Chi Cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội vừa có báo cáo gửi Sở Tài nguyên - Môi trường về kết quả quan trắc, lấy mẫu phân tích môi trường trong vòng bán kính 500m trong 2 ngày 6 - 7/9 tại khu vực bị cháy của Công ty Cổ phần bóng đèn phích nước Rạng Đông.
Kết quả kiểm tra thực tế cho thấy, Công ty Rạng Đông đã thực hiện che phủ toàn bộ khu vực cháy bằng bạt để tránh tro xỉ tiếp xúc với nước mưa và tránh tro bay vào khu vực dân cư xung quanh.
Cùng với đó, xây bờ be xung quanh khu vực cháy nhằm cho nước bên trong khu vực bị cháy chảy ra ngoài môi trường.
Đồng thời, lắp đặt dàn phun nước để làm mát, khống chế nhiệt độ khu vực bị cháy không vượt quá 30 độ C, hạn chế thủy ngân trong khu vực cháy bay hơi ra môi trường không khí xung quanh khi có nhiệt độ cao.
Công ty đã thuê Công ty CP môi trường công nghệ cao Hòa Bình tiến hành hút bùn và nước thải tại toàn bộ các hố gas xung quanh nhà máy.
Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị quan trắc tiếp tục tiến hành quan trắc, lấy mẫu phân tích môi trường trong vòng bán kính 500m.
Đối với môi trường nước thải
Đã tiến hành quan trắc, lấy mẫu tại 5 vị trí: Điểm xả cuối trong nhà máy; Hố gas thoát nước, cách xưởng cháy 100m; Hố gas trước cửa tổ phục vụ và chăm sóc khách hàng; Cống xả ra sông Tô Lịch; Hố ga trong khu dân cư, ngõ 342 Khương Đình.
Kết quả phân tích so sánh với QCTĐHN 02:2014/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật về nước thải công nghiệp trên địa bàn Thủ đô Hà Nội cho thấy, duy nhất thông số COD tại Hố gas trước cửa tổ phục vụ và chăm sóc khách hàng của Công ty bóng đèn phích nước Rạng Đông là 821mg/l (vượt 5,47 lần); còn lại tất cả các thông số, bao gồm cả thủy ngân tại 5 vị trí đều nằm trong giới hạn cho phép.
Đối với không khí xung quanh
Ngày 6/9, đã lấy mẫu tại 6 vị trí: Giáp cổng công ty Động Lực; cổng chào tổ dân phố số 10 dân cư số 5 ngõ 342 Khương Đình; cổng nhà máy nước Hạ Đình; số nhà 54, ngõ 190 Hạ Đình; giáp cổng giữa sân trường tiểu học Hạ Đình; số nhà 1B ngõ 138, giáp nhà hội họp tổ 27.
Kết quả phân tích so sánh với QCVN 05:2013/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh, QCVN 06:2009/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về một số chất độc hại trong không khí xung quanh cho thấy:
Các thông số
Vi khí hậu, Pb (trung bình 24 giờ), Zn đều nằm trong giới hạn cho phép; không phát hiện thấy Hg - thủy ngân (trung bình 24 giờ) trong không khí.
Tuy nhiên, vẫn còn một số các chỉ tiêu: SO2, Benzen, Toluen, Bụi tổng tại một số vị trí xung quanh, nhất là vị trí giáp cổng Công ty Động Lực vẫn còn vượt quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam.
Vị trí trong sân trường tiểu học Hạ Đình (có khoảng cách 550m đến tường rào Công ty), tất cả các chỉ tiêu đều nằm trong ngưỡng giới hạn cho phép của quy chuẩn kỹ thuật môi trường (QCVN 05:2013/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh, QCVN 06:2009/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về một số chất độc hại trong không khí xung quanh).
Ngày 7/9, Chi cục đã trưng cầu đơn vị quan trắc có đủ năng lực hoạt động dịch vụ quan trắc và tư cách pháp nhân tiến hành lấy mẫu thủy ngân trong không khí xung quanh ở các vị trí: Tại khu vực cháy; các vị trí cách vụ cháy 200m, 500m và tại trường Tiểu học Hạ Đình.
Kết quả phân tích cho thấy hàm lượng thủy ngân (trung bình 24 giờ) trong không khí dưới ngưỡng quy định tại QCVN 06:2009/BTNMT.
Trước đó, Tổng cục Môi trường cho hay, theo báo cáo ban đầu của Công ty Rạng Đông, từ năm 2016, Công ty này chỉ sử dụng viên Amalgam (hỗn hống của Hg – Zn và Bismut) để sản xuất bóng đèn và khối lượng viên Amalgam trong kho chứa hóa chất tầng 1 bị cháy chỉ còn vài kg.
"Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế của Tổng cục Môi trường ngày 31/8 cùng với quá trình đấu tranh với lãnh đạo Công ty, Công ty mới thừa nhận toàn bộ 480.000 bóng đèn huỳnh quang bị cháy sử dụng Hg lỏng (có độc tính cao hơn so với viên Amalgam) với khối lượng theo tính toán của các nhà khoa học là 30 mg/bóng", thông tin từ Tổng Cục nêu rõ.