Kết hôn với em cùng cha khác mẹ?

Trường Hoàng ghi |

Anh Nguyễn Thanh Bằng (TP HCM), hỏi: Sau nhiều năm quen nhau, vừa qua, tôi phát hiện bạn gái tôi là em cùng cha khác mẹ. Theo quy định pháp luật tôi được kết hôn với em cùng cha khác mẹ?

- Luật sư Trương Văn Tuấn, Văn phòng Luật sư Trạng Sài Gòn, trả lời: Căn cứ theo quy định tại điểm d khoản 2 điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, thì pháp luật nghiêm cấm việc kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời.

Đối với những người cùng dòng máu về trực hệ, căn cứ theo quy định tại khoản 17 điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, đây là những người có quan hệ huyết thống, trong đó, người này sinh ra người kia kế tiếp nhau. Cũng căn cứ tại khoản 18 điều này, những người được xem là có họ trong phạm vi ba đời là những người cùng một gốc sinh ra gồm cha mẹ là đời thứ nhất; anh, chị, em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ, cùng mẹ khác cha là đời thứ hai; anh, chị, em con chú, con bác, con cô, con cậu, con dì là đời thứ ba.

Đồng nghĩa, những người thỏa mãn các điều kiện trên thì không được kết hôn với nhau.

Tuy nhiên, theo như thông tin bạn cung cấp thì bạn mới chỉ phát hiện thông tin rằng bạn gái mà bạn quen một thời gian dài là em cùng cha khác mẹ với bạn, nhưng lại chưa có cơ sở khoa học hoặc pháp lý để chứng minh về vấn đề này. Do đó, bạn nên thực hiện kiểm tra ADN để có kết luận chính xác nhất về trường hợp này.

Trường hợp sau khi kiểm tra ADN mà cho ra kết quả hai người là anh em cùng cha khác mẹ thì hai bạn không thể kết hôn với nhau do thuộc phạm vi đời thứ hai. Ngược lại, khi kiểm tra ADN mà cho ra kết quả không trùng khớp - tức hai bạn không phải là anh em cùng cha khác mẹ thì hai bạn có thể đăng ký kết hôn với nhau.

Tuy nhiên, trường hợp được kết hôn, hai người cũng cần phải đáp ứng đủ các điều kiện kết hôn được quy định tại điều 8 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại