Nhóm công dân Thái Lan đầu tiên được
Được một học giả người Thái ở Iran hỗ trợ, thông điệp được trao đổi giữa đại diện của Hamas ở Tehran với ông Wan Muhamad Noor Matha, Chủ tịch Hạ viện Thái Lan và là một chính trị gia Hồi giáo kỳ cựu.
Cuối cùng, một cuộc gặp kéo dài 2 giờ được sắp xếp ở thủ đô của Tehran vào ngày 26/10. Tại đó, phái đoàn gồm 3 người từ Thái Lan gặp ông Khaled Qaddoumi, người mà một nhà đàm phán mô tả là “một trong những mục tiêu hàng đầu của Mỹ”.
Ông Qaddoumi hứa rằng các con tin Thái Lan, gồm vài chục công nhân nông nghiệp, sẽ được trả tự do ngay sau khi điều kiện cho phép.
Cuối cùng, nhóm công dân Thái là một trong những nhóm con tin được Hamas thả sớm nhất, khi lực lượng này và Israel thực hiện thỏa thuận ngừng bắn trong 1 tuần.
Theo các nhà phân tích, đạt được bước đột phá này là nhờ quan hệ từ lâu của Thái Lan với thế giới Ả-rập và nhiều cuộc đàm phán ngoại giao, nhất là giữa người Hồi giáo Thái Lan với Hamas.
“Hamas nói với chúng tôi rằng chúng tôi là nhóm đầu tiên và duy nhất có thể nói chuyện trực tiếp với họ”, TS Lerpong Syed, một người trong nhóm đàm phán của Thái Lan, nói với CNA .
Khoảng 1.200 người thiệt mạng và 240 người bị bắt làm con tin, trong đó có 32 công nhân Thái Lan, khi Hamas triển khai đợt tấn công bất ngờ vào miền nam Israel ngày 7/10.
Trong lúc Chính phủ Thái Lan tìm cách bảo đảm cho các công dân của mình, một nhóm Hồi giáo của nước này tự tìm kênh riêng, dẫn đến cơ hội có cuộc gặp nêu trên.
Trong cuộc gặp đại diện của Hamas, đoàn Thái Lan đề nghị trả tự do vô điều kiện cho nhóm công dân của họ và nhấn mạnh lập trường trung lập của Bangkok đối với cuộc xung đột ở Dải Gaza .
Một tháng sau, khi thỏa thuận ngừng bắn do Qatar làm trung gian có hiệu lực, 10 công nhân Thái Lan nằm trong nhóm con tin đầu tiên được Hamas trả tự do. Sau đó, thêm 13 người Thái được thả trong đợt tiếp theo.
Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết, 9 công dân của họ vẫn đang bị giam giữ tại Dải Gaza, và chưa rõ khi nào có thể giải cứu khi thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas đã sụp đổ.
Tiến sĩ Lerpong là chủ tịch Hiệp hội cựu sinh viên Thái Lan-Iran và là giảng viên tại Khoa Khoa học chính trị của ĐH Quốc tế Al-Mustafa ở Iran.
Anh trai ông là lãnh đạo cộng đồng Hồi giáo Shia ở Thái Lan và gia đình ông ủng hộ người Palestine trong nhiều thập kỷ. Thông qua các hoạt động như hội thảo học thuật và tuần hành ủng hộ người Palestine, học giả này quen biết thành viên của Hamas.
Những mối liên hệ này đã mở ra cánh cửa giúp các công dân Thái Lan sớm được thả. Trong khi đó, các quốc gia khác có công dân bị bắt chỉ có thể đàm phán thông qua Qatar , Iran, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoài cuộc gặp với Hamas, nhóm của TS Lerpong cũng gặp các nhân vật có ảnh hưởng của Iran trong tháng 10 để nhờ họ giúp tác động.
Trong khi đó, Chính phủ Thái Lan gặp gỡ song song các đối tác của họ trong thế giới Hồi giáo. Thủ tướng Srettha Thavisin có buổi tiếp kiến Thái tử Mohammed bin Salman của Ả-rập Xê-út để thảo luận về tình hình, trong khi Ngoại trưởng Parnpree Bahiddha-Nukara tìm gặp người đồng cấp ở Ai Cập và Qatar. Ông cũng tìm cách gặp Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian tại Doha và nhờ Tehran giúp đỡ.
Theo Bộ Ngoại giao Iran, ông Abdollahian đã chuyển tải thông điệp này tới “các quan chức chính trị cấp cao của Hamas” trong một cuộc gặp riêng ở thủ đô Qatar.
Theo CNA