Trong lịch sử phong kiến Trung Hoa, Bao Chửng được biết tới là một nhân vật tiêu biểu đại diện cho hình tượng của các quan viên liêm khiết thời xưa. Cũng bởi vậy mà vị quan này đã trở thành nguồn cảm hứng cho không ít các tác phẩm nghệ thuật từ cổ chí kim.
Bên cạnh đó, những nhân vật có cơ hội được kề vai sát cánh cùng Bao Thanh Thiên trong các tác phẩm phim ảnh và tiểu thuyết cũng nhận được không ít sự quan tâm. "Tứ đại danh bộ" của phủ Khai Phong là Vương Triều, Mã Hán, Trương Long, Triệu Hổ cũng nằm trong số đó.
Mặc dù bộ tứ nói trên chỉ xuất hiện trong tác phẩm "Thất hiệp ngũ nghĩa", thế nhưng điều này cũng không làm ảnh hưởng tới việc tên tuổi của họ được người đời truyền lưu và ca ngợi.
Khi Bao Thanh Thiên còn sống, "Tứ đại danh bộ" phủ Khai Phong chính là những cánh tay đắc lực giúp vị quan này phá án.
Vậy sau khi Bao đại nhân qua đời, kết cục của những cái tên như Vương Triều, Mã Hán, Trương Long hay Triệu Hổ liệu sẽ ra sao?
Mặc dù số phận về sau của những nhân vật này không được đề cập cụ thể trong tiểu thuyết nguyên tác. Thế nhưng đa số các ý kiến đều cho rằng, những việc làm trước kia dường như vốn là điềm báo trước cho kết cục bi thảm khó tránh của họ.
Mối cơ duyên kỳ lạ của "Tứ đại danh bộ" phủ Khai Phong với Bao Thanh Thiên
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Về xuất thân của "Tứ đại danh bộ" phủ Khai Phong, tiểu thuyết "Thất hiệp ngũ nghĩa" năm xưa đã tóm tắt bằng một vài dòng ngắn ngủi:
"Nguyên núi này có tên là Thổ Long Cang, nơi có giặc cướp ẩn núp. Có hai người là Trương Long, Triệu Hổ, trước ở phủ họ Bàng làm nha dịch, sau biết đó là bè lũ quyến gian nên không chịu phụ tá, liền bỏ đi, rồi tới núi này thu phục sơn tặc và xưng làm chúa tướng.
Sau bọn Vương Triều, Mã Hán xuống thi, bị Bàng Thái sư đuổi ra, cả hai bất mãn, lúc về ngang qua núi này thì gặp Trương, Triệu, được mời lên sơn trại kết làm anh em. Vương Triều làm anh cả, Mã Hán thứ hai, Trương Long thứ ba, Triệu Hổ thứ tư".
Từ những câu chữ trên đây, không khó để nhận thấy bản thân Vương Triều, Mã Hán, Trương Long, Triệu Hổ khi xưa người thì chấp nhận đi làm nha dịch, người thì từng tham gia khoa cử, điểm chung là họ đều muốn đem sức lực của mình để cống hiến cho giang sơn, tuy nhiên lại bị bè lũ nhà họ Bàng chặt đứt lý tưởng, cuối cùng phải lên núi làm sơn tặc.
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
May mắn thay, lý tưởng của họ chỉ tạm thời "đứt gánh giữa đường" cho tới khi được gặp Bao Chửng. Mối cơ duyên tương ngộ của Bao đại nhân với "Tứ đại danh bộ" phủ Khai Phong cũng xảy ra trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt.
Theo đó, năm xưa sau khi bị bãi quan cách chức ở huyện lị, Bao Chửng trên đường rời đi khỏi nơi này có ngang qua núi Thổ Long Cang, liền bị Mã Hán trói đem về trại.
Bấy giờ, trên núi còn có hai đầu lĩnh là Vương Triều và Trương Long, tuy nhiên vì chưa rõ danh tính của Bao Chửng nên cả ba người liền đem ông trói vào cột. Ngay lúc đó, Triệu Hổ vừa trở về sau cuộc đọ sức với nam hiệp Triển Chiêu.
Khi Triển Chiêu lên núi, thấy Bao Chửng bị trói đã không khỏi thất kinh, liền ra tay cứu ông một mạng. Sau khi biết danh tính của Bao đại nhân, nhóm người Vương Triều, Mã Hán, Trương Long, Triệu Hổ lập tức cởi trói, đồng loạt dập đầu nhận tôi.
Bao Chửng cũng không vì một màn kinh động ban nãy mà trách cứ. Bốn huynh đệ Vương – Mã – Trương – Triệu liền kể về những biến cố trong quá khứ của mình. Những con người ấy cũng từ đó mà quen biết và trở nên thấu hiểu, thông cảm cho nhau.
Trong những năm tháng đầu bước trên con đường quan lộ, tuy rằng sự nghiệp của Bao Chửng chưa thuận lợi, thế nhưng ông vẫn được Vương Triều, Mã Hán, Trương Long, Triệu Hổ xem như quý nhân trong cuộc đời.
Cũng bởi những con người ấy may mắn gặp được Bao Thanh Thiên, lại có sẵn trong lòng lý tưởng phụng sự triều đình, bảo vệ công lý, cho nên sau này họ mới có được bước ngoặt cuộc đời khi trở thành các hiệu úy của phủ Khai Phong.
Giả thiết đau lòng về kết cục của bộ tứ Vương Triều, Mã Hán, Trương Long, Triệu Hổ
Ảnh minh họa: Nguồn Internet.
Trong tiểu thuyết "Thất hiệp ngũ nghĩa", Vương Triều, Mã Hán, Trương Long, Triệu Hổ cùng với những tên tuổi như Triển Chiêu, Công Tôn Sách chính là những nhân vật đắc lực giúp Bao Thanh Thiên phá án.
Mặc dù được xem là những hình tượng đại diện cho chính nghĩa, thế nhưng hầu hết các giả thiết đều cho rằng số phận của "Tứ đại danh bộ" phủ Khai Phong khó có được kết cục tốt đẹp sau khi Bao Chửng qua đời.
Bởi lẽ trong suốt quá trình phụng sự Bao đại nhân, họ đã đắc tội với không ít các nhân vật quyền quý. Do đó một khi vị quan thanh liêm họ Bao qua đời, những nhân vật này sẽ mất đi chỗ dựa vững chắc và khó tránh khỏi kết cục bị trả thù.
Hơn nữa, mặc dù cũng được xem là quan viên trong chế độ phong kiến đương thời, tuy nhiên Tống triều vốn trọng văn khinh võ, mà Vương Triều, Mã Hán hay Trương Long, Triệu Hổ chỉ đảm nhiệm chức vụ hiệu úy nhỏ bé trong hàng ngũ võ tướng, vì vậy địa vị không thể xem là quá cao.
Từ những điểm này, tờ báo Sina (Trung Quốc) cho rằng việc những nhân vật như "Tứ đại danh bộ" phủ Khai Phong bị trả thù, hãm hại hay thậm chí bức tử sau khi Bao Chửng qua đời là kết cục rất có khả năng xảy ra.
Ngoài ra, một giả thiết khác đã từng đề cập tới kết cục ít bi đát hơn cho số phận của những nhân vật này: Họ sẽ thức thời rời khỏi chốn quan trường nhiều thị phi, sống một cuộc sống bình thường hoặc quy ẩn giang hồ. Bằng võ nghệ cũng như nhân phẩm của bản thân, dù là Vương Triều, Mã Hán hay Trương Long, Triệu Hổ cũng đều có thể bình an sống đến cuối đời.
Thế nhưng dù cho kết cục của họ có diễn ra theo giả thiết nào thì đó cũng đều là một mất mát lớn đối với những người tin tưởng chính nghĩa.
Bởi "Tứ đại danh bộ" phủ Khai Phong cũng giống như Bao Thanh Thiên hay Triển Chiêu, Công Tôn Sách, đều là những người chính trực, mang theo tấm lòng trượng nghĩa và khát khao muốn thực thi công lý.
Do đó một khi bị hãm hại hay buộc phải rời khỏi trốn quan trường vì bất cứ lý do nào thì những nhân vật ấy đều không còn cơ hội thực hiện lý tưởng chính nghĩa của mình. Đây cũng là một mất mát lớn đối với trăm họ khi mất đi những anh hùng hảo hán từng nửa đời vì dân trừ hại.
*Theo quan điểm của Sina (Trung Quốc).