Tướng Nguyễn Khoa Nam bấy giờ khá nổi tiếng trong quân đội Sài Gòn. Khi đó, sắp vào tuổi 50 nhưng ông ta vẫn sống độc thân. Điều này có nguyên nhân sâu xa của nó.
Nguyễn Khoa Nam là dân làng An Cựu Tây, huyện Hương Thủy, nay thuộc tỉnh Thừa Thiên – Huế. Từ nhỏ, ông ta tỏ ra rất có năng khiếu về hội họa và âm nhạc.
Ngay từ những năm tháng còn là học sinh, nhất là thời gian học trung học tại Huế, ông ta đã có nhiều tác phẩm hội họa ấn tượng được trưng bày.
Ai cũng nghĩ ông ta sẽ tiếp tục khẳng định tài năng của mình thế nhưng một biến cố trong tình cảm riêng tư đã xảy ra. Cô gái người yêu của ông ta sang Pháp định cư, rồi lấy chồng. Chàng họa sĩ tài hoa ấy đã vứt bỏ giá vẽ, vào lính và trở nên hận “phụ nữ”. Ông ta từng “thề” cho tới chết, sẽ không quen biết thêm người phụ nữ nào nữa…
Sau khi học Trường sĩ quan trừ bị Thủ Đức (thuộc "Quân đội Quốc gia Việt Nam" trong Liên hiệp Pháp), Nguyễn Khoa Nam phục vụ cho chính quyền Ngô Đình Diệm với chức đại đội trưởng lính dù.
Phục vụ trong binh chủng “con cưng” của Ngô Đình Diệm rồi Nguyễn Văn Thiệu, ông ta liên tục thăng tiến.
Từ quân hàm đại úy, lên cấp tá chẳng bao lâu, ông ta được Thiệu tin cẩn phong chuẩn tướng, rồi thiếu tướng, giao làm Tư lệnh Vùng 4, trấn giữ cả miền Tây.
Trước sức mạnh như vũ bão của quân Giải phóng, ngày 21-4-1975, Nguyễn Văn Thiệu đã từ chức trao quyền lại cho Trần Văn Hương.
Trước khi cùng gia đình lên máy bay ra nước ngoài, ông Thiệu cùng một số tay chân của mình vẫn nuôi ảo vọng “ngày trở về”. Tại dinh Độc Lập, ông Thiệu đã có cuộc làm việc với thuộc cấp “ruột” Nguyễn Khoa Nam.
Cả hai “thầy trò” tỏ ra rất tâm đắc, đầy kỳ vọng với “phương án Gavin”. Đó là nếu Sài Gòn thất thủ thì khu vực cuối cùng phải án ngữ là miền Tây Nam Bộ.
Sau cuộc họp đó, tướng Nam sốt sắng về Cần Thơ, vạch kế hoạch chuẩn bị cho Bộ Tổng tham mưu Quân đội Sài Gòn rút về tử thủ.
Chính vì lo cho kế hoạch tử thủ này mà tháng 4-1975 cũng là những ngày bận bịu nhất của tướng Nam. Một thuộc cấp ông sau này viết trong hồi ký rằng: “Tư lệnh đi họp liên tục ở Tổng tham mưu, ở dinh Độc Lập.
Thời gian còn lại, Tư lệnh thường đến các tiểu khu và sư đoàn nhưng nhiều nhất là tiểu khu Long An, Ðịnh Tường, Kiến Tường và Châu Ðốc”.
Gần cuối tháng 4-1975, trong tình thế càng ngày càng hỗn loạn, nhiều máy bay trực thăng của quân đội Sài Gòn bay lũ lượt từ hướng Sài Gòn về phi trường Trà Nóc (Cần Thơ) và một số bay ra hướng Phú Quốc, tướng Nam vẫn còn dạt dào niềm tin, đến Châu Ðốc khảo sát “vành đai phòng thủ”.
Lịch họp của ông ta vẫn dày đặc: Ngày 24-4, họp ở Bộ Tổng tham mưu; sáng 25-4, họp ở tiểu khu Ðịnh Tường… Ngày 27-4, tướng Nam ra lệnh giới nghiêm, yêu cầu các đơn vị bám vị trí, sẵn sàng chống trả quân Giải phóng.
Sáng 28-4, tướng Nam tiếp cố vấn Mỹ tại văn phòng Bộ Tư lệnh. Sáng hôm sau, ông ta vẫn bay và chiều cùng ngày, họp ở BTL Sư đoàn 21 Bộ binh (cạnh phi trường Trà Nóc).
Điều khiến cho tướng Tư lệnh Vùng 4 lo lắng nhất vẫn là chuyện quân Giải phóng áp sát và chiếm giữ ngày càng nhiều vị trí trên QL4 (nay là QL1A).
Đầu tháng 4-1975, tướng Nam đã trực tiếp đến tận nơi hoặc gọi điện khích lệ tinh thần binh lính tại Sư đoàn 7 Bộ binh (phụ trách tiểu khu Ðịnh Tường) và Sư đoàn 22 Bộ binh (rút từ Vùng 2 về, phụ trách tiểu khu Long An).
