Kết luận trách nhiệm vụ sạt lở nghiêm trọng ở Đà Lạt làm 2 người tử vong

Trường Nguyên |

4 người là cán bộ ở Đà Lạt thiếu trách nhiệm, không phát hiện vi phạm tại công trình xây dựng taluy, dẫn đến sạt lở khiến 2 người chết.

Ngày 18-10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) đã có kết luận điều tra vụ án hình sự liên quan vụ sạt lở bờ taluy nghiêm trọng khiến 2 người chết tại hẻm 15/2 Yên Thế, phường 10.

Kết luận vụ sạt lở Đà Lạt: Trách nhiệm và hậu quả nghiêm trọng - Ảnh 1.

Hiện trường vụ sạt lở ở hẻm 15/2 Yên Thế, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng vào ngày 29-6-2023.

Theo đó, ngày 29-6-2023, một vụ sạt lở bờ taluy xảy ra tại các công trình xây dựng thuộc các thửa đất 656, 657, 658, 659 tờ bản đồ số 4, phường 10 làm 2 người chết, 2 ngôi nhà bị hư hỏng hoàn toàn, 2 ngôi nhà bị hư hỏng nghiêm trọng. Công an đã khởi tố vụ án để điều tra.

Công an TP Đà Lạt đã thu thập toàn bộ hồ sơ liên quan quy hoạch, sử dụng đất, cấp phép xây dựng, bản vẽ thiết kế đối với công trình xây dựng taluy tại đây. Các công trình trên đã được UBND TP Đà Lạt cấp giấy phép xây dựng.

Trong đó, tháng 2-2022, ông Nguyễn Minh Thông (chủ sở hữu thửa đất 657) đã thay mặt 3 người còn lại là chủ 3 thửa đất trên ký hợp đồng với ông Nguyễn Uy Vũ – Giám đốc Công ty CP xây dựng Lê Nguyễn Lâm Đồng, để xây dựng taluy, đắp đất toàn bộ các thửa đất trên với tổng số tiền gần 7 tỉ đồng. Sau đó, ông Nguyễn Minh Thông đã giao cho ông Dương Viết Phong (42 tuổi, ngụ TP HCM) làm giám sát tiến độ, kỹ thuật tại công trình và là đại diện chủ đầu tư tại công trình.

Cơ quan điều tra xác định 3 người trong Đội Quản lý trật tự đô thị TP Đà Lạt là Mạc Phương Hải, Trần Quốc Hà, Đặng Nguyễn Nhật Vũ đã kiểm tra công trình ở các thửa đất trên vào ngày 17-4-2023. Thế nhưng khi kiểm tra, 3 người không đối chiếu với bản vẽ thiết kế được phê duyệt, giấy phép xây dựng, không phát hiện sai phạm nên công trình được phép tiếp tục thi công.

Trong khi đó, ông Phạm Hoàng Duy, công chức Địa chính – Xây dựng – Đô thị và Môi trường UBND phường 10, đã không thực hiện giám sát kỹ thuật, không kiểm tra đo đạc công trình xây dựng taluy tại các thửa đất trên. Người này đã một lần giải quyết đơn khiếu nại của người dân, nhiều lần xuống tại vị trí thi công công trình trên nhưng không kiểm tra thực tế, không ghi nhận biên bản kiểm tra và không có ý kiến với chủ đầu tư và đơn vị thi công.

Kết luận vụ sạt lở Đà Lạt: Trách nhiệm và hậu quả nghiêm trọng - Ảnh 2.

Vụ sạt lở khiến 2 người tử vong, nhiều ngôi nhà hư hỏng nặng.

Ông Võ Khánh Toàn, công chức Địa chính – Xây dựng – Đô thị và Môi trường UBND phường 10, khi phối hợp với Đội Quản lý trật tự đô thị TP Đà Lạt nhưng không kiểm tra, đối chiếu thực tế công trình đang thi công với bản vẽ thiết kế được phê duyệt nên không phát hiện được việc xây dựng sai phạm.

Các ông Toàn, Hải, Hà, Duy là người có chức vụ, quyền hạn được giao nhưng thiếu trách nhiệm dẫn đến thực hiện không đúng và không thực hiện nhiệm vụ được giao. Từ đó, không phát hiện được vi phạm và yêu cầu đình chỉ thi công đối với công trình trên các thửa đất, dẫn đến sạt lở, gây hậu quả nghiêm trọng làm 2 người chết, thiệt hại lớn về tài sản cho người dân.

Cơ quan chức năng xác định nguyên nhân vụ sạt lở do thi công không theo hồ sơ cấp phép được cấp gồm sai vị trí ranh cấp phép; thiết kế kè chắn đất không đảm bảo khả năng chịu lực; biện pháp thi công không phù hợp; không có phương án che chắn, thoát nước mặt khi trời mưa).

Công an TP Đà Lạt đã đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân TP truy tố đối với các bị can Hà, Hải, Toàn, Duy hành vi "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng". Các bị can trên đã bị Công an TP Đà Lạt cấm đi khỏi nơi cư trú theo quy định.

Rạng sáng 29-6, khu đất xây dựng taluy hẻm 15/2 Yên Thế bị sạt lở đổ sập xuống nhiều ngôi nhà của hẻm 36 Hoàng Hoa Thám bên dưới. Vụ việc khiến 2 người là vợ chồng bà Nguyễn Thị Hồng Vẹn (45 tuổi) và ông Phạm Khánh (47 tuổi, cùng quê Phú Yên) tử vong. Nhiều ngôi nhà khác cũng bị đổ sập, hư hỏng nặng vì vụ sạt lở.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại