Khắc phục chứng lạnh, tê tay chân

Lương y Đình Thuấn |

Lạnh chân tay rất hay gặp, nhất là ở người cao tuổi trong những ngày giá rét. Theo y học cổ truyền, nguyên nhân chủ yếu là do tâm dương và thận dương suy giảm gây ra chứng lạnh chân, tay (dương hư ngoại hàn).

Khi chân, tay lạnh thường kèm theo các triệu chứng như tê bì chân tay hoặc đau nhức bàn chân, bàn tay và các ngón, đi lại, sinh hoạt khó khăn, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Khắc phục chứng lạnh, tê tay chân - Ảnh 1.

Phụ tử chế là vị trong bài thuốc uống trị chứng lạnh, tê tay chân.

Để khắc phục tình trạng này, cần chú ý ăn uống đủ dinh dưỡng và năng lượng, mặc ấm. Hằng ngày, nên ngâm chân tay bằng nước gừng, xoa day huyệt...

Ngâm chân tay với nước gừng: gừng tươi 50g hoặc gừng khô 20g thái mỏng, đun sôi với 2 lít nước trong 20 phút. Đổ cả bã và nước sắc ra chậu, khi nước còn ấm (khoảng 40 độ) thì ngâm ngập 2 bàn chân hoặc hai bàn tay vào; vừa ngâm vừa lấy các bã gừng xát đều lên da chân hoặc tay, sau đó lau khô thật nhanh chân tay, ủ ấm. Làm 1 lần vào buổi tối.

Xoa, ấn hoặc cứu các huyệt: Dùng đầu ngón tay cái để day ấn vào các huyệt: huyệt dũng tuyền (chỗ lõm dưới gan bàn chân, giữa 2 mô đệm bàn chân, đoạn 1/3 kể từ đầu ngón chân thứ 2 (cạnh ngón cái) đến gót chân; huyệt túc tam lý (úp lòng bàn tay vào giữa đầu gối, đầu ngón tay giữa chạm vào xương ống chân (xương chày), từ đó đo ra 1 tấc là huyệt); huyệt bát phong: 8 huyệt nằm ở đầu giữa kẽ của các ngón chân.

Nếu lạnh ở tay, có thể cứu ngải thêm các huyệt: lao cung (gấp các ngón tay vào lòng bàn tay, đầu ngón tay giữa chạm vào đường nếp gấp giữa lòng bàn tay thì đó là huyệt); thập tuyên: ở chính giữa 10 đầu ngón tay; hợp cốc: hõm giữa mô của ngón cái và ngón trỏ, phía mu bàn tay, khi căng hai ngón này, chỗ lõm xuống là huyệt.

Khắc phục chứng lạnh, tê tay chân - Ảnh 2.

Day ấn huyệt dũng tuyền và xát mạnh lòng bàn chân khắc phục chứng lạnh tê chân.

Xoa nóng hai bàn tay rồi vuốt với lực vừa phải cả mé trong mé ngoài cẳng chân, từ đầu gối xuống; từ mé trong, mé ngoài cẳng tay, từ khuỷu tay xuống. Bàn tay xát mạnh nhiều lần huyệt dũng tuyền. Ngày 1 - 2 lần vào buổi sáng, tối. Sau khi xoa, ấn, có thể dùng chút cao sao vàng hay bạch hổ cao... bôi xoa vào các huyệt vị nói trên.

Ngoài ra, có thể kết hợp uống bài thuốc: phụ tử (chế), quế nhục mỗi vị 3g; thục địa 16g, sơn thù du 8g; hoài sơn, bạch linh, trạch tả, mẫu đơn bì mỗi vị 6g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần sau bữa ăn 1 giờ. Uống 3 - 4 tuần. Hoặc các vị thuốc tán bột mịn, thêm mật ong làm hoàn, ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 5 - 9g. Lưu ý không dùng cho trẻ em và phụ nữ có thai.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại