Kết cục cay đắng của người lính Đông Đức: Vượt bức tường Berlin để tìm tự do hay cái chết?

Trang Li |

Anh kết thúc tất cả sự mệt mỏi và đi tìm tự do thực sự cho mình bằng cái chết không thể đau đớn, cô quạnh hơn.

Bức ảnh "The Leap of Freedom" (tạm dịch: Bước đến Tự do) chụp cách đây 57 năm đã trở thành bức ảnh biểu tượng của thời kỳ Chiến tranh Lạnh kéo dài hơn 4 thập kỷ giữa Mỹ và Liên Xô.

Không tự nhiên mà lịch sử lại ghi nhận và để khoảnh khắc động này sống mãi dù đã qua hơn nửa thế kỷ qua. Ẩn sau bức ảnh là những câu chuyện về thời thế, về những "nhân vật" trong và sau bức ảnh, và cả một cuộc đời đầy dằn vặt, tuyệt vọng mãi về sau...

Đằng sau hào quang mà lịch sử "tô vẽ" lên "The Leap of Freedom" là cái chết bi thảm của anh lính trẻ Conrad Schumann. Nếu có được cơ hội quay ngược thời gian, chắc có lẽ, chàng trai 19 tuổi ấy ước mình đã không nhảy qua ranh giới mỏng manh những mãi hằn lên những vết sẹo trong 37 năm cay đắng còn lại của cuộc đời.

Kết cục cay đắng của người lính Đông Đức: Vượt bức tường Berlin để tìm tự do hay cái chết? - Ảnh 1.

Năm 1961 đánh dấu hai mốc quan trọng trong lịch sử thế giới: Là 16 năm sau kể từ khi cuộc Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc; Là 15 năm sau cuộc đối đầu vẫn đang căng thẳng giữa Mỹ và Liên Xô trong cuộc Chiến tranh Lạnh.

Tháng 8 năm 1961 năm ấy, nước Đức đã bị chia cắt thành hai nước là Cộng hòa Liên bang Đức (Tây Đức, do Mỹ, Anh, Pháp kiểm soát, quản lý) và Cộng hòa Dân chủ Đức (Đông Đức, do Liên Xô kiểm soát, quản lý). Năm 1949, sau khi Đông Đức và Tây Đức thành lập, đến năm 1961, người Đông Đức chạy sang Tây Đức ngày một nhiều, ước tính có khoảng 2,5 triệu người đã vượt sang Tây Đức.

Để ngăn chặn hiện trạng này, lãnh đạo Đông Đức Walter Ulbricht đã ra lệnh xây dựng bức tường giữa hai nước (Bức tường Berlin) từ ngày 13/8/1961.

Hai ngày sau khi công trình bức tường Berlin khởi công, vào ngày 15/8/1961, người lính Đông Đức trẻ 19 tuổi tên là Conrad Schumann khi ấy đang làm nhiệm vụ canh gác công trường xây dựng tại góc giao giữa hai đường Ruppiner Strasse và đường Bernauer Strasse.

Vì mới khởi công, nên ranh giới ngăn cách giữa Đông Đức và Tây Đức chỉ là những vòng dây thép gai cao quá nửa đầu gối. Phía bên kia của ranh giới mỏng manh là tiếng mời gọi của tương lai và hy vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn.

"Đến đây đi!" - tiếng giục giã của những người Tây Đức là giọt nước làm tràn thêm những khát khao của tuổi trẻ. Người lính chưa đầy 20 tuổi ấy đã nhảy qua hàng dây thép gai. Anh để lại Đông Đức - nơi có cha mẹ, người thân và đồng đội, để "tìm miền đất hứa"!

Khoảnh khắc anh nhảy qua, đồng thời buông bỏ khẩu Kalashnikov (AK-47) đã được nhiếp ảnh gia Tây Đức chớp lấy.

Báo chí phương Tây ca ngợi anh. Rằng bước nhảy của anh là để trở về với tự do, no ấm thực thụ. Cái tên "The Leap of Freedom" ra đời và trở thành bức ảnh biểu tượng trong cuộc Chiến tranh Lạnh.

Tác giả bức ảnh - nhiếp ảnh gia Peter Leibing, cũng nổi tiếng nhờ câu chuyện đằng sau khoảnh khắc vàng anh chớp được vào buổi chiều ngày 15/8/1961 đáng nhớ đó.

Kết cục cay đắng của người lính Đông Đức: Vượt bức tường Berlin để tìm tự do hay cái chết? - Ảnh 2.

"Trước mắt tôi là hình ảnh một sĩ quan trẻ măng, mang vẻ mặt bồn chồn, đi tới đi lui tại địa điểm được giao canh gác, nơi công trình Berlin Wall khởi công sang ngày thứ ba. Khẩu Kalashnikov mang trên vai chàng trai trẻ thỉnh thoảng được buông lỏng, đó là lúc cậu ấy hút vội điếu thuốc của mình."

Nhiếp ảnh gia Peter Leibing của hãng thông tấn xã lớn nhất Mỹ AP kể lại. Peter Leibing cho biết, sau khi hay tin bức tường Berlin sẽ được xây dựng, anh tin chắc rằng sẽ có nhiều cuộc "vượt biên" khác diễn ra. Dự đoán này phần nào được củng cố khi bên kia hàng rào thép gai phía Tây Đức có rất nhiều tay săn ảnh khác.

"Khoảng 4 giờ chiểu ngày 15/8/1961, những người cảnh sát Tây Đức hét lên "Komm über!" (Đến đây đi!) với người sĩ quan, cậu ta lập tức nhảy qua hàng rào thép gai và buông khẩu súng của mình, bước lên chiếc xe cảnh sát Tây Đức đang chờ sẵn ở đó và di chuyển rất nhanh. Tôi mỉm cười vì biết rằng mình đã có trong tay "khoảnh khắc vàng" mà tôi dành hàng giờ chờ đợi."

"Cậu ấy trạc tuổi tôi. Hình ảnh cậu ấy nằm gọn trong ống kính của tôi. Dù phải chờ mất một giờ đồng hồ nhưng bản năng mách bảo tôi rằng: Chàng trai ấy sẽ nhảy!" - Peter Leibing nói.

Kết cục cay đắng của người lính Đông Đức: Vượt bức tường Berlin để tìm tự do hay cái chết? - Ảnh 3.

Nhiếp ảnh gia Peter Leibing, người cùng tuổi với chàng sĩ quan Đông Đức Conrad Schumann. Ảnh: Iconicphotos

Hãng AP như "đãi được vàng ròng" với bức ảnh của Peter Leibing. "The Leap of Freedom" lập tức ra đời và xuất hiện trên trang nhất của nhiều tở báo nổi tiếng trên toàn thế giới. 

Báo chí phương Tây "đánh bóng" tên tuổi của người lính trẻ Conrad Schumann, anh bỗng chốc trở thành biểu tượng cho những người khao khát tự do, bức ảnh mà anh làm nhân vật chính trở thành bức ảnh biểu tượng của cuộc Chiến tranh Lạnh mà Mỹ và Liên Xô đang đối đầu.

Người ta đổ xô gặp anh, phỏng vấn anh, mong mỏi tìm hiểu câu chuyện về ngày 15/8/1961 bước ngoặt thay đổi cuộc đời anh mãi mãi về sau.

Họ nào có ngờ....

Nếu như bức ảnh khiến anh nổi tiếng khắp thế giới theo cái cách "bất đắc dĩ" ấy thì chính nó cũng đã khiến cuộc đời anh về sau còn bị thắt chặt hơn là sự tự do. Để rồi, chỉ có cái chết, có lẽ, mới khiến người sĩ quan trẻ ấy bay mãi với trời xanh...

Kết cục cay đắng của người lính Đông Đức: Vượt bức tường Berlin để tìm tự do hay cái chết? - Ảnh 4.

"Thần kinh tôi căng thẳng tột độ. Lúc ấy, tôi rất sợ hãi. Rồi tôi nhảy qua hàng rào. Vào trong xe... Tất cả sự việc chỉ xảy ra trong 4 giây ngắn ngủi", Conrad Schumann kể lại cho báo giới phương Tây.

