Dmitrii Donskoi tự đánh chìm mang theo 200 tấn vàng
Ngày 19/7 tờ Telegraph của Anh đưa tin, một nhóm cứu hộ Hàn Quốc đã phát hiện thấy xác của một chiếc tàu chiến thuộc Hải quân Nga bị đắm cách đây 113 năm trong trận chiến với Đế quốc Nhật Bản.
Tuần dương hạm Dmitrii Donskoi của Hải quân Nga đã được tìm thấy ở độ sâu hơn 434 m ở vị trí ngoài khơi cách bờ biển hòn đảo Ulleungdo của Hàn Quốc khoảng 1,3 km.
Khi bị đắm, Dmitrii Donskoi được cho là vẫn mang theo nó một lượng vàng khổng lồ khoảng 200 tấn, tương đương với 133,4 tỷ USD tính theo tỷ giá hiện nay. Một số tài liệu lịch sử cho rằng khi đó con tàu đang vận chuyển ngân khố cho toàn bộ hạm đội Nga, gồm cả các khoản chi trả tại cảng cũng như tiền lương của sĩ quan và thủy đoàn.
Dmitrii Donskoi là một tàu tuần dương thuộc biên chế của Hạm đội Baltic, Hải quân Đế quốc Nga được hạ thủy năm 1883. Phần lớn thời gian vòng đời, con tàu hoạt động chủ yếu trên biển Địa Trung Hải.
Tuy nhiên, Dmitrii Donskoi đã phải chịu chung một kết cục bi thảm cùng với rất nhiều chiến hạm khác của Nga khi nó được điều động đếm Hạm đội Thái Bình Dương số 2 tham gia cuộc chiến Tsushima (Battle of Tsushima) với Hải quân Nhật Bản (1904-1905).
Dmitry Donskoi đã chiến đấu quyết liệt đến những giây phút cuối cùng nhưng khi hạm đội hải quân Nga bại trận, con tàu buộc phải quay đầu theo hướng Bắc tiến về cảngVladivostok.
Hải quân Nhật Bản đã ngay lập tức đuổi theo Dmitry Donskoi và các chiếm hạm khác còn lại của Nga. Không chịu đầu hàng, các thủy thủ đã quyết định đánh đắm con tàu. Sự kiện xảy ra vào ngày 29/5/1905 tại vùng biển ngày nay thuộc địa phận ngoài khơi đảo Ulleungdo, Hàn Quốc.
Vị trí tìm thấy xác tuần dương hạm Dmitrii Donskoi. Ảnh: The Sun
Trận chiến Tsushima và cái kết bi thảm của Hải quân Nga
Ngược dòng lịch sử, năm 1894 sau khi đánh bại Hạm đội Bắc Dương (nhà Thanh - Trung Quốc) trên biển Hoàng Hải, Hải quân Nhật Bản chính thức trở thành một lực lượng hùng mạnh ở Châu Á. Họ bắt đầu tiến sâu vào vùng Đông Bắc Trung Quốc, nhưng vướng phải sự tranh giành ảnh hưởng của Đế quốc Nga.
Đến năm 1904, Nhật Bản vẫn chưa giành được toàn quyền kiểm soát các vùng biển bao quanh lãnh thổ của mình do Đế quốc Nga khi đó đã bố trí các đội tàu hải quân hùng hậu ở hai cảng Viễn Đông là Arthur (Lữ Thuận) và Vladivostok.
Sự hiện diện của các tàu hải quân nước ngoài ngay sát lãnh thổ đã ngăn cản Nhật Bản thực hiện tham vọng bành chướng ra châu Á.
Tháng 2/1904, thời điểm khi băng bao quanh 2 cảng biển của Nga bắt đầu tan, ban lãnh đạo tối cao Nhật Bản quyết định tung đòn đánh đầu tiên với người láng giếng to lớn hơn và biết rằng Nga không thể củng cố được vị thế của họ ít nhất cho tới năm 1905.
Ngày 1/8, không một lời tuyên chiến, Hải quân Đế quốc Nhật đã tấn công và đánh bại các liên đội tàu tuần dương hạng nặng Vladivostok trong trận chiến ở Eo biển Triều Tiên.
Tiếp nối đà thắng lợi, Nhật Bản nhanh chóng tiến đánh Hạm đội Thái Bình Dương, buộc những tàu chiến bị hư hỏng còn lại của Nga phải co cụm về cảng Arthur. Ngay sau đó, Nhật Bản áp đặt lệnh phong tỏa nhằm buộc Nga phải đầu hàng giao nộp cảng chiến lược này.
Khi tin tức về sự thất bại của Nga lan truyền về tới Moscow, Sa hoàng Nicolas II đã ra lệnh cho Đô đốc Rozhestvensky lập tức điều động Hạm đội Baltic tiến về Viễn Đông để cứu vãn tình hình. Thế nhưng, chuyến hải trình ứng cứu đã buộc phải hoãn lại vì công tác đóng 4 thiết giáp hạm mới lớp Borodino của Nga vẫn chưa hoàn thành.
Cuối cùng, đến ngày 2/10/1904 Hạm đội Baltic cũng tập hợp được lực lượng và rời cảng Libau cho chuyến hành trình nửa vòng trái đất tới "khôi phục danh dự Nga", củng cố vị thế cường quốc.
Soái hạm Suvorov của Hải quân Nga
Ngày 2/1/1905 trong lúc đang tiếp viện tại Madagascar, Đô Đốc Rozhestvensky đã phải đón nhận một tin dữ: Cảng Arthur rơi vào tay Nhật Bản. Tháng 3 cùng năm, Rozhestvensky rời cảng để hợp nhất với 4 chiến hạm nữa của Nga trên biển Ấn Độ Dương đang đặt dưới sự chỉ huy của Chuẩn Đô đốc Nebogatov.
Lúc này, toàn bộ hạm đội Nga đã hợp nhất và đặt dưới quyền tổng chỉ huy của Đô đốc Rozhestvensky thẳng tiến về phía kẻ thù mà không biết rằng Nhật Bản đang đón lõng sẵn.
Ngày 14/5, Hải quân Nhật Bản dưới quyền chỉ huy của Đô đốc Togo đã phát hiện thấy các lực lượng Nga, lúc này được đặt lại tên là Hạm đội Thái Bình Dương số 2, đang tiến về Eo biển Triều Tiên.
Chiều ngày 14/5, hai hạm đội hải quân đối địch bắt đầu chạm trán nhau. Hải quân Nga mạnh hơn gồm 11 thiết giáp hạm, 8 tàu tuần dương hạng nặng, 10 tàu khu trục cùng với rất nhiều tàu vận tải theo sau. Phía Nhật Bản có 5 thiết giáp hạm, 20 tàu tuần dương hạng nặng, 20 tàu khu trục và 45 tàu ngư lôi tấn công nhanh.
Khi bước vào giao chiến, Đô đốc Rozhestvensky cho giảm bớt tốc độ hành trình của hạm đội xuống còn 9 hải lý/giờ, lý do chính là bởi các tàu hậu cần của Nga vẫn còn ở xa phía sau chưa bám kịp đội tàu chính.
Lợi dụng sai lầm chết người này của đối thủ Nga, Đô đốc Togo đã quyết định để lại các tàu vận tải của ông ở phía sau và tăng tốc lên 15 hải lý/giờ. Sau khi nhanh chóng đánh bại đội tàu chính của Nga, Hải quân Nhật Bản bắt đầu tập trung hỏa lực tấn công các chiến hạm của Nga còn lại phía sau.
Nhật Bản đã khai cuộc bằng việc tập trung nã pháo vào tàu chỉ huy Suvorov và thiết giáp hạm Oslyabya. Sau khi đã khống chế được tàu Suvorov, Hải quân Nhật chuyển sang tấn công tàu Oslyabya, nhấn chìm nó xuống biển kéo theo thuyền trưởng Vladimir và toàn bộ thủy thủ tàu.
Trên chiến hạm Suvorov, lúc này gần như đã bị tên liệt, Đô đốc Rozhestvensky bị thương rất nặng nằm bất tỉnh. Các chiến hạm Alexander III và Borodino trong khi cố gắng phân tán hỏa lực ra khỏi tàu Suvorov đang bốc cháy, đã phải hứng chịu các đợt tấn công dữ dội của Nhật Bản.
