Máy bay chiến đấu Sukhoi của Nga là một trong những thương hiệu chiến đấu cơ đáng gờm nhất trên thế giới. Thế nhưng, Thụy Điển đã cho ra đời một mẫu máy bay nội địa được mệnh danh "Sát thủ diệt máy bay Nga".
Không quân Thụy Điển cho biết, Gripen E – mẫu tiêm kích do tập đoàn Saab phát triển – được thiết kế để tiêu diệt các máy bay đáng gờm của Sukhoi và chúng đã có "đai đen" trong loại hình chiến đấu này.
Trong khi đó, biên chế không quân Trung Quốc hiện nay chủ yếu là các máy bay chiến đấu Sukhoi mua từ Nga và các mẫu sao chép từ thiết kế của Nga hoặc Mỹ.
Máy bay chiến đấu Gripen E của Thụy Điển. Ảnh: Saab
Các tiêm kích Sukhoi của Nga đã đạt tới một vị thế có thể gọi là "lẫy lừng" nhờ khả năng cơ động vượt trội so với các máy bay chiến đấu của Mỹ trong không chiến, và đã thực hiện không ít các pha nguy hiểm trên không. Song, theo tờ EurAsian Times, Gripen E có thể phá vỡ ưu thế này của máy bay Nga.
Justin Bronk, một chuyên gia tại Viện Royal United Services, từng nêu nhận định trên tờ Business Insider: Nếu như cường kích A-10 của Mỹ được thiết kế tập trung vào hỏa lực mạnh mẽ, thì công tác chế tạo Gripen tập trung vào tác chiến điện tử.
Theo ông Bronk, hầu hết tất cả các loại máy bay hiện đại đều có khả năng tác chiến điện tử ở một mức độ nào đó, nhưng Gripen E vượt lên trên tất cả. Trong một bài thử nghiệm bay, Gripen E đã có thể "gây nhiễu" các chiến đấu cơ Typhoon của Đức.
Trong khi Mỹ chi hàng triệu USD vào công nghệ tàng hình để vượt mặt các máy bay Sukhoi của Nga thì Thụy Điển lại có một cách tiếp cận hoàn toàn khác.
Ông Bronk cho rằng, Saab có một cách tiếp cận khác biệt và tiết kiệm chi phí hơn để đối phó với các máy bay Sukhoi thông qua năng lực tấn công điện tử. Điều này mang lại cho họ nhiều lợi thế hơn khả năng tàng hình, do có thể cải tiến phần mềm mà không cần xây dựng lại.
Rafale là lựa chọn sai lầm của Ấn Độ. Ảnh: Forbes
Phiên bản Gripen E đã được Thụy Điển và Brazil đặt hàng. Trong khi đó, các phiên bản khác của Gripen đã được xuất khẩu sang Hungary, Cộng hòa Czech, Nam Phi và Thái Lan. Tuy nhiên, Ấn Độ đã từ chối Gripen để mua mẫu Rafale của Pháp.
Mẫu Rafale của tập đoàn Dassault không phải là lựa chọn duy nhất dành cho Ấn Độ, bởi có rất nhiều công ty trên toàn cầu tham gia vào gói thầu máy bay chiến đấu đa nhiệm hạng trung.
6 nhà sản xuất máy bay danh tiếng đã cạnh tranh để giành hợp đồng cung cấp 126 chiến đấu cơ cho Ấn Độ, bao gồm mẫu F-16 (Lockheed Martin), F/A-18 (Boeing), Eurofighter Typhoon (châu Âu), MiG-35 (Nga), Gripen (Thụy Điển) và Rafale (Pháp).
Mặc dù được quảng bá về những năng lực "đáng kinh ngạc" và được Ấn Độ lựa chọn sau quá trình đấu thầu và kiểm tra quy mô nhưng theo tờ EurAsian Times, các máy bay Pháp không được nhiều khách hàng ưa chuộng. Ngoài Pháp và Ấn Độ, chỉ có Qatar và Ai Cập đang vận hành Rafale nhưng với số lượng rất hạn chế.
Các nhà phân tích tin rằng yếu tố cản trở sự thành công của Rafale trên thị trường quốc tế là do nó có mức giá cao, cùng với khung máy bay quá nhẹ và không được chuyên biệt hóa.
Mặc dù truyền thông Ấn Độ tỏ ra rất hân hoan và dùng những lời lẽ có cánh khi nước này tiếp nhận 5 chiếc Rafale đầu tiên nhưng vẫn có nhiều ý kiến đánh giá đây là lựa chọn sai lầm của Ấn Độ.
"Nếu Rafale tốt đến như vậy, tại sao Oman, Hàn Quốc, Singapore, Libya, Kuwait, Canada, Brazil, Bỉ, UAE, Thụy Sĩ và Malaysia lại từ chối mua nó? Ngoài Ấn Độ, chỉ có Qatar và Ai Cập là khách hàng [của Rafale]" – Ashok Swain, Giáo sư Nghiên cứu Hòa bình và Xung đột, Chủ tịch tập đoàn nước quốc tế UNESCO nêu quan điểm.