Nguyên nhân chính là cái tên McCallum đã từng gắn liền với nhiều sự kiện cũng như thành công đáng chú ý trong lĩnh vực phản gián và chống khủng bố của người Anh trong thời gian vừa qua. Ken McCallum được hy vọng sẽ đem lại một làn sóng mới tại cơ quan mật vụ lâu đời này của xứ sở sương mù.
Nhà lãnh đạo mới của MI-5 được đánh giá là rất trẻ trung, đồng thời có mối quan hệ thân thiết với đương kim thủ tướng.
Các nhà quan sát chính trị tại London và nước ngoài còn nêu ra một “điểm cộng” nữa: vào đúng thời điểm nước Anh đang phải chịu áp lực ngày càng lớn từ phong trào đòi ly khai tại Scotland, việc bổ nhiệm một người Scotland vào một trong những cương vị chủ chốt của đất nước có thể nói là một bước đi tuyệt vời.
Chàng trai từ Glasgow
Tổng giám đốc thứ 18 của MI-5 (cơ quan được thành lập từ năm 1909) có thể nói là người trẻ nhất trong số các quan chức từng lãnh đạo tại đây. Độ tuổi chính xác của ông không được tiết lộ với nguyên tắc là một bí mật quốc gia.
Ông Ken McCallum.
Các nhà chức trách cho rằng, thông tin trên có thể gây ảnh hưởng đến an toàn của McCallum và cả gia đình. Ngay cả về chuyện gia thất của quan chức này, công luận cũng gần như mù tịt, chỉ biết láng máng ông đã có ít nhất một đứa con.
Dù sao một vài thông tin về thời thơ ấu của McCallum cũng được báo chí đưa ra. Tân tổng giám đốc MI-5 sinh ra tại Glasgow trong một gia đình có lẽ không quá giàu có, vì ông chỉ học tại một trường công tại đây.
McCallum rất say mê toán học, nên sau khi tốt nghiệp phổ thông, ông tiếp tục nghiên cứu sâu về lĩnh vực này tại Trường đại học Tổng hợp Glasgow, là nơi MI-5 cũng thường tìm đến tuyển mộ các nhân viên mới. Nhưng riêng đối với trường hợp của McCallum, ông lại là người chủ động nộp đơn xin vào cơ quan phản gián Anh.
Chuyên gia chống khủng bố
Kể từ khi được nhận vào MI-5 từ năm 1995, nhiệm vụ của McCallum trong những năm đầu chủ yếu tập trung vào việc đấu tranh chống lại các phần tử cực đoan. Chính xác hơn là đối đầu với những nhóm cực đoan người Bắc Ireland, từ trước vẫn luôn kiên quyết khước từ thỏa thuận hòa bình, liên tục chống đối lại chính quyền Anh. Cũng chính trong cuộc chiến này, McCallum bắt đầu thể hiện được khả năng xuất sắc của mình.
Năm 1998, tại thị trấn Oma (Bắc Ireland) xảy ra một vụ khủng bố làm 29 người thiệt mạng và hơn 200 người khác bị thương. McCallum đã trực tiếp tham gia vào việc điều tra vụ việc trên, theo một số nguồn tin nếu ông không phải người đứng đầu thì cũng là một trong những quan chức đóng vai trò chủ chốt.
Việc điều tra khủng bố đã hoàn tất với việc phát hiện ra những kẻ tội phạm. Với những bằng chứng được cảnh sát và cơ quan an ninh đưa ra, Bộ Tư pháp đã ra quyết định truy tố những kẻ thủ phạm.
Tuy nhiên về sau cả cảnh sát cũng như MI-5 đều không sẵn sàng tiết lộ những nguồn tin quí giá của mình, trong khi nhân chứng “công khai” được họ đưa ra lại không thể thuyết phục được Viện Kiểm sát. Điều này khiến cho vụ án không được đưa ra xét xử trước tòa.