Vì được báo chí ca ngợi và đánh bóng tên tuổi, nên ước mong có được cuộc sống giản dị của chàng trai Conrad Schumann không trở thành hiện thực. Những cuộc phỏng vấn liên miên từ báo chí, những buổi điều tra từ cảnh sát Tây Đức đã "vắt kiệt sức lực" của Conrad Schumann.

10 năm cuộc đời sau ngày 15/8/1961, Conrad Schumann mới thực sự được "nghỉ ngơi" và lo cho tổ ấm riêng của mình. Cũng như bao người khác, anh lấy vợ và định cư tại một ngôi làng ở Bavaria, có một đứa con trai, và làm việc tận tụy tại nhà máy lắp ráp của Audi trong 27 năm.

Kết cục cay đắng của người lính Đông Đức: Vượt bức tường Berlin để tìm tự do hay cái chết? - Ảnh 5.

Bức ảnh Conrad Schumann chụp cùng "The Leap of Freedom" 20 năm sau Ảnh: Rarehistoricalphotos

Trả lời phỏng vấn năm 1990, Conrad Schumann thú nhận, sau ngày chạy sang Tây Đức, chưa một giờ phút nào anh cảm thấy tự do thực sự cho đến khi Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989, Đông Đức và Tây Đức hợp nhất năm 1990.

Đất nước thống nhất và tự do hoàn toàn nhưng Conrad Schumann không dám trở về quê xưa ở Saxony để thăm gia đình, người thân, bạn bè.

Sau cái ngày anh nhảy qua hàng thép gai đó, người Đông Đức đã gọi anh là "kẻ phản bội". Hình ảnh mà báo chí phương Tây ca ngợi là biểu tượng của tự do ấy trở thành "gương xấu" khiến cho hơn 2.000 cảnh sát và sĩ quan Đông Đức bỏ quê chạy sang Tây Đức. 

Đồng đội xa lánh anh.

Trở về quê xưa sau nhiều năm xa cách, anh bị ghẻ lạnh!

Có lẽ vì nghĩ rằng đó là "cái giá" mà anh phải trả khi rời bỏ quê hương, rời bỏ nơi anh đã gắn bó cả thời thơ ấu và thanh niên, Conrad Schumann dằn vặt mình. Cuộc sống sau cái ngày anh bước qua ranh giới Đông - Tây nào có được tự do.

Sau khi đất nước thống nhất, anh lại bị chính những người thân, cố hữu của mình xa lánh. Thứ cảm xúc bị ghẻ lạnh ấy tựa như sợi dây vô hình thít chặt cuộc đời những năm về sau của anh.

Để rồi... vào ngày 20/6/1998...

Anh kết thúc tất cả và đi tìm tự do thực sự cho mình bằng cái chết không thể đau đớn, cô quạnh hơn.

Vài giờ sau bữa cơm gia đình, vợ anh tìm thấy anh chết trong tư thế treo cổ tại một khu rừng gần nhà tại thị trấn Kipfenberg ở Bavaria. Conrad Schumann ra đi ở tuổi 56, sau 37 năm kể từ ngày 15/8/1961. Anh đi, không để lại bất cứ một lời nhắn nhủ nào. Lặng lẽ và cô độc!

----

Những hình ảnh ghi lại giây phút thay đổi cuộc đời mãi mãi của Conrad Schumann:

Kết cục cay đắng của người lính Đông Đức: Vượt bức tường Berlin để tìm tự do hay cái chết? - Ảnh 7.

Ảnh: Rarehistoricalphotos

Kết cục cay đắng của người lính Đông Đức: Vượt bức tường Berlin để tìm tự do hay cái chết? - Ảnh 8.

Ảnh: Rarehistoricalphotos

Kết cục cay đắng của người lính Đông Đức: Vượt bức tường Berlin để tìm tự do hay cái chết? - Ảnh 9.

Ảnh: Rarehistoricalphotos

Bài viết sử dụng các nguồn: Rarehistoricalphotos, Independent, Iconicphotos

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại