Khả năng tàng hình của "bóng ma tử thần" B-2 Spirit bị bóc mẽ

Lê Ngọc |

Những gì đã và đang diễn ra khiến các chuyên gia quân sự đặt nghi vấn về khả năng và hiệu quả tàng hình của “bóng ma tử thần” B-2 Spirit.

Oanh tạc cơ B-2 Spirit

B-2 Spirit do Tập đoàn Northrop Grumman phát triển là máy bay ném bom tàng hình chiến lược đa nhiệm được trang bị công nghệ tàng hình, có thể mang theo các loại bom thường, dẫn đường thông minh và hạt nhân.

B-2 là loại máy bay đắt nhất từng được sản xuất - ước tính chi phí cho mỗi chiếc lên tới 2,13 tỷ USD (tính cả chi phí nghiên cứu) thời giá năm 1997, tương đương 3,62 tỷ USD thời giá năm 2021.

Chi phí vận hành của B-2 cũng đắt nhất trong các loại máy bay quân sự - 130.000 USD cho mỗi giờ bay theo thời giá năm 2020.

Do chi phí quá đắt, số lượng đặt hàng dự tính 135 ban đầu đã giảm xuống còn 75 chiếc vào cuối thập niên 1980. Năm 1992, tổng số B-2 chế tạo bị cắt giảm còn 20 chiếc (sau này tăng lên 21, nhờ tân trang lại một chiếc thử nghiệm).

Cùng với “pháo đài bay” B-52 và B-1 Lancer, B-2 có thể di chuyển với tốc độ cận âm mang lại sự linh hoạt vốn có của những máy bay ném bom có người lái.

Kỹ thuật tàng hình thế hệ 2 giúp loại máy bay này có thể giảm tối đa mức độ bộc lộ trước radar, cho phép nó thâm nhập qua những hàng rào bảo vệ tinh vi của đối phương, tấn công các mục tiêu được bảo vệ kỹ càng.

Tính năng chung: kíp bay 2 thành viên, máy bay dài 20,9 m, sải cánh 52,12 m, trọng lượng không tải 71.700 kg, trọng lượng có tải 152.600 kg, sử dụng 4 động cơ turbo cánh quạt General Electric F118-GE-100, tốc độ tối đa 1.010 km/h tầm bay 10.400 km, trần bay 15.000 m; có thể mang 80 quả bom loại 500 pound (MK 82), 36 quả bom loại 750 pound CBU, 16 thiết bị phóng các loại vũ khí Mk84, JDAM-84, JDAM-102; 16 thiết bị phóng quay gắn vũ khí hạt nhân B61 hay B83. Spirit được trang bị nhà vệ sinh, một lò vi sóng, một vài tủ lạnh để chứa đồ ăn nhẹ, và chỗ ngồi trong buồng lái “cực kỳ thoải mái”.

Tầm hoạt động xa, tính năng tàng hình khiến cho B-2 có khả năng hoạt động tự do hơn ở những độ cao trên 15.000 m, nhờ thế tăng tầm hoạt động và có vùng quan sát tốt hơn cho các cảm biến.

Với Hệ thống hỗ trợ mục tiêu GPS (GATS) cùng với những quả bom hỗ trợ bởi GPS như JDAM, nó có thể sử dụng radar APQ-181 để sửa các lỗi GPS về các mục tiêu và có độ chính xác cao hơn các loại vũ khí điều khiển laser với những quả bom trọng lực “câm” và một hệ thống hỗ trợ dẫn đường GPS “thông minh” gắn ở đuôi. Nó có thể ném bom 16 mục tiêu trong mỗi nhiệm vụ.

Trong chiến tranh Kosovo năm 1999, B-2 là máy bay đầu tiên sử dụng bom JDAM trong chiến tranh. Sau đó, máy bay này đã tham chiến tại Afghanistan và tại Iraq. Sau khi ném bom các mục tiêu tại Afghanistan, máy bay hạ cánh tại Diego Garcia, tái nạp nhiên liệu và thay thế đội bay cho lần xuất kích tiếp theo (trong chiến dịch tại Iraq nó còn phải bay xa hơn).

Theo Northop Grumman, trong các chiến dịch, B-2 đã bay ít hơn 1% tổng số nhiệm vụ, nhưng đã phá hủy 33% mục tiêu trong tám tuần đầu tiên của cuộc xung đột. B-2 cũng đã lập kỷ lục với nhiệm vụ không chiến kéo dài 44 giờ vào năm 2001. Mỹ đã dùng B-2 trong Nội chiến Lybia, cùng NATO ủng hộ lực lượng nổi dậy năm 2011.

“Đồ vô dụng mạ vàng”?

Một trong các nhược điểm của B-2 là lớp vỏ cực kỳ nhạy cảm của nó khiến nó không thể hoạt động trong mọi loại thời tiết - rất dễ hỏng, đặc biệt là do mưa và cũng có thể bị hỏng bởi nhiệt độ và độ ẩm.

Chính vì đi mưa mà một chiếc B-2 đã bị nước thấm qua lớp vỏ và làm ướt các bộ phận điện tử bên trong khiến máy bay hoạt động không chuẩn và bị rơi.

