Các nhà khoa học đã đưa ra cảnh báo rằng có 10% khả năng bộ phận tên lửa rơi xuống không kiểm soát có thể ảnh hưởng đến tính mạng ai đó trong vòng một thập kỷ tới.
Nghiên cứu được thực hiện bởi các chuyên gia tại Đại học British Columbia ở Vancouver đã phân tích nguy cơ đối với tính mạng con người khi các vật thể từ tên lửa rơi trở lại bầu khí quyển Trái Đất. Theo quan sát hiện tại, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng nếu một tên lửa phát tán các mảnh vỡ trên diện tích 10 m2, thì có khoảng 1/10 khả năng gây ra thương vong cho một hoặc nhiều người trong 10 năm tới.
Vào tháng 4, chiếc vòng kim loại được cho là thuộc về tên lửa do Trung Quốc phóng vào không gian một năm trước, đã rơi xuống ngôi làng ở Ấn Độ
Dù các lần phóng tên lửa có thể khác nhau, nhưng tên lửa đẩy và các bộ phận khá lớn khác từ tên lửa sẽ rơi trở lại Trái Đất hoặc bị bỏ lại trên quỹ đạo.
Trong hầu hết các trường hợp, các bộ phận của tên lửa bị bỏ sẽ rơi trở lại bầu khí quyển theo cách không được kiểm soát và các mảnh vỡ có thể rơi ở bất cứ đâu trên đường bay của nó.
Sử dụng dữ liệu vệ tinh trong 30 năm qua, nhà nghiên cứu Michael Byers và các đồng nghiệp đã dự đoán rủi ro của mảnh rơi đối với tính mạng con người trong thập kỷ tới.
Một số thành phố có nguy cơ cao: 1, Moscow; 2, Washington, DC; 3, Bắc Kinh; 4, Dhaka; 5, Thành phố Mexico; 6, Lagos; 7, Bogotá; 8, Jakarta
Nhóm nghiên cứu tập trung vào các mảnh tên lửa vẫn còn nguyên vẹn một phần và có nguy cơ gây thương vong trên đất liền, trên biển hoặc trên máy bay. Họ nhận thấy rằng trung bình có 10% khả năng xảy ra một hoặc nhiều thương vong trong thập kỷ tới.
Xem xét dữ liệu trong 3 thập kỷ qua, các nhà nghiên cứu nhận thấy hơn 1.500 bộ phận tên lửa đã quay trở lại Trái Đất sau khi phóng, và khoảng 70% trong số đó đã rơi một cách không kiểm soát.
Chúng ta đang phóng nhiều tên lửa hơn bao giờ hết: Vào năm 2021, có 145 lần phóng thử (10 lần là thất bại), tăng gần 30% so với năm 2020. Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng hơn 60% số lần phóng vào năm 2020 đã bỏ lại bộ phận thân tên lửa và nơi chúng rơi xuống không phải dễ dự đoán.
Theo Cơ quan Vũ trụ Châu Âu, ước tính có khoảng 13.100 vệ tinh đã được phóng lên quỹ đạo kể từ năm 1957, với 8.410 vệ tinh còn lại trong không gian và 5.800 vẫn đang hoạt động.
Tổng khối lượng của tất cả các vật thể trên quỹ đạo tương đương khoảng 9.900 tấn, trong khi các thống kê cho thấy có 130 triệu mảnh vụn có kích thước từ 1mm đến 1cm.
Các nhà nghiên cứu cho rằng mọi quá trình phóng tên lửa phải áp dụng các giải pháp để kiểm soát việc bộ phận rơi trở lại Trái Đất. Họ gợi ý các quốc gia phải phối hợp cùng nhau. Họ kết luận rằng nếu không có các thỏa thuận đa phương đối với bộ phận tên lửa trở lại khí quyển, các quốc gia mạnh về lĩnh vực vũ trụ sẽ tiếp tục tạo ra những rủi ro này.