Quyết không cho phá cầu Tân An và Bến Lức nhằm phục vụ cho kế hoạch di chuyển bộ máy chính quyền Sài Gòn và Bộ Tổng tham mưu về thủ phủ của miền Tây, tướng Nam liên tục lên “dây cót” tinh thần với các tỉnh trưởng trong Vùng 4 rằng “tôi sẽ chiến đấu tới viên đạn cuối cùng”.
“Những ngày cuối tháng 4-1975, áp lực địch vẫn nặng ở QL4. Tiểu khu trưởng Long An tiếp tục báo cáo tình hình nguy ngập và xin tư lệnh cho giật sập cầu Long An.
Tư lệnh không cho và ra lệnh các đơn vị tiếp tục phòng thủ” – nhật ký của một thuộc cấp của tướng Nam viết.
Thiếu tướng Hà Nghĩa Lộ, nguyên Giám đốc Công an TP Cần Thơ cho biết, trong ngày 28-4-1975, dù từng tin Cần Thơ là “thủ đô thứ hai” sau Sài Gòn nhưng các tướng tá, nhân viên cao cấp của Mỹ - VNCH tại Tòa lãnh sự Mỹ tại Cần Thơ đã hoang mang cực độ, kéo nhau xuống tàu hải quân chạy ra biển, trong số này có Đại tá Huỳnh Ngọc Diệp – Tỉnh trưởng và Chánh văn phòng BTL Vùng 4.
Tướng Nam đã chỉ định Đại tá Trần Cửu Thiên lên nắm quyền tỉnh trưởng, kiêm thị trưởng Cần Thơ; chỉ đạo tiếp tục duy trì hiệu lực lệnh tử thủ và lệnh giới nghiêm 24/24 toàn thành phố, đồng thời gấp rút điều lực lượng (gồm 4 trung đoàn chủ lực, 1 trung đoàn bảo an, 2 thiết đoàn xe thiết giáp M113) về giữ tuyến Lộ Vòng Cung, chống trả quyết liệt các cánh quân Giải phóng nhằm bảo vệ cơ quan đầu não.
Sáng sớm 30-4, tướng Nam vẫn bay xuống Ðịnh Tường để chỉ đạo cuộc họp chớp nhoáng, xong ông ta bay ngay về Cần Thơ.
Sau khi Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, lúc 15h ngày 30-4-1975, 18h30 cùng ngày, lực lượng An ninh TP Cần Thơ chiếm lĩnh Ty Cảnh sát Phong Dinh và Bộ Tổng tham mưu Vùng 4 chiến thuật, tước vũ khí bắt tại chỗ trên 100 tên cảnh sát…
Tướng Nguyễn Khoa Nam vẫn ngoan cố tử thủ. Đó cũng là lúc đó ông ta phát hiện có nhiều nội dung trong kế hoạch tử thủ đã bị vứt vào sọt rác, không được triển khai đến các tiểu khu theo lệnh ông ta.
Không chỉ có vậy, ông ta còn muốn không tin vào tai mình khi nghe báo cáo tay trợ lý đã “hớt tay trên” khi dùng chiếc máy bay trực thăng dành riêng cho ông ta, để cùng vợ con bay ra Hạm đội 7 của Mỹ ở ngoài khơi.
Ba ngày sau khi Sài Gòn giải phóng, đài BBC loan tin cả 2 viên tướng Tư lệnh Vùng 4 đều đã tự sát, chết tại BTL vùng. Chuẩn tướng, Tư lệnh phó Lê Văn Hưng đã tự sát trước mặt vợ con và nhiều thuộc cấp chiều tối 30-4-1975.
Đến viếng và an ủi vợ con tướng Hưng vào tối hôm ấy, tướng Nam lộ chút hoang mang. Còn tình tiết tướng Nam “tự sát”, BBC dẫn từ một cấp dưới của ông ta xác định điều này.
Trong hồi ký sau này của một người xưng trung úy, Lê Văn Danh - một trong những thuộc cấp có mặt bên “chủ tướng” Nam vào đêm 30-4-1975, có đoạn tả lại khá tỉ mỉ khoảnh khắc tướng Nam tự sát.
Tướng Nam gần như thức trắng đêm 30-4-1975 và rít thuốc lá liên tục.
Đến sáng 1-5-1975, khi trinh sát của ta vào thì phát hiện tướng Nam đã tự kết liễu mạng sống của mình bằng khẩu súng ngắn.
Nhiều người cho rằng, trong tình huống không còn máy bay để di tản, tướng Nam chọn cách tự sát là do ông ta sợ bị trừng trị (?). Điều đó không ai kết luận đúng sai.
Có nhân chứng kể lại, trước khi tự sát, tướng Nam đã nói với một số thuộc cấp: “Các em hạ vũ khí đi, đừng đổ máu vô ích nữa. Họ (quân Giải phóng) là người chiến thắng sẽ không đối xử tệ bạc với chúng ta đâu”.
Một số ý kiến khác thì cho rằng có thể trước khi tự sát, ông ta đã nghĩ đến tình huống sẽ bị những “chiến hữu” và người thân của họ trả thù vì đã nghe theo những toan tính điên cuồng, đặc biệt là “nhật lệnh” tử thủ của ông ta, chống trả lại quân Giải phóng, mà họ và người thân của họ đã phải trả giá thích đáng.
Thực tế ngày 30-4-1975, chấp hành theo tuyên bố của chính quyền Cách mạng, nhiều người của chính quyền Sài Gòn đã nhận được đối xử khoan dung...