XJ610 của Hãng hàng không AirAsia từ Tân Sơn Nhất đi Bangkok, Thái Lan và Osaka, Nhật Bản.
Khi đến Nhật Bản, cơ quan xuất nhập cảnh ở sân ban Kansai, Osaka phát hiện khách dùng hộ chiếu giả và đã tịch thu.
Đến ngày 26/9, hành khách này bị cơ quan chức năng Nhật Bản trả về điểm xuất phát là Tân Sơn Nhất theo hành trình ngược lại với hành trình khách đã đến Osaka.
Ngày 27/9, hành khách Masena Bokang Jon về đến Tân Sơn Nhất và bị từ chối nhập cảnh do không có hộ chiếu và giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế.
Do đó, hành khách Masena Bokang Jon được Cảng hàng không Tân Sơn Nhất quản lý, giám sát, từ 27/9 đến ngày 20/11.
Cửa khẩu Tân Sơn Nhất. Ảnh: VOV
Theo thông tin trên báo VnExpress, nam thanh niên này ở tại phòng từ chối nhập cảnh của sân bay Tân Sơn Nhất, chi phí quản lý và ăn uống trong gần 2 tháng qua do hãng AirAsia chi trả.
Báo trên cũng ghi nhận thông tin từ cơ quan chức năng cho hay, Masena Bokang Jon đã dùng hộ chiếu giả đi trót lọt một số chuyến bay quốc tế tại Cộng hòa Nam Phi, Nigeria, Zimbabwe, Indonesia, Việt Nam.
Cơ quan đại diện ngoại giao của Vương quốc Lesotho tại Malaysia xác nhận số hộ chiếu RC049700 mà Masena Bokang Jon đang dùng đã được cấp cho một nữ công dân khác.
Bên cạnh đó, theo ghi nhận của báo VOV, hành khách Masena Bokang Jon đã lưu trú tại phòng từ chối nhập cảnh trong thời gian dài với tình trạng không tắm giặt gây mùi hôi khó chịu và mất vệ sinh chung.
Ngày 30/10, hành khách trên được đưa đi cấp cứu trong tình trạng bị co giật và sùi bọt mép. Khi quay lại phòng từ chối nhập cảnh, hành khách chỉ uống nước và sữa, không ăn bất cứ gì.
Từ ngày 4/11, hành khách Masenna Bokang Jon nằm trên giường không đi lại. Đến ngày 6/11/2018, hành khách bắt đầu không ăn uống.
Bộ phận Y tế sân bay đã nhiều lần hỗ trợ hành khách do sức khoẻ suy giảm, đi lại không vững, có tiền sử bệnh ung thư và thường nhịn đói. Hãng hàng không chỉ phục vụ bánh mì, hành khách không chịu ăn và không còn tiền để mua đồ ăn khác, có biểu hiện suy nghĩ rất tiêu cực…
Theo một số chuyên gia hàng không trao đổi trên báo VnExpress, vụ việc hành khách Zimbabwe ở lại sân bay Tân Sơn Nhất gần 2 tháng là khá hy hữu.
Thông thường hành khách xuất ngoại bị trả lại về đất nước mình lưu trú ngay khi dùng hộ chiếu giả bay đến nước khác, song vị khách này đã bay trót lọt qua nhiều nước và phải tá túc tại Việt Nam trong nhiều ngày để xác minh nhân thân.
Tổng hợp