Bộ Quốc phòng Nga cho hay, trong quá trình thử nghiệm, hệ thống phòng không S-500 Prometheus đã chứng tỏ hiệu quả cao trong việc đánh chặn cả các vũ khí siêu thanh hiện tại và tương lai. Hệ thống này sẽ bắt đầu phục vụ trong quân đội Nga trong năm 2024, điều này giúp cường đáng kể năng lực phòng thủ của Nga.
S-500 Prometheus đại diện cho thành tựu mới nhất trong lĩnh vực hệ thống tên lửa phòng không của Nga. Tổ hợp này có thể hoạt động ở độ cao lên tới 200 km và ở phạm vi lên tới 600 km, giúp chống lại hiệu quả không chỉ các mối đe dọa khí động học mà còn cả các mối đe dọa trong không gian, bao gồm cả các vệ tinh ở quỹ đạo thấp của Trái Đất.
Chuyên gia Nga Dmitry Kornev đánh giá cao khả năng của S-500, nhấn mạnh rằng hệ thống này không chỉ có khả năng đối phó đầu đạn của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa di chuyển với tốc độ siêu thanh mà còn chống lại đầu đạn dẫn đường cũng như các hệ thống tầm ngắn tương tự.
Theo ông, thành công của Prometheus trong việc chống lại các mục tiêu siêu thanh có lẽ đạt được nhờ radar mới và hệ thống máy tính mạnh mẽ. Nó cung cấp khả năng xử lý thông tin từ radar và tạo dữ liệu cho các bệ phóng.
“Thách thức nằm ở việc theo dõi và đánh chặn các mục tiêu có kích thước nhỏ và hình dạng độc đáo, đòi hỏi phải có khả năng radar mạnh mẽ”, ông Kornev giải thích.
Chuyên gia quân sự Nga nói thêm rằng, tên lửa đạn đạo truyền thống có thể được phát hiện từ khoảng cách khoảng 2.000 km, giúp hệ thống phòng không có nhiều thời gian để tính toán quỹ đạo của nó. Tuy nhiên, các mục tiêu siêu thanh không đi theo quỹ đạo đạn đạo cao mà di chuyển dọc theo rìa khí quyển. Phạm vi phát hiện có thể chỉ 300-500 km thay vì 2.000 km như thông thường. Do đó, thời gian phản ứng giảm đi đáng kể, đòi hỏi phải tính toán nhanh chóng đường đi dự kiến của nó và phóng nhiều tên lửa để hạ gục mục tiêu một cách dứt khoát, an toàn.
Ngoài ra, hệ thống S-500 phải có tên lửa với khả năng cơ động cao, vì chỉ chúng mới có thể đánh chặn vũ khí siêu thanh.
Để chống lại các mục tiêu khí động học, S-500 triển khai tên lửa 40N6, hiện đang được sử dụng trên hệ thống S-400. Để tiêu diệt tên lửa đạn đạo ở khu vực ngoài khí quyển và trong không gian, S-500 sẽ sử dụng tên lửa 77N6, được trang bị cả đầu đạn thông thường và đầu đạn đặc biệt.
S-500 thử nghiệm đánh chặn mục tiêu đạn đạo tốc độ cao năm 2021. Video: BQP Nga
Theo trang Bulgarian Military, thực tế, những loại tên lửa siêu thanh nói trên vẫn còn khá hiếm, do đó vẫn chưa rõ đâu là mục tiêu “xứng tầm” của S-500. Mỹ hiện chỉ mới bắt đầu thử nghiệm việc triển khai loại tên lửa như vậy phóng từ mặt đất.
Cho đến nay, S-500 vẫn là một ẩn số. Chương trình S-500 được phát triển bí mật. Tin tức về sự tồn tại của hệ thống này xuất hiện trên các phương tiện truyền thông vào năm 2009, mặc dù việc tạo ra nó đã được tiến hành từ rất lâu trước đó. Đến năm 2022, truyền thông bắt đầu đưa tin về việc giao hàng cho quân đội Nga. Tuy nhiên, các thông số kỹ thuật và đặc tính cụ thể của S-500 vẫn chưa được công bố.
S-500 được coi như một sự bổ sung chứ không phải thay thế cho các hệ thống phòng không S-400 hiện đại. Nó được thiết kế để bảo vệ các trung tâm hành chính và công nghiệp thiết yếu của quốc gia.
Chuyên gia Kornev nhấn mạnh khả năng kết hợp giữa S-500 và S-400. Khi hoạt động song song, các hệ thống này có khả năng loại bỏ hầu như mọi mối đe dọa trên không và trong không gian.
Theo Avia Pro, Bulgarian Military