Theo đó, trong đề thi môn Ngữ văn lớp 11 năm học 2018 - 2019 của Trường THPT Kiến Thụy (Hải Phòng), trích một bài báo, và có câu nêu về hiện tượng mạng "Khả Bảnh" với đời tư bất hảo vẫn được chào đón như thần tượng ở Yên Bái.
Đề thi yêu cầu hãy viết một bài văn (khoảng 400 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về hiện tượng được đề cập đến trong bài viết.
Sáng 8/4, trao đổi với Trí Thức Trẻ, ông Ngô Hồng Tân, Hiệu trưởng Trường THPT Kiến Thụy (Hải Phòng), xác nhận đó là đề thi của trường mình. Kỳ thi HSG của trường đã diễn ra cách đây một tuần.
"Sở dĩ chúng tôi ra đề như vậy là muốn có đề thi mở, để học sinh phát huy suy nghĩ về một vấn đề thời sự mà dư luận quan tâm nhiều trong thời gian qua, đặc biệt là thu hút sự chú ý của người trẻ".
Khá Bảnh xuất hiện trong đề thi học sinh giỏi môn Ngữ văn
Giáo viên Ngữ Văn Nguyễn Hà Hương Ly, người ra đề thi này, cho biết: "Kỳ thi diễn ra cách đây một tuần, nhưng tôi đã chuẩn bị đề thi từ lâu. Và khi ra đề thi thì Khá Bảnh mới bị bắt".
Cô Ly cho biết trong quá trình tìm hiểu những vấn đề để ra đề thi, thì có hiện tượng Khá Bảnh nổi lên và khá gần gũi với học sinh, được người trẻ quan tâm, nên tôi đưa vào đề thi.
"Sở dĩ đưa hiện tượng Khá Bảnh vào, vì muốn từ một hiện tượng tiêu cực như vậy, để học sinh có thể rút ra được hai vấn đề. Một là văn hóa thần tượng của giới trẻ hiện nay. Hai là tâm lý muốn khẳng định bản thân, nhưng một bộ phận còn lệch lạc, chưa biết cách để tìm ra giá trị đích thực của bản thân. Tôi muốn học sinh bàn luận và nói ra suy nghĩ", cô Ly nói.
Cũng theo bà Ly, học sinh tham gia làm đề thi này tỏ ra khá hào hứng và làm bài khá tốt. "Nhiều học sinh đề cập đúng vấn đề tôi muốn lồng ghép, chuyển tải qua đề thi này", cô Ly cho biết thêm.
Theo tìm hiểu của PV, đề thi này, vì nhắc đến hiện tượng Khá Bảnh, nên gặp không ít phiền toái. Như chia sẻ của ông Tân, thì "hiện đang phải giải trình chỉ vì một đề thi hay như thế".
Có nhiều ý kiến cho rằng đề thi này không hay, đề cập đến vấn đề tiêu cực là không nên...
Cô Ly giải thích: "Nhiều người ý kiến tại sao có bao nhiêu điều tốt đẹp lại không đưa vô bài thi mà lại đề cập đến một câu chuyện không mấy hay ho, tiêu cực như thế. Tôi nghĩ rằng xã hội luôn có hai mặt tốt xấu, không nên né tránh những mặt xấu.
Chúng tôi không phải cổ súy học sinh qua đề bài này. Mà qua đề bài, muốn giúp học sinh có cái nhìn đa chiều, hướng học sinh có những nhận thức đúng đắn hơn".
"Không phải nói về cái đẹp mới là đẹp. Đôi khi nói về cái xấu nhưng hướng đến thông điệp đẹp. Nam Cao, Vũ Trọng Phụng..., biết bao nhà văn nói về những hiện tượng xấu trong xã hội nhưng qua các tác phẩm vẫn khiến người đọc cảm nhận được bao điều tốt đẹp đấy thôi", cô Ly nhấn mạnh.