Thất bại trong việc đưa vụ án tại Oma ra xét xử không làm ảnh hưởng tới sự nghiệp của McCallum. Mọi việc thậm chí còn xoay chuyển nhanh chóng theo chiều ngược lại. Theo một số nguồn tin từ báo chí, ông còn thay mặt cho cơ quan mật vụ Anh tiếp tục tham gia vào một tiến trình hòa bình mới tại Bắc Ireland.
Thử thách thứ hai này đã kết thúc rất thành công, khi nhiều thành phần khủng bố hàng đầu đã quyết định hợp tác với London, quay trở lại đối đầu với không chỉ các phần tử cực đoan Bắc Ireland mà còn cả lực lượng khủng bố Hồi giáo.
Những thành tích ấn tượng của McCallum ngay lập tức được cấp trên nhìn nhận và đánh giá. Khi chưa đầy 40 tuổi, ông được giao một trọng trách hết sức đặc biệt, đó là điều hành toàn bộ hoạt động đảm bảo an ninh cho Thế vận hội 2012 tại London.
Chính từ thời điểm này, McCallum đã có điều kiện tiếp xúc làm quen với nhiều quan chức hàng đầu, trong đó có cả Thủ tướng Boris Johnson, khi đó đang giữ cương vị Thị trưởng London.
Hoàn thành trọng trách bảo đảm an toàn cho Thế vận hội ở mức cao nhất, McCallum quay trở lại với nhiệm vụ mà có lẽ ông ưa thích hơn cả - đó là tập trung phát triển và ứng dụng các công nghệ số hóa vào việc đảm bảo an ninh quốc gia.
Trong khoảng thời gian này, ông chuyển sang làm việc tại Bộ Chiến lược Kinh doanh, Năng lượng và Công nghiệp, cho dù vẫn giữ vai trò là một quan chức cao cấp của cơ quan phản gián. Trọng trách chính của McCallum tại đây là tiếp xúc với các đại diện trong giới doanh nghiệp, tìm các khả năng hợp tác của họ với cơ quan phản gián.
Những ưu tiên mới
Quay trở lại với MI-5 một năm sau đó, McCallum lại bắt đầu vào việc nghiên cứu các công nghệ ứng dụng trong cơ quan này, đồng thời tập trung vào các giải pháp ngừng vận hành các nhà máy điện hạt nhân đã lạc hậu vì lợi ích an ninh quốc gia. Ông thậm chí có chân trong hội đồng giám đốc ủy ban điều hành vấn đề trên.
Cũng trong thời điểm này, McCallum đã được nhắm đến để chuẩn bị cho khả năng lên nắm chiếc ghế điều hành cao nhất tại MI-5. Bước đầu tiên, ông được bổ nhiệm làm phó tổng giám đốc phụ trách mảng chiến lược của cơ quan này.
Trên cương vị trên, ông phụ trách trực tiếp hai mảng công việc chính – xây dựng một đạo luật mới trong lĩnh vực an ninh và mở rộng hợp tác với các tổ chức khác trong cộng đồng tình báo Anh, điển hình là Trụ sở truyền thông chính phủ (GCHQ - phụ trách mảng tình báo điện tử) và Cơ quan Tình báo MI-6.
Hai năm sau, ông trở thành phó tổng giám đốc thứ nhất của MI-5 vào năm 2017, trực tiếp điều hành việc điều tra các vụ khủng bố tại London và Manchester. Chính ông vào năm 2018 cũng chỉ đạo điều tra cái gọi là “cuộc khủng hoảng tại Salisbury”, liên quan đến vụ ám sát cựu điệp viên Nga Sergei Skripal.
Giới lãnh đạo MI-5 hiện chưa có những tuyên bố chính thức về các kế hoạch của mình trong tương lai. Nhưng nếu tính tới những hoạt động trong quá khứ của McCallum tại cơ quan mật vụ này, những ưu tiên trong hoạt động sắp tới của MI-5 sẽ tập trung vào việc tiếp tục phát triển các công nghệ số áp dụng cho hoạt động phản gián và chống khủng bố.