Đến 4 giờ chiều, Đô đốc Togo đã không thể nhìn thấy rõ các tàu thuộc hạm đội Nga do bị che phủ bởi khói đạn mù mịt từ các cuộc đấu pháo giữa hai lực lượng.
Tàu Alexander III và Borodino lúc này đã tránh xa chiến hạm Suvorov, tập hợp lại cùng với các tàu tuần dương thành đội hình bảo vệ phía sau che chắn cho các tàu khu trục và tàu hậu cần còn lại đang cố gắng chạy về cảng Vladivostok.
Các sĩ quan và thủy thủ trên tàu Donskoi, gồm cả một người được cho là thuyền trưởng Ivan Lebedev (ngoài cùng bên phải)
Nhưng ngay trước khi màn đêm buông xuống, đội tàu bảo vệ phía sau này đã bị các chiến hạm Nhật đuổi theo tấn công. Sau một hồi đánh trả quyết liệt nhưng không thể chống đỡ nổi hỏa lực vượt trội của đối phương, cả tàu Alexander III và Borodino đều bị đánh bại và chìm xuống đáy đại dương.
Cùng thời điểm đó, tàu chỉ huy Suvorov cũng bắt đầu ngấm nước và dần chìm xuống. Tàu khu trục Buyny bên cạnh đã cố gắng cứu được Đô đốc Rozhestvensky và đội ngũ cấp cao của ông ngay trước khi con tàu ngập nước.
Trên thiết giáp hạm Emperor Nicholas, Chuẩn Đô đốc Nebogatov lúc này đang cố gắng chỉ huy số tàu chiến còn lại của hạm đội Nga trong khi Đô đốc Togo ra lệnh cho các chiếm hạm của Nhật ngừng bắn đồng thời điều các tàu khu trục và tàu ngư lôi tấn công nhanh tiêu diệt các tàu chiến đã kiệt quệ của Nga ở cự li gần.
Bị bao vây tứ phía, nên ngay trong đợt tấn công đầu tiên, các thiết giáp hạm Nga là Sysoy Veliky và Emperor Nicholas cùng với các tàu khu trục Monomakh và Nakhimov đã phát nổ tức thì rồi chìm xuống đại dương.
Đến nửa đêm, toàn bộ hạm đội Nga đã tê liệt. Gần như không còn cấp chỉ huy nào, rất nhiều thủy thủ Nga phải tự lo lấy số phận của mình, cố gắng thoát khỏi vòng vây của Hải quân Nhật Bản, tận dụng bất cứ cơ hội nào có thể.
Các tàu khu trục Oleg, Aurora và Zhemchug đã tháo chạy thành công tới neo đậu an toàn tại Philippines trong khi nhiều chiến hạm Nga khác bị cháy và bị gãy đã phải bắn tới những viên đạn cuối cùng và rồi bị chọc thủng bởi chính các thủy thủ.
Đô đốc Rozhestvensky bị thương cùng với đội ngũ chỉ huy cấp cao của ông được chuyển từ tàu Buyny lúc này đang bốc cháy sang tàu khu trục Bedovy nhưng cuối cùng cũng bị Nhật Bản bắt giữ.
Lúc này, 5 chiến hạm Nhật Bản tiến tới bao vây tàu Ushakov - thiết giáp hạm cuối cùng của Nga còn cầm cự được, và yêu cầu họ đầu hàng. Đáp trả, Thuyền trưởng Vladimir Miklukha đã ra lệnh cho các thủy thủ dốc toàn bộ hỏa lực bắn sang các tàu Nhật Bản. Sau hơn một giờ quyết chiến, Ushakov cũng không chống đỡ nổi đạn pháo của Nhật và đã bị chìm.
Thiết giáp hạm cuối cùng của Nga bị đánh đắm đã khép lại trận chiến Tsushima với phần thua thuộc về Đế quốc Nga. Toàn bộ hạm đôi hải quân Nga đã bị đánh chìm, gồm 11 thiết giáp hạm, 5 tàu tuần dương hạng nặng, và 8 tàu khu trục.
Trong trận chiến, 6.000 thủy thủ Nga đã thiệt mạng cùng với 6.500 người khác bị bắn làm tù binh, trong khi Nhật Bản chỉ mất có 3 tàu khu trục và 700 thủy thủ.
Đoạn video phát hiện chiếc tàu đắm được Shinil Group công bố.