Trung đoàn 910 - Trường Sĩ quan Không quân đang vận hành khai thác một phi đội L-39 đông đảo, trong đó có 24 chiếc L-39C cùng 10 chiếc L-39Z mới hơn. Loại phản lực cơ này được đánh giá hết sức tin cậy, vận hành hoàn hảo, dễ bảo trì bảo dưỡng, chi phí trên mỗi giờ bay thấp, cực kỳ phù hợp cho nhiệm vụ đào tạo phi công quân sự.
Sau khi học viên phi công Việt Nam hoàn thành các bài bay đơn trên Yak-52 thì họ sẽ chuyển qua học lái L-39 trước khi được phân công về các đơn vị chiến đấu để điều khiển những chiếc tiêm kích thực thụ.
Chính vì vậy, ngoài mô phỏng thao tác bay của tiêm kích, L-39 còn có năng lực tác chiến ở mức nhất định nhằm giúp học viên làm quen cũng như điều động sang làm nhiệm vụ khi cần thiết.
Máy bay huấn luyện L-39 của Không quân Việt Nam
Theo thông tin từ nhà sản xuất, L-39 có khả năng mang theo tải trọng vũ khí lên tới 1.240 kg ở các mấu cứng treo ngoài, đó có thể là súng máy 7,62 mm, rocket, bom không điều khiển và cả tên lửa không đối không K-13.
Một chiếc L-39 của Không quân Tajikistan mang theo 2 bình rocket UB-16-57 dưới cánh
Trên chiến trường Trung Đông và Bắc Phi như tại Syria và Lybia, hình ảnh những chiếc L-39 mang rocket hay bom tham gia oanh tạc các mục tiêu mặt đất là tương đối phổ biến. Tuy rằng không thể so sánh với cường kích chuyên nghiệp nhưng đây là giải pháp tình thế không tồi.
Thậm chí với khả năng bay lượn rất linh hoạt của mình, L-39 sẽ không bị thất thế trong không chiến quần vòng cự ly ngắn nếu bất chợt gặp phải một chiếc "tiêm kích bất đắc dĩ", ví dụ như Su-22.
L-39 của Không quân Syria ném bom quân nổi dậy
Trong tương lai, Không quân Nhân dân Việt Nam sẽ được đầu tư các loại máy bay huấn luyện - chiến đấu tính năng ưu việt hơn, đó có thể là L-39NG, L-159B hay Yak-130. Đây là điều cần thiết do số L-39 hiện đã trải qua thời gian dài sử dụng, không thể tránh việc hệ số kỹ thuật bị xuống cấp.