Để đảm bảo tính tàng hình, B-2 bắt buộc phải hoạt động một mình, không được nhận bất kỳ sự hộ tống nào. Nên trong trường hợp bị tiêm kích đối phương phát hiện, B-2 chắc chắn bị bắn hạ vì không có khả năng tự vệ.

Khung nằm ở phần đuôi giữa các động cơ của B-2 bị rạn nứt do hiện tượng mỏi. Dù được thay thế nhưng nó vẫn mỏi nhanh hơn dự kiến gây khó khăn lớn cho việc bão dưỡng máy bay. Thiết bị truyền động điều khiển từ gián tiếp của máy bay gặp trục trặc nghiêm trọng.

Việc làm mát không hiệu quả khiến cho hệ thống trở thành một trong những bộ phận gặp rắc rối nhiều nhất và máy bay không thể thực hiện nhiệm vụ. Không những rất khó sửa chữa nếu bị hư hại, B-2 cần được đại tu mỗi 7 năm một lần với chi phí trung bình khoảng 60 triệu USD/lần, và mỗi lần đại tu phải kéo dài hàng năm.

Lớp sơn tàng hình của máy bay dễ bị hỏng, và chỉ cần một vết xước là máy bay sẽ hiển thị trên radar như một cái vỏ lon khổng lồ đang bay, vì thế nó cần được chăm sóc thường xuyên. Với mỗi giờ bay, B-2 cần 50-60 giờ cho việc sơn lại vỏ. Vì đòi hỏi việc chăm sóc rất kỹ lưỡng nên nó được mệnh danh là “nữ hoàng đỏng đảnh trong xưởng bảo trì”.

Việc bảo trì lớp sơn là công việc nhàm chán và cực nhọc nhất vì không chỉ phải cạo lớp cũ đi mà còn phải làm nhiều công đoạn khác. Ngoài ra còn phải kiểm tra tỉ mỉ máy bay có bất kỳ vết lõm nào không và phải làm nó phẳng như gương trước khi sơn, thời gian cho việc này khá tốn kém.

Sau khi lớp sơn đầu tiên được robot phun, kỹ thuật viên sẽ dùng tay đánh bóng bề mặt để có độ dày cần thiết sau đó công việc lặp lại vài lần nữa. Tờ Atlantic đặt câu hỏi về quyết định sử dụng B-2 của chính phủ Mỹ, khi mỗi chiếc ngốn 44,27 triệu USD mỗi năm cho bảo trì tính, đến năm 2018. Điều đó khiến nó trở thành máy bay đắt nhất cần duy trì trong kho của Không quân Mỹ.

Do chi phí hoạt động quá đắt đỏ nên máy bay cũng không hiệu quả trong việc tham gia các trận không kích chống lại các đối thủ du kích như tại Iraq và Afghanistan. Vì thế nó còn được gọi là “Đồ vô dụng mạ vàng”.

B-2 bị Google Earth “tóm sống”

Sự pha trộn giữa kỹ thuật tàng hình và hình dáng khí động học cũng như khả năng chất tải lớn được cho đã mang lại cho B-2 những ưu thế lớn so với các loại máy bay ném bom trước đó.

Khả năng tàng hình của máy bay này đạt được nhờ sự phối hợp giảm thiểu tín hiệu âm thanh, hồng ngoại, điện từ, quang học và radar, khiến đối phương rất khó phát hiện, theo dõi và tiêu diệt. Nhiều đặc tính tàng hình vẫn được xếp vào hàng tối mật; các vật liệu composite, đặc biệt và các lớp phủ và thiết kế kiểu cánh bay cũng góp phần tăng khả năng tàng hình của nó.

Tuy nhiên, mấy ngày gần đây, trên internet đang rộ tin và ảnh oanh tạc cơ tàng hình B-2 bị Google Earth “tóm sống”. Vào thời điểm đó, phi cơ cơ tàng hình của Mỹ đang di chuyển trên bầu trời Davis Township (tiểu bang Missouri), nơi đặt căn cứ không quân Whiteman của Mỹ.

Bức ảnh do công ty Maxar Technologies chuyên về hình ảnh vệ tinh chụp được.

Hiệu ứng mờ trên thân B-2 không phải do tốc độ của máy bay, và là màu sắc được chọn vào thời điểm chụp ảnh vệ tinh. Sau khi được đăng tải, bức ảnh nhanh chóng thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng với hàng trăm nghìn lượt xem và hàng nghìn bình luận.

Một chiếc B-2 khác cũng bị Google Earth phanh phui vị trí hồi tháng 9, tại căn cứ không quân Whiteman sau khi đáp trật khỏi đường băng, nằm nghiêng trên bãi cỏ

Quân đội Mỹ sau đó xác nhận chiếc phi cơ gặp trục trặc khi bay huấn luyện và phải hạ cánh khẩn cấp xuống Whiteman. Qua sự việc, các chuyên gia quân sự, các nhà phân tích và các cư dân mạng đều đang đặt nghi vấn về khả năng và hiệu quả tàng hình của “bóng ma tử thần” B-2 Spirit.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại