Mặc dù khuôn mặt anh đã từng được tái tạo bằng công nghệ để được đưa vào game, nhưng Keanu Reeves có một lập trường vững chắc trong việc giữ nguyên khuôn mặt mình trong phim ảnh.
Trong một buổi phỏng vấn với tạp chí Wired , Keanu Reeves tỏ rõ thành kiến với công nghệ deepfake. Thậm chí, anh khẳng định hợp đồng của anh chứa điều khoản yêu cầu studio không được thay đổi khuôn mặt anh bằng công nghệ.
Keanu Reeves không thích giả trị giả tạo mà công nghệ deepfake mang lại - Ảnh: Internet.
“Tôi không phiền nếu ai đó bỏ đi một cái chớp mắt của tôi”, anh Reeves nói. “Nhưng trước đây, đầu những năm 2000 hay thập niên 90 gì đó, diễn xuất của tôi đã bị thay đổi. Họ thêm một giọt nước mắt vào khuôn mặt tôi [...] Tôi kiểu, chẳng cần tôi ở đây diễn mà làm gì”.
“Khi tham gia đóng phim, bạn biết nhân vật của bạn sẽ bị thay đổi đôi chút, nhưng bạn trực tiếp tham gia vào việc đó”, anh Reeves nói thêm. “Nhưng nếu tiếp cận miền đất của deepfake, thì nhân vật này sẽ không hề có góc nhìn của bạn. Điều đó thật đáng sợ. Rồi xem chúng ta đối phó với những công nghệ này như thế nào. Chúng đang có tác động lớn tới văn hóa và xã hội, và cả việc các giống loài đang được nghiên cứu nữa. Hiện tại ta đang có rất nhiều dữ liệu về hành vi [sinh vật]”.
Theo lời anh Reeves thuật lại, cuộc trò chuyện diễn ra gần đây với một cậu bé 15 tuổi khiến anh nhận ra một khía cạnh nhận thức đáng sợ. Anh Reeves kể với cậu bé về Neo - nhân vật chính trong loạt phim Ma Trận đình đám - và cuộc đấu tranh của Neo với những thứ gì có thật. Cậu bé 15 tuổi mỉa mai: “Ai thèm quan tâm nếu nó có thật hay không?”.
Neo trong bộ phim Ma Trận - một tác phẩm điện ảnh đã định hình cả một thế hệ - Ảnh: Internet.
Nhận xét của cậu bé khiến Keanu Reeves giật mình. “[Thế hệ trẻ] lớn lên cùng những công cụ này: Chúng ta đã đang nghe nhạc do AI làm theo phong cách của Nirvana, rồi cả những tác phẩm nghệ thuật NFT nữa”, anh Reeves nói. “Cũng ngầu, như kiểu ‘Nhìn những cỗ máy bé nhỏ có thể làm gì này!’ Nhưng đằng sau chúng là những tập đoàn luôn kiếm tìm cách kiểm soát. Về mặt văn hóa và xã hội, chúng ta sẽ phải đối mặt với giá trị của những gì có thực, và những thứ không có giá trị”.
“Chúng ta đang quỳ gối, nhìn lên tường hang và chỉ thấy hình bóng phản chiếu, và chúng ta không có cơ hội quay lại nhìn những gì có phía sau lưng mình”, anh Reeves nói, nhắc tới truyện ngụ ngôn về cái hang của Plato - nơi chứa một nhóm người không còn biết phân biệt thật - giả, họ tưởng bóng hình trên trần hang tạo ra từ ngọn lửa là thực tại mình đang sống.
Đã nhiều lần, giới công nghệ lên tiếng cảnh báo về tác hại của công nghệ deepfake. Nhưng cho đến giờ, chúng ta vẫn chưa sở hữu một công nghệ hiệu quả để phát hiện ra những sản phẩm deepfake.
Mặt tối của công nghệ, hay cụ thể là của trí tuệ nhân tạo đang hiện ngày một rõ. Nếu không có những bước chuẩn bị đúng đắn, chúng ta sẽ sớm sống trong một thế giới méo mó, thật - giả bất minh.