Ngày 17/8, Chi cục Đường thủy nội địa khu vực I thông báo, đơn vị này đã kết thúc thời gian hạn chế giao thông đường thủy nhằm phục vụ công tác phục vụ sự cố âu tàu Nghĩa Hưng tại tỉnh Nam Định. Hiện tại, các phương tiện đường thủy lưu thông bình thường qua âu tàu Nghĩa Hưng của kênh đào này.
Trước đó, vào ngày 9/8, CTCP Quản lý Bảo trì đường thủy nội địa số 10, đơn vị quản lý âu tàu Nghĩa Hưng cho biết, khoảng 11h30' cùng ngày, trong quá trình vận hành, dây cáp tời kéo cánh phải cửa âu tàu bị đứt.
Vào thời điểm xảy ra sự cố, có 2 phương tiện đang ở trong buồng âu tàu nên chưa thể di chuyển ra ngoài. Ngay sau khi phát hiện ra sự cố này, đơn vị quản lý kênh đào Nghĩa Hưng đã quyết định tạm dừng hoạt động của âu tàu để tiến hành khắc phục hiện tượng rò rỉ dầu của hộp số cửa van cân bằng nước nằm ở phía đầu sông Đáy.
Ngoài ra, đơn vị này còn nhanh chóng lên phương án khắc phục sự cố cũng như khuyến cáo các chủ phương tiện đang lưu thông trên tuyến kịp thời điều chỉnh lộ trình trong thời gian thực hiện khắc phục sự cố.
Theo đó, trong thời gian khắc phục sự cố, tạm dừng cho các phương tiện đi qua kênh Nghĩa Hưng. Thuyền trưởng và người lái phương tiện chủ động tìm hiểu về điều kiện luồng, chọn hướng luồng đi phù hợp và đảm bảo an toàn.
Kênh đào hơn 100 triệu USA sau hơn 1 năm vận hành
Kênh Nghĩa Hưng nối sông Đáy với sông Ninh Cơ là công trình kênh đào có quy mô lớn nhất Việt Nam, với tổng mức đầu tư hơn 100 triệu USD.
Cụm công trình này được khởi công ngày 1/3/2021 và chính thức mở luồng vào ngày 25/7/2023. Cụm công trình có kết cấu bê tông cốt thép, với hệ thống neo âu tàu gồm hệ thống neo cố định ba mức nước vận hành, bao gồm 12 cụm neo hai bên, mỗi bên gồm 6 cụm neo.
Cụm công trình kênh Nghĩa Hưng gồm các hạng mục chính: Xây dựng kênh nối giữa sông Đáy và sông Ninh Cơ với chiều dài khoảng 1km, chiều rộng đáy kênh 90 - 100m; xây dựng âu tàu với kích thước buồng âu rộng 17m, dài 179m, cao độ đáy âu -7 m. Trong số đó, hạng mục giá trị nhất của kênh Nghĩa Hưng là âu tàu.
Trong âu Nghĩa Hưng có 2 khu chờ tàu, bao gồm đầu âu tàu phía sông Ninh Cơ và đầu âu tàu phía sông Đáy. Mỗi đầu có 7 trụ neo, 3 cầu bộ hành. Trọng tải cho phép đi qua âu tàu này lên đến 3.000 tấn.
Âu tàu Nghĩa Hưng vận hành tương tự kênh đào Panama. Ngoài ra, mỗi khi thực hiện thao tác đóng, mở âu tàu thì đều có sự giám sát nghiêm ngặt của lực lượng kỹ sư để đảm bảo an toàn.
Sau hơn một năm đi vào hoạt động, kênh đào Nghĩa Hưng đã đưa hàng nghìn tàu chở hàng, vận tải dầu... đi qua, từ đó giúp rút ngắn thời gian đi lại và phát triển kinh doanh giao thương thuận tiện tại các vùng lân cận.
Bộ Giao thông vận tải giao Cục Đường thủy nội địa Việt Nam có trách nhiệm tổ chức quản lý, khai thác, vận hành, bảo trì, bảo vệ luồng đường thủy nội địa quốc gia kênh Nghĩa Hưng, Âu tàu Nghĩa Hưng theo quy định.
Luồng đường thủy nội địa quốc gia kênh Nghĩa Hưng có chiều dài 2,104 km (bao gồm chiều dài âu tàu). Luồng có điểm khởi đầu ở km 8+300 sông Ninh Cơ (xã Nghĩa Lạc, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định) và điểm kết thúc tại km 35+450 sông Đáy (xã Nghĩa Sơn, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định).
Bộ Giao thông Vận tải giao Cục Đường thủy nội địa Việt Nam có trách nhiệm tổ chức quản lý, khai thác, vận hành, bảo trì, bảo vệ luồng đường thủy nội địa quốc gia kênh Nghĩa Hưng, Âu tàu Nghĩa Hưng theo quy định. Đồng thời, các cơ quan, tổ chức quản lý Nhà nước chuyên ngành về giao thông đường thủy nội địa khác tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo thẩm quyền đối với hoạt động giao thông thủy nội địa và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa theo